Chăm lo giáo dục ở huyện miền núi Tri Tôn

Thứ hai, 11 Tháng 11 2019 07:41 (GMT+7)
Dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng chất lượng giáo dục của huyện Tri Tôn vẫn đạt khá tốt. Huyện tập trung nhiều giải pháp để hạn chế tối đa học sinh bỏ học, tạo điều kiện để học sinh dù nghèo khó, nhà xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số Khmer đều được đến trường.

Nỗ lực huy động học sinh ra lớp

Trước khi bước vào năm học 2019-2020, huyện Tri Tôn đã tập trung triển khai hiệu quả kế hoạch “Tháng hành động vì sự nghiệp giáo dục”, kế hoạch “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường” năm 2019 nhằm huy động tốt học sinh đầu năm học. Kết quả cho thấy, đối với ngành học mầm non, các nhà trẻ huy động được 212 trẻ, đạt 78,5% so kế hoạch, các trường mẫu giáo huy động 4.524cháu (đạt 100,5%). Đối với cấp tiểu học, 25 trường trên địa bàn đã huy động được 13.385 học sinh ra lớp (đạt 99,4%); 14 trường THCS đã huy động được 8.586 học sinh ra lớp (đạt 97,4%). Đối với cấp THPT, có 2.737 em ra lớp, đạt 97,1% so kế hoạch.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Tri Tôn Phạm Văn Phúc cho biết, sau lễ khai giảng năm học mới 2019-2020, các trường đã tập trung ổn định nề nếp, phân công giáo viên, đúng năng lực, chuyên môn đào tạo, sắp xếp biên chế học sinh/lớp đúng theo điều lệ nhà trường. Phòng GD&ĐT đã tiến hành rà soát đội ngũ giáo viên, nhân viên để tham mưu UBND huyện Tri Tôn điều động từ nơi thừa sang nơi thiếu, hạn chế việc thiếu, thừa giáo viên cục bộ trong phạm vi toàn huyện. Đồng thời, quan tâm các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục cho năm học mới cũng như xây dựng văn hóa học đường, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh.

Trao quà tiếp bước học sinh đến trường

Để đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ năm học mới, Tri Tôn đã triển khai đầu tư xây dựng mới 23 phòng học, 8 phòng làm việc, 7 phòng chức năng, 4 nhà vệ sinh, 4 nhà xe học sinh, 4 nhà xe giáo viên với tổng kinh phí gần 75 tỷ đồng. Nhờ vậy, số phòng học phục vụ việc giảng dạy được sắp xếp đầy đủ cho các lớp học, kể cả các lớp dạy 2 buổi/ngày. Đối với cảnh quan trường học, huyện đã huy động hơn 41,1 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước và các nguồn tài trợ để chỉnh trang, sửa chữa. Hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn đều xây dựng mối quan hệ tốt giữa ngành GD&ĐT với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đoàn thể, hội cựu giáo chức, hội khuyến học, hội cha mẹ học sinh để cùng chăm lo phát triển sự nghiệp GD&ĐT. Bước vào năm học mới, có 282 suất học bổng với tổng số tiền 544,7 triệu đồng cùng 10.117 suất quà “Tiếp bước đến trường” với tổng số tiền gần 2,32 tỷ đồng đã được trao cho học sinh vượt khó.

Giao quyền tự chủ về cơ sở

Năm học này, huyện Tri Tôn tiếp tục phân cấp, giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục một cách thống nhất, hiệu quả, gồm: công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính, công tác chuyên môn có kết hợp đồng bộ với đổi mới (ra đề kiểm tra học kỳ, thực hiện nội dung chương trình…), tăng cường công tác kiểm tra giáo dục các cấp; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kiểm tra nội bộ của các cơ sở giáo dục.

Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, huyện tiếp tục tăng cường đổi mới hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Đối với giáo viên, vận dụng linh hoạt phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh, tổ chức dạy học phân hóa theo năng lực của học sinh dựa theo chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông. Giáo viên chủ động thiết kế bài giảng linh hoạt, khoa học, sắp xếp hợp lý các hoạt động của giáo viên và học sinh. Qua đó, tạo điều kiện, hướng dẫn học sinh rèn luyện kỹ năng tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, bồi dưỡng năng lực độc lập suy nghĩ. Giáo viên xây dựng hệ thống câu hỏi hợp lý, phù hợp với các đối tượng học sinh, giúp học sinh vận dụng sáng tạo kiến thức đã học, khắc phục được việc ghi nhớ máy móc, có kỹ năng diễn đạt bằng lời văn, diễn đạt trước tập thể lớp...

Theo ông Phạm Văn Phúc, hiện nay, huyện đang tập trung quản lý, xử lý những vấn đề được dư luận quan tâm như: xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng đạo đức nhà giáo. Từ đầu năm học, Phòng GD&ĐT huyện đã tổ chức kiểm tra các đơn vị trực thuộc về quản lý dạy thêm, học thêm, đảm bảo đúng quy định. Bên cạnh đó, tập trung ổn định công tác tổ chức cán bộ, đồng bộ về cơ cấu, đảm bảo về số lượng và chất lượng, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quảng lý các đơn vị trường học. Cùng với đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học, đầu tư bổ sung thiết bị dạy học, chỉnh trang trường học, lớp học an toàn, ngành GD&ĐT huyện Tri Tôn còn phối hợp triển khai thực hiện các giải pháp hạn chế học sinh bỏ học, tập trung công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia…

Năm học 2018-2019, toàn huyện Tri Tôn có 685/697 học sinh đậu tốt nghiệp THPT (đạt 98,28%), trong đó có trên 55% thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng. Năm học 2019-2020 được Đảng bộ huyện Tri Tôn chọn là “Năm nâng cao chất lượng giáo dục và các vấn đề xã hội”. Năm học này, huyện huy động được tổng số 29.444 học sinh ra lớp, tăng 311 em so cùng kỳ năm học 2018-2019.

 
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN - (baoangiang.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường mầm non - Cấp I, II, III