Cô và trò trường Tiểu học 1 thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân sử dụng bảng học thông minh.
CNTT được xác định là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong lộ trình đổi mới và nâng cao chất lượng toàn diện của giáo dục Cà Mau.
Ông Lê Hoàng Dự, Phó giám đốc sở GD&ĐT thông tin, nguồn nhân lực ứng dụng CNTT ở các cấp học, bậc học không đồng đều cả về số lượng và chất lượng, thấp nhất là ở bậc học mầm non. Cá biệt có nơi không có người phụ trách, mặc dù 100% các đơn vị trường học có máy tính kết nối internet.
Việc ứng dụng CNTT trong quản lý giáo dục đã được hầu hết các đơn vị áp dụng với những phần mềm giáo dục chuyên biệt. Tuy nhiên, một số đơn vị vẫn chưa sử dụng các phần mềm cho hoạt động quản lý, hoặc chưa đồng bộ, chưa thống nhất dẫn đến công tác chỉ đạo, điều hành còn vướng.
Đến thời điểm hiện tại, tình hình thực hiện chuyển đổi sổ sách truyền thống sang sổ sách điện tử của các địa phương vẫn còn chậm và không đồng đều. Đặc biệt, một số địa phương được đánh giá là vùng khó khăn như Ngọc Hiển, Cái Nước lại thực hiện rất tốt, trong khi đó những đơn vị có điều kiện thuận lợi như TP. Cà Mau lại khá chậm.
Với việc ứng dụng CNTT vào dạy và học, giờ học của giáo viên và học sinh trở nên sinh động, đặc biệt là hỗ trợ cho những bộ môn khoa học cơ bản, năng khiếu và kỹ năng. CNTT cũng đã giúp các đơn vị trường học kết nối, quản lý, tạo được sự tin cậy giữa nhà trường – học sinh và gia đình. Nhiều sân chơi, cuộc thi trong giáo dục cũng đã nở rộ với sự kết nối và cộng hưởng của CNTT.
Bà Trương Thanh Thoảng, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Trần Văn Thời cho biết, một số nơi cáp internet chưa thể kéo tới nên rất khó để kết nối và ứng dụng CNTT. Đặc biệt, một số cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa chịu cập nhật, thay đổi thói quen, tư duy về ứng dụng CNTT, coi nhẹ vấn đề này nên chuyển biến rất chậm. Ngành giáo dục Cà Mau nên sớm đưa ra những mô hình, cách làm hay để các địa phương áp dụng.
Ông Đỗ Thanh Tâm, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Ngọc Hiển cho biết, huyện đã nỗ lực khắc phục khó khăn, quyết liệt chỉ đạo các đơn vị trường học ứng dụng CNTT vào dạy và học. Ứng dụng CNTT là giải pháp tối ưu và là điểm đột phá để đổi mới phương thức dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục. Đối với những trường học thuộc vùng nông thôn khó khăn, việc đưa CNTT vào trường học đã mang lại luồng sinh khí mới mẻ, sôi nổi và tạo không khí phấn đấu, thi đua rộng khắp.
Tuy nhiên, nỗi lo lắng lớn nhất của Ngọc Hiển là cơ sở vật chất cho CNTT. Hệ thống máy móc trang bị cho các đơn vị trường học đã lâu, lạc hậu, xuống cấp đồng loạt. Dù rất nỗ lực, song vẫn không đảm bảo được nhu cầu thực tế. Kinh phí dành cho ứng dụng CNTT vào giáo dục là chưa tương xứng, chưa tạo được những cú hích thật sự.
Ông Thi Văn Trí, Hiệu trưởng trường THPT Lý Văn Lâm cho biết: “Cả trường chỉ có 6 máy tính sửa đi sửa lại để dành cho 2.300 học sinh, trong khi đó thì người phụ trách thì không có”. Ông Trí cũng cho biết, thời gian tới nhà trường sẽ dành nhiều sự quan tâm hơn để khắc phục hạn chế này, tuy nhiên cũng cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa của ngành giáo dục.
Hầu hết các địa phương và các đơn vị trường học còn lại cũng nêu những khó khăn tương tự. Phần lớn các địa phương đều có tỷ lệ và tốc độ ứng dụng CNTT chưa đạt yêu cầu.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Luân, Giám đốc sở GD&ĐT thẳng thắn chỉ ra: “Việc ứng dụng CNTT còn chậm, chưa đồng bộ có nguyên nhân sâu xa là nhận thức của cán bộ, giáo viên và các đơn vị trường học. Dù điều kiện hiện tại của ngành giáo dục Cà Mau là còn nhiều khó khăn, mỗi nơi mỗi khác, song quan trọng nhất là sự chủ động, là sự mạnh dạn thay đổi thói quen, tư duy của từng cá nhân, đơn vị”.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Luân lưu ý, việc ứng dụng CNTT cần được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, phải đưa vào nội dung hoạt động rất cụ thể của toàn ngành giáo dục, coi đây là điều kiện, là tiền đề để phát triển giáo dục.