Bài 5 - Giáo viên giáo dục thường xuyên và chuyên biệt: Lặng lẽ kiếp tằm nhả tơ

Thứ tư, 27 Tháng 11 2019 10:45 (GMT+7)
Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay vinh danh 6 cô giáo đến từ các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) và trường chuyên biệt.

Cô Nguyễn Thị Loan, giáo viên Trung tâm GDNN-GDTX Tân Bình

Cô Nguyễn Thị Loan, giáo viên Trung tâm GDNN-GDTX Tân Bình

Dạy học sinh bình thường đã vất vả, các thầy, cô giáo ở trung tâm giáo dục thường xuyên và trường chuyên biệt càng lao tâm khổ trí hơn bội phần. Để ghi nhận công lao đóng góp đó, Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay vinh danh 6 cô giáo đến từ các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) và trường chuyên biệt. 

Phao cứu sinh cho học trò

Có mặt tại Trung tâm GDNN-GDTX Tân Bình, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về cô Nguyễn Thị Loan, giáo viên dạy môn Ngữ văn, là dáng người thanh thoát và đôi mắt biết cười. Trải lòng với chúng tôi, cô Loan cho biết, bản thân từng trải qua nhiều môi trường công tác với điều kiện cơ sở vật chất khác nhau nhưng Trung tâm GDNN-GDTX Tân Bình là nơi giữ chân cô lâu nhất.

Ở môi trường này, học sinh thuộc nhiều độ tuổi, hoàn cảnh gia đình khác nhau. “Mọi người thường nói, học sinh GDTX là “hàng dạt” ra từ trường phổ thông, nhưng tôi không nghĩ vậy. Mỗi khi lên lớp, tôi chỉ quan tâm học trò của mình cần gì, thiếu gì để kịp thời bù đắp cho các em”, nữ giáo viên cho biết. 

Bài 5 - Giáo viên giáo dục thường xuyên và chuyên biệt: Lặng lẽ kiếp tằm nhả tơ ảnh 1

Cô Đinh Thị Lan, giáo viên Trường chuyên biệt Bình Minh (quận Tân Phú)
Ảnh: HOÀNG HÙNG

14 năm đồng hành cùng học sinh GDTX, cô giáo trẻ luôn tự nhủ nghề nào cũng có khó khăn, vất vả, chỉ cần có tấm lòng tận tụy, yêu thương cho đi sẽ nhận lại quả ngọt. Nhắc đến những trường hợp học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, bị cha mẹ bỏ rơi hoặc lầm lỡ vì yêu sớm, cô Loan tâm sự, nếu giáo viên quá nghiêm khắc sẽ khiến các em càng thu mình, thậm chí chống đối và có những hành động sai trái.

Vì vậy, bản lĩnh của một giáo viên hệ GDTX là phải biết kết hợp cương, nhu, vừa là chỗ dựa về tinh thần, vừa định hướng cho các em trở lại làm người tốt trong xã hội. Nếu như ở trường phổ thông, thầy, cô giáo tập trung nhiều vào kiến thức chuyên môn thì môi trường GDTX đòi hỏi giáo viên biến hóa ở nhiều vai trò khác, trong đó việc thấu hiểu và truyền năng lượng tích cực đến với học trò là yêu cầu quan trọng nhất.

Tương tự, với cô Phạm Trần Mỹ Hương, giáo viên môn Ngữ văn, Trung tâm GDTX quận 3, không chỉ dạy chữ mà còn dạy nhân cách, đạo đức cho học sinh. Cô Hương luôn tâm niệm, dạy văn cũng chính là dạy người. Ở độ tuổi “ễnh ương”, học sinh dễ bị bạn bè lôi kéo, có những suy nghĩ, hành động không đúng mực. Khi phạm sai lầm, các em thường có xu hướng không chia sẻ với người thân nên thầy, cô giáo chính là những người gần gũi nhất, có thể đồng hành, gỡ rối cho các em.

Khi lên lớp, cô giáo là người mẹ, người chị nghiêm khắc, nhưng ngoài giờ dạy, cô lại trở thành người bạn, thoải mái chuyện trò, gần gũi, chia sẻ với học sinh. Cô Mỹ Hương cho biết, thành công đối với người giáo viên không phải là giải thưởng, thành tích mang ý nghĩa vật chất mà chính là sự đền đáp từ tấm lòng của phụ huynh, học sinh. Đó là niềm hạnh phúc lâng lâng khi học sinh thông báo với cô kết quả thi đậu, được tận mắt nhìn các em vui và reo vui cùng học trò. Đó là khi những lời động viên trở thành động lực, tiếp thêm cho học trò sức mạnh vượt qua những rào cản mà trước đó bản thân các em không nghĩ mình vượt qua được.

