Ngoài ra, các chuyên gia đưa ra những gợi ý nhằm giúp giáo viên mầm non vận dụng vào giải quyết các vấn đề như biết quản lý cảm xúc, tránh được những tiêu cực phát sinh trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non.
Theo các chuyên gia giáo dục, hiện nay, bên cạnh những giáo viên có kinh nghiệm giải quyết các tình huống sư phạm một cách phù hợp và hiệu quả thì vẫn còn những giáo viên lúng túng trong cách ứng xử, thiếu kỹ năng giải quyết tình huống phù hợp hoặc lạm dụng uy quyền để trấn áp trẻ, dẫn đến những phản ứng ngược từ phía trẻ, gia đình và xã hội.
Để giải quyết tình huống sư phạm, giáo viên cần dựa trên các cơ sở khoa học trong xử lý tình huống sư phạm, đó là hệ thống kiến thức về đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, các nguyên tắc và quy trình xử lý tình huống sư phạm. Đặc biệt, giáo viên cần phải có năng lực xử lý tình huống sư phạm cùng hệ thống các kỹ năng sư phạm để nhận diện tình huống, phát hiện mâu thuẫn, huy động kinh nghiệm, lựa chọn phương án, bình tĩnh, quan tâm, tôn trọng, thận trọng lắng nghe để hiểu đối tượng, nhằm sáng tỏ các nguyên nhân, vận dụng các biện pháp thích hợp trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc và quy trình.
Vụ trưởng Giáo dục Mầm non (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Bá Minh cho biết, đây là một trong những chuyên đề quan trọng mà vụ đã mời chuyên gia có kinh nghiệm xây dựng nội dung cho giáo viên cốt cán ở địa phương để triển khai, áp dụng ở các cơ sở giáo dục mầm non. Bên cạnh đó, nội dung hỗ trợ trường mầm non trong việc tổ chức phối hợp với cha mẹ trẻ rất quan trọng. Nếu không có sự phối hợp tốt giữa cha mẹ trẻ và nhà trường, không có sự thống nhất về nội dung, phương pháp và mục tiêu giáo dục thì rất khó nâng cao chất lượng chăm sóc các cháu.
Thí dụ, ở trường, các cô giáo rèn luyện tính tự lập cho trẻ nhưng khi về nhà, bố mẹ lại nuông chiều thì khó đạt được mục tiêu giáo dục. Vì vậy, nếu có sự thống nhất giữa nhà trường và gia đình thì việc giáo dục, chăm sóc các cháu sẽ đạt được hiệu quả tốt.