Học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (TP. Long Xuyên) nâng cao ý thức qua cuộc thi vẽ tranh về biển, đảo, bảo vệ môi trường
Thực trạng báo động
Tình trạng suy thoái, xuống cấp về đạo đức, lối sống, sự gia tăng tệ nạn xã hội và tội phạm đáng lo ngại nhất là trong giới trẻ. Hành vi phổ biến nhất là: chửi thề, gây gổ, đánh nhau, trốn học, gian lận trong thi cử… thậm chí nhiều HS vi phạm pháp luật. Thống kê mỗi năm, cả nước có khoảng 1.600 vụ HS đánh nhau ở trong và ngoài trường học, trung bình 5 vụ/ngày. Nhiều vụ bạo lực học đường trở thành bức xúc của xã hội như nhiều HS “đánh hội đồng” 1 HS khác rồi quay clip tung lên mạng xã hội…
Có rất nhiều nguyên nhân khách quan như: tác động của internet, game bạo lực, mạng xã hội… nhưng 3 yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến việc hình thành đạo đức, nhân cách HS là gia đình-nhà trường và xã hội. Tuy nhiên, vai trò và sự gắn kết giữa 3 môi trường này còn rất lỏng lẻo.
Gia đình thiếu quan tâm hoặc giáo dục con em mình không phù hợp (nhiều gia đình “khoán trắng” việc giáo dục con em cho trường hoặc thậm chí thường xuyên gây gổ, bạo lực, không thật sự là tổ ấm nuôi dạy con cái). Còn nhà trường thì nhiều nơi chưa làm tốt việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho HS. Người học luôn lấy thầy cô làm tấm gương để noi theo, song bên cạnh rất đông thầy, cô giáo luôn tâm huyết cho sự nghiệp “trồng người” thì vẫn còn một số giáo viên xuống cấp đạo đức, sa sút nhân cách. Đã có nhiều vụ bạo lực học đường, thậm chí nhiều vụ giáo viên đánh HS, HS đánh giáo viên, thầy giáo xâm hại tình dục HS ngay trong trường học… như báo chí phản ánh thời gian qua. Còn xã hội, do sự phát triển mạnh mẽ của internet, sự ảnh hưởng từ môi trường văn hóa như: phim ảnh, trò chơi bạo lực… tác động đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của HS. Chính người lớn thiếu gương mẫu trong ứng xử đã trở thành gương xấu cho HS.
Tăng cường giáo dục nhân cách
Không phải bây giờ chúng ta mới bàn đến vấn đề tăng cường giáo dục đạo đức, nhân cách sống cho HS, mà từ lâu đây chính là nền tảng cốt lõi để hoàn thiện một con người, bởi có câu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, chúng ta gần như “quên” giáo dục lễ nghĩa cho HS, mà chạy đua vào việc nhồi nhét kiến thức quá mức. Dễ thấy là mặc dù mới học lớp 1 nhưng mỗi ngày các cháu phải “vác” tới trường ba-lô đầy sách, vở, dụng cụ học tập (chưa kể sách, vở để lại trên lớp); càng lên lớp cao thì khối lượng sách, vở tăng lên. Ngoài 2 buổi học mỗi ngày, nhiều cháu còn phải học thêm buổi tối, tham gia các buổi ngoại khóa… nên chẳng còn thời giờ vui chơi. Trong khi đó, một thời gian dài chúng ta lại xem các môn đạo đức, giáo dục công dân (thậm chí môn Văn) là môn học phụ, học qua loa để đủ điểm thi; chỉ chăm chút cho Toán, Lý, Hóa, Sinh… Bên cạnh đó, nhiều gia đình chưa quan tâm đúng mức đến con em, “khoán gọn” cho nhà trường, thậm chí nhiều phụ huynh còn thường xuyên gây gổ, đánh nhau ngay tại bàn ăn… nên con trẻ dễ có hành vi bạo lực khi xảy ra mâu thuẫn nhỏ. Trong khi ngoài xã hội thì vẫn còn tồn tại thói xấu để con trẻ bắt chước, lâu dần thành quen và trở thành “quán tính” trong hành xử.
Năm học mới, bên cạnh những công việc trọng tâm của ngành giáo dục cần triển khai, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đặc biệt lưu ý đến vấn đề đạo đức nhà giáo và giáo dục đạo đức, nhân cách cho HS. Chú trọng mục tiêu giáo dục toàn diện HS phải gắn với phong trào “Trường học thân thiện, HS tích cực”. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các trường tiểu học, THCS phát động phong trào xây dựng tập giáo án dạy HS về “5 điều Bác Hồ dạy” gắn với giáo dục nhân cách, đạo đức và cụ thể hóa để nâng cao ý thức, phát triển nhân cách HS; tăng cường giáo dục cách ứng xử có văn hóa đối với HS tất cả các cấp.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, việc giáo dục đạo đức, nhân cách HS không nên “khoán gọn” cho nhà trường, mà còn là trách nhiệm của gia đình và xã hội. Năm học này phải tạo bước chuyển căn bản trong đạo đức, lối sống, trải nghiệm, sáng tạo, giúp HS hiểu thêm về truyền thống văn hóa dân tộc để nâng cao lòng yêu nước, sống có mục đích, lý tưởng. Bộ Giáo dục và Đào tạo phải rà soát nội dung môn đạo đức hiện nay để tăng cường “dạy người” cho HS. Các trường phát động giáo viên xây dựng bài giảng mẫu về đạo đức để truyền dạy cho HS; các cơ quan truyền thông, xã hội tham gia giới thiệu gương người tốt, việc tốt… để khơi dậy phong trào học tập đạo đức cho giới trẻ.