Người mẹ của trẻ khuyết tật

Chúng tôi đến Trường chuyên biệt Bình Minh (quận Tân Phú) vào một giờ học kỹ năng, cô giáo Đinh Thị Lan đang tỉ mẩn dạy học trò cách xỏ hạt nhựa vào xâu chuỗi. Lớp học chỉ với 12 học sinh nhưng những tiếng gọi “cô ơi” vang lên liên tục, khiến cô Lan không một phút ngơi nghỉ. 

Danh sách giáo viên hệ GDTX và chuyên biệt được trao Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay còn có 2 cô giáo: Cao Nhật Quỳnh, giáo viên Trung tâm GDNN-GDTX quận 11 và Đỗ Thị Nương, giáo viên Trung tâm GDNN-GDTX quận 12.

Nhớ lại những năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp, cô giáo trẻ cho biết, bản thân học chuyên ngành tiểu học, nhưng ra trường, cô lại được phân công tác về trường chuyên biệt. Thời điểm đó, cô chưa có nghiệp vụ về giáo dục đặc biệt, còn lóng ngóng, vụng về với việc chăm sóc, vệ sinh trẻ con. Trải qua nhiều tháng vừa làm, vừa học hỏi thêm kinh nghiệm từ đồng nghiệp, cô đã dần hiểu được tâm lý của các em, thành thục trong các thao tác chăm sóc y tế cho học sinh. Trẻ được cô chăm sóc hầu hết đều chậm phát triển trí tuệ. Nhiều khi chỉ một hành động nào đó, cô và trò phải tập đi tập lại hàng trăm lần.

Lớp học không có bảo mẫu, cô vừa lo việc dạy học, vừa kiêm luôn nhiệm vụ chăm sóc ăn, ngủ, lo quần áo cho các em. Có những lúc mệt mỏi, nản lòng nhưng niềm an ủi duy nhất của cô chính là tình cảm của học trò dành cho cô giáo. Dù nhận thức của các con không như người bình thường, nhưng chỉ một sự quan tâm nhỏ như: “Giờ này sao cô Lan chưa ăn cơm?”, hay “Cô Lan ngủ đi” cũng đủ khiến cô giáo vui cả một buổi chiều. 

Buổi nói chuyện của chúng tôi liên tục bị gián đoạn bởi những âm thanh khó hiểu bật ra từ học trò. Nhưng bằng sự kiên nhẫn, cô Lan vẫn dịu dàng vỗ về, kiên nhẫn lặp đi lặp lại thao tác xỏ chỉ trong suốt buổi học. Gửi lời nhắn nhủ đến các đồng nghiệp trẻ, cô Đinh Thị Lan cho biết, trẻ khuyết tật tiến bộ không theo tuần, theo tháng, mà theo năm. Do đó, người giáo viên phải tập cho mình sự kiên nhẫn, chậm lại một chút, lắng nghe một chút, mới có thể đồng hành cùng các em.

Với cô Phạm Thị Mộng Lan, giáo viên Trường Hy Vọng (quận 6), để có thể hòa nhập được với thế giới của học sinh khiếm thính, cô đã chọn cách học hỏi từ chính học trò của mình. Cô Lan bày tỏ, nhiều lúc bản thân tự xem mình như người khiếm thính, chỉ dùng ánh mắt và đôi tay để giao tiếp với học sinh. Bởi chỉ khi thấu hiểu được những khó khăn của các em, cô mới tìm ra phương pháp giáo dục, giúp các em hòa nhập cuộc sống với các trẻ em bình thường khác. Cô Mộng Lan cho biết, lớp học của trẻ khuyết tật thường gồm trẻ ở nhiều độ tuổi, khả năng giao tiếp và trình độ tiếp nhận kiến thức của các em rất khác nhau.

Do đó, giáo viên ở trường chuyên biệt phải áp dụng giáo án cá nhân đối với riêng từng trẻ, thậm chí cùng một giáo án phải dạy đi dạy lại nhiều năm liền. Có trường hợp trẻ 14 tuổi vẫn chưa học xong chương trình lớp 2, thể trạng các em là trẻ vị thành niên nhưng trí tuệ chỉ như trẻ tiểu học. Vì vậy, cái khó của người giáo viên là phải thường xuyên quan sát, theo dõi từng bước tiến bộ dù nhỏ nhất của học trò.

Nhờ những nỗ lực không ngừng đó, đến nay sau hơn 18 năm đi dạy, cô Phạm Thị Mộng Lan đã có trong tay nhiều sáng kiến kinh nghiệm quan trọng, như rèn kỹ năng thực hiện phép chia cho học sinh khiếm thính, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh khiếm thính bậc tiểu học, hay một số biện pháp giúp học sinh khiếm thính học tốt phân môn luyện từ và câu lớp 4.

THU TÂM - (sggp.org.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường mầm non - Cấp I, II, III