Đánh đố học sinh
“Quả ban trong bài là loại quả gì?”. Một số giáo viên Ngữ văn tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng đó chính là quả của cây ban ở Tây Bắc. Nhưng cây ban ở Tây Bắc (Sơn La, Điện Biên, Lai Châu) chỉ có hoa chứ không có quả.
Chi tiết quả ban trong văn bản “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh (Sách giáo khoa Ngữ văn 8, tập 1).
Theo bình luận của một giáo viên chuyên văn: “Phần nhiều giáo viên miền Bắc hiểu quả ban là quả cây ban. Tôi cũng vậy”. Một số giáo viên Ngữ văn tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho rằng, đó là từ địa phương - quả ban tức là quả bóng (bóng đá). “Quả ban hay quả banh, tức là quả bóng đá. Thầy cô nào biết thì giải thích như vậy cho học sinh hiểu thôi”, một giáo viên chuyên văn tại Hà Nội chia sẻ.
Trao đổi với PV Báo NNVN nhằm giải đáp thắc mắc về chi tiết quả ban trong văn bản “Tôi đi học”, GS.NGND Nguyễn Lân Dũng khẳng định: “Trong hoàn cảnh của văn bản, chi tiết quả ban ở đây có thể được hiểu là quả bóng đá. Quả ban, quả banh hay quả bóng đều có thể được hiểu theo một ý nghĩa là quả bóng đá. Ý nghĩa của chi tiết trong văn bản không thuộc lĩnh vực thực vật học”.
Sau khi đưa ra câu hỏi: “Chi tiết quả ban trong văn bản "Tôi đi học" nghĩa là quả gì?” tại một lớp 8 của trường THCS Marie Curie Hà Nội, kết quả chỉ có khoảng 9 - 12 học sinh (chiếm 30 - 40% trên tổng số 30 em) hiểu được rằng quả ban trong bài chính là quả bóng.
Mặc dù xét trong bối cảnh văn bản chi tiết quả ban nghĩa là quả bóng có thể dễ hiểu, nhưng không phải em học sinh lớp 8 nào cũng biết rõ nghĩa của chi tiết này. “Trong hoàn cảnh này nên có thêm một phần chú thích bên dưới văn bản để các em học sinh dễ hiểu hơn”, ông Nguyễn Lân Dũng nhận xét thêm.
Để giải đáp thắc mắc này của bạn đọc, Ban Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã trả lời Báo NNVN bằng văn bản như sau:
Trong văn bản “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh (SGK Ngữ văn 8, tập một) có đoạn “…Hết co lên một chân, các cậu lại duỗi mạnh như đá một quả ban trong tưởng tượng”, thì quả ban trong câu trích ở trên là quả bóng. Từ ban vốn là từ mượn tiếng Pháp, nguyên gốc là balle. Khi vào tiếng Việt, từ này được Việt hóa, trong quá trình sử dụng, phạm vi sử dụng của từ này được khuôn định vào lớp từ ngữ địa phương.
Cứ dùng giản dị là đá banh
Theo Ban Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Ngữ văn là môn tích hợp, nên khi đọc - hiểu văn bản, học sinh phải vận dụng kiến thức ngôn ngữ (tiếng Việt) để giải mã văn bản, trong đó có phần tìm hiểu từ ngữ.
“Các từ ngữ xuất hiện trong văn bản, nếu các em không hiểu thì phải tìm hiểu, tra cứu các từ điển. Trên thực tế, các thầy cô, khi tổ chức dạy - học môn Ngữ văn, căn cứ vào tình hình cụ thể của học sinh để xác định việc giải thích từ ngữ ở mức cần thiết. Từ ban trong văn bản đã nêu, học sinh lớp 8 có thể hiểu được ban là “bóng” qua từ điển, hỏi thầy cô, người thân…”, Ban Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết.
Ban Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng cho rằng, các từ ngữ khác, nếu chưa hiểu nghĩa, có thể thực hiện theo cách làm tương tự. Từ việc hiểu nghĩa các từ ngữ trong văn bản, kết hợp với những thao tác khác, các em sẽ giải mã văn bản cần tìm hiểu.
Tuy nhiên, Đại tá - Nhà văn Ngô Vĩnh Bình, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tác giả biên soạn Tuyển tập Thanh Tịnh, nêu quan điểm: “Ban là nhà văn Thanh Tịnh hay đánh bóng bàn thì giao bóng ông hay nói là giao ban. Theo tôi, cứ nên phổ thông cho dễ hiểu. Còn dùng đá quả ban như trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8 thì như đánh đố người đọc hiện nay. Sách giáo khoa thì phải trong sáng hóa, đừng để phải giải thích loằng ngoằng. Đây là sách cho học sinh Việt Nam học chứ không phải cho học sinh nước Pháp, cho nên theo tôi cứ dùng giản dị là đá banh”.
Còn PGS.NGND Nguyễn Hoành Khung, chủ biên phần Văn sách giáo khoa Ngữ văn 8 (tập một) chia sẻ: “Thế hệ chúng tôi tất cả đều gọi là ban chứ không nói banh đâu. Có chăng chỉ ở miền Nam (Sài Gòn) mới gọi đá banh. Trong "Số đỏ" của Vũ Trọng Phụng cũng gọi là đá ban. Đá ban hay đá banh thì là một thôi, đều từ phiên âm tiếng Pháp. Còn bây giờ, căn cứ vào thực tế, nếu người ta ít dùng đá ban, từ đá ban ít người hiểu, thì chú thích”.
Theo Ban Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, văn bản “Tôi đi học” được các tác giả sách giáo khoa Ngữ văn 8 biên soạn trên tinh thần tích hợp giữa các phân môn Văn học, Tập làm văn, Tiếng Việt. Với phân môn Văn học (Đọc - hiểu văn bản), theo cách nghĩ thông thường, các từ ngữ khó, trong văn bản có thể được đưa vào phần chú thích để học sinh tìm hiểu văn bản thuận lợi hơn. “Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả sách giáo khoa, không phải từ nào khó cũng đưa vào phần chú thích này mà chỉ chọn những từ ngữ được coi là quá khó hoặc được hiểu theo nghĩa riêng trong một văn bản cụ thể. Từ ban không thuộc các trường hợp trên”, Ban Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lý giải việc không chú thích cho nội dung này. |