Tìm “thuốc” trị bạo lực học đường

Thứ ba, 12 Tháng 11 2019 11:00 (GMT+7)
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ học sinh đánh nhau hoặc hành xử không đúng mực trên mạng xã hội, trong đó nhiều trường hợp để lại hậu quả nghiêm trọng. Vậy đâu là giải pháp để ngăn chặn tình trạng này?

Ứng xử của người thầy

Một tuần trước đây, khi xảy ra vụ việc một số học sinh Trường THPT Marie Curie (quận 3) bị thương tích nghiêm trọng sau khi ẩu đả với học sinh trường khác, ông Nguyễn Đăng Khoa, hiệu trưởng trường này, cho biết do các học sinh tham gia đánh nhau đều là lần đầu tiên vi phạm nên hội đồng kỷ luật sẽ cân nhắc, đưa ra các hình thức kỷ luật mang tính “giơ cao đánh khẽ” để vừa có sức răn đe, vừa tạo cơ hội cho các em sửa chữa sai lầm. Đây được xem là động thái phù hợp khi học sinh vi phạm mới chuyển từ trường khác đến, giáo viên cần có thêm thời gian để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các em trước khi đưa ra biện pháp giáo dục phù hợp. 

Theo Th.S Nguyễn Thị Ngọc Bích, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, người lớn thường có thói quen gắn cái nhìn chủ quan của mình vào lỗi lầm của trẻ, chỉ phán xét hành động đúng - sai mà bỏ qua việc tìm hiểu động cơ bên trong của trẻ. Đồng quan điểm, giáo viên phụ trách phòng tham vấn tâm lý một trường THPT ở quận 3 bày tỏ, khi một đứa trẻ phạm phải sai lầm, bản thân em đó đã chịu áp lực vì sự đả kích, lên án của bạn bè, thậm chí là sự tẩy chay từ phía cộng đồng và xã hội.

Tìm 'thuốc' trị bạo lực học đường ảnh 1

Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh trong một sân chơi rèn luyện kỹ năng sống 

Vì vậy, “trách nhiệm của người thầy là giúp học sinh nhận ra lỗi lầm, để các em tâm phục khẩu phục, tự giác tìm cách khắc phục và sửa chữa sai lầm, chứ không phải xử phạt thật nặng để chứng tỏ được sự nghiêm khắc, mà vẫn không ngăn được nguy cơ học sinh tái phạm những lần sau”, giáo viên này cho biết.

Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy ở môi trường giáo dục thường xuyên, cô Nguyễn Thị Loan, giáo viên môn Ngữ văn, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Tân Bình, chia sẻ khi học sinh có biểu hiện chưa đúng đắn về hành động hoặc tinh thần, giáo viên cần chủ động tìm hiểu để có sự đồng cảm với các em.

“Nếu sự việc cần trao đổi thêm với phụ huynh, tôi sẽ nói chuyện với học sinh của mình trước, hỏi ý kiến các em chứ không vội vàng liên hệ phụ huynh. Điều đó sẽ giúp các em cảm nhận mình được tôn trọng, từ đó có thể tin tưởng giáo viên, dễ dàng bày tỏ quan điểm, suy nghĩ”, cô Loan cho biết. 

Còn theo ông Trần Nguyên Thục, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT TPHCM), ngoài giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn thì các thầy cô làm công tác trợ lý thanh niên trong trường là người gần gũi và hiểu học sinh của mình nhất. Trong đó, thay cho việc tìm cách khắc phục hậu quả sau khi học sinh mắc lỗi, các thầy cô cần chủ động tìm biện pháp phòng ngừa, trang bị cho các em kỹ năng ứng xử phù hợp, để hạn chế thấp nhất nguy cơ bạo hành.

Thách thức trong thời công nghệ

Cuối tuần qua, tại buổi nói chuyện với chủ đề “Giáo dục Việt Nam trong bối cảnh xã hội hiện đại” do Tổ chức giáo dục Embassy Education tổ chức, bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội Việt Nam, hiện là Chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển TPHCM, nhận định thời đại công nghệ 4.0 mang lại nhiều lợi ích phát triển cho con người nhưng cũng “chở” theo nhiều thách thức.

Trong đó, giữa bối cảnh con người được cào bằng về mặt tiếp nhận thông tin, ai cũng có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin từ mạng xã hội, thì khả năng lựa chọn, xử lý và chế biến thông tin trở thành đòi hỏi quan trọng. Do đó, trách nhiệm của nhà trường trong thời đại mới là phải trang bị cho người học kỹ năng tự ứng phó và sẵn sàng chia sẻ thông tin, biết quan tâm, đồng cảm với những gì xảy ra xung quanh, chứ không đơn thuần chỉ đến trường để được cung cấp kiến thức. 

Năm nay, Quỹ Hòa bình và phát triển TPHCM quyết định chọn chủ đề hoạt động là “Chung tay phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em”, nhằm tuyên truyền rộng rãi hơn nữa thông điệp này đến xã hội.

Chia sẻ về những khó khăn đang gặp phải, đại diện Phòng GD-ĐT quận Thủ Đức cho biết, để hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh đạt hiệu quả, cơ quan quản lý cần nghiên cứu việc quy định biên chế nhân sự đối với giáo viên phụ trách tham vấn tâm lý học đường. Thực tế hiện nay cho thấy, hầu hết các trường đang sử dụng đội ngũ giáo viên tham vấn kiêm nhiệm, hoặc hợp đồng thuê mướn nhân sự bên ngoài, khiến hiệu quả hoạt động chưa như mong đợi.

Thêm vào đó, cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động về giáo dục kỹ năng sống, mở thêm sân chơi về giáo dục thể chất, thẩm mỹ cho học sinh, về lâu dài ngành giáo dục cần nghiên cứu giảm áp lực học tập và thi cử, giúp các trường cởi bỏ được gánh nặng thành tích, điểm số, để không chỉ dạy kiến thức mà còn quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Theo Sở GD-ĐT TPHCM, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục TP giai đoạn 2020-2025 là tăng cường trang bị kỹ năng phòng vệ cho học sinh các bậc học, song song với việc nâng cao năng lực, phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ.

 
THU TÂM - (sggp.org.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường mầm non - Cấp I, II, III