Đa dạng hóa hình thức học trải nghiệm

Thứ sáu, 06 Tháng 12 2019 08:50 (GMT+7)
Các hoạt động trải nghiệm trong trường học từ bậc học mầm non đến trung học là các hoạt động bắt buộc nhằm để học sinh khám phá, trải nghiệm. Từ các hoạt động này, học sinh trưởng thành hơn, hình thành các phẩm chất chủ yếu và năng lực…
 
Trẻ trải nghiệm thực tế khu “vườn rau của bé” tại Trường Mầm non Hoa Lan (Phường 1).
Trẻ trải nghiệm thực tế khu “vườn rau của bé” tại Trường Mầm non Hoa Lan (Phường 1).
 
Nhiều hoạt động để trải nghiệm
Ngoài các hoạt động theo quan điểm “lấy trẻ làm trung tâm” ở bậc mầm non, tùy vào điều kiện thực tế, các hoạt động trải nghiệm ở bậc tiểu học hay hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở bậc THCS, THPT là hoạt động bắt buộc.
 
Các hoạt động trải nghiệm ở các trường học hiện đang có nhiều chuyển biến, nhằm bắt kịp với xu hướng xã hội ngày càng phát triển.
 
Ở chương trình giáo dục phổ thông 2018, các hoạt động trải nghiệm sẽ góp phần hình thành các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi cho học sinh.
 
Nội dung trải nghiệm mới không dừng lại ở các chủ đề mang tính chính trị, xã hội mà còn chú trọng vào các hoạt động phát triển cá nhân, lao động và đặc biệt là giáo dục hướng nghiệp.
 
Đồng thời cũng khuyến khích cha mẹ học sinh cùng tham gia tổ chức, quản lý học sinh trong các hoạt động trải nghiệm do nhà trường tổ chức.
 
“Lấy trẻ làm trung tâm” là hình thức dạy học làm thế nào để trẻ tự học và có sự giúp đỡ của giáo viên. Ở phương pháp này, trẻ tự tìm tòi, nghiên cứu, khám phá và không có sự gò bó, áp đặt, nhằm mang lại hiệu quả trải nghiệm cao nhất.
 
Lấy ví dụ như các hoạt động trải nghiệm dành cho trẻ mẫu giáo là tổ chức các buổi tham quan, học tập thực tế ở các đơn vị doanh trại quân đội, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, bảo tàng, khu di tích lịch sử, thực hành trải nghiệm kỹ năng sống, thực hành trải nghiệm làm nông dân,… Làm thế nào để trường mầm non phải là môi trường thuận lợi hình thành các kỹ năng xã hội cho trẻ.
 
Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (Phường 9- TP Vĩnh Long) cho biết, ở trường mầm non, khoảng 2 lần trong năm là con chị được tham gia hoạt động trải nghiệm, gần đây nhất là thăm và tìm hiểu về cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ.
 
“Qua các hoạt động này, tôi cảm thấy bé thích được đi học, thích các hoạt động khám phá. Từ đó cũng dần hình thành ý thức về hình ảnh người cảnh sát nhân dân, về nghề nghiệp trong tương lai…”- chị Ngọc chia sẻ.
 
Trong khi đó, ở bậc tiểu học, ngoài các nội dung được quy định thì Bộ GD- ĐT khuyến khích tổ chức các hoạt động giáo dục nhà trường, CLB…
 
Đặc biệt là khuyến khích cha mẹ học sinh và yêu cầu ban đại diện cha mẹ học sinh tham gia tổ chức. Hiện có nhiều hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh tiểu học như trò chơi dân gian, ngày hội đồng dao, ngày hội dân gian, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, trải nghiệm công việc theo ngành nghề,…
 
Theo Sở GD- ĐT, hoạt động trải nghiệm ở bậc tiểu học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ được xây dựng theo lộ trình.
 
Đồng thời, sẽ bố trí giáo viên dạy hoạt động trải nghiệm hợp lý, tổ chức tập huấn, thực hiện tích hợp nội dung giáo dục địa phương trong tổ chức hoạt động trải nghiệm.
 
Trải nghiệm để trưởng thành
Ở tuổi học sinh trung học hiện nay, một trong những hạn chế chính là thiếu kỹ năng sống. Do đó, tổ chức các hoạt động trải nghiệm hoặc lồng ghép thêm vào các chương trình giáo dục kỹ năng sống sẽ giúp ích rất nhiều cho các em. Qua đó, giúp các em hình thành các kỹ năng cơ bản, giúp các em trưởng thành hơn từ môi trường giáo dục.
Cô Huỳnh Lê Thu Thủy- Chủ nhiệm CLB Trải nghiệm và Sinh học (Trường THPT Vĩnh Long) cho biết, thời gian gần đây, nhà trường rất quan tâm đến các hoạt động trải nghiệm cho học sinh.
 
Có thể kể đến các chuyến du lịch trải nghiệm thực tế ở các di tích lịch sử, hiện nhà trường cũng thành lập được mô hình trải nghiệm trồng rau thủy canh và vườn hồng trên nền tảng kiến thức mà các em đã học.
 
“Nhà trường cũng vừa tổ chức hoạt động trải nghiệm “Tết trồng cây” dành cho học sinh toàn trường. Cùng tham gia có thầy cô, phụ huynh, nhằm giúp các em có được những trải nghiệm thực tế, cũng như nhận thức được ý nghĩa của ngày Tết trồng cây”- cô Thủy chia sẻ.
 
Nhiều học sinh cho biết, hoạt động Tết trồng cây hết sức ý nghĩa, vì các thế hệ đi sau- nhất là học sinh- hiểu thêm và càng ghi nhớ công lao to lớn của Bác Hồ.
 
Đồng thời, qua các hoạt động trải nghiệm do nhà trường tổ chức, các em càng trưởng thành hơn, có được kỹ năng sống, thích ứng tốt trong môi trường xã hội phát triển.
 
Hiện nay, hoạt động trải nghiệm như một vấn đề “nóng” đáng quan tâm không chỉ trong nhà trường mà ngay cả gia đình cũng mong muốn tạo điều kiện để con em được trải nghiệm thực tế.
 
Anh Nguyễn Thanh Tâm (xã Trường An- TP Vĩnh Long) cho biết, vẫn thường dẫn con đi trải nghiệm, nhập vai vào một số ngành nghề như làm ruộng, làm vườn, đào ao, bắt cá,… để con được nhìn cận cảnh hơn về cuộc sống.
“Đôi lúc, việc học trên ghế nhà trường quá áp lực và hoạt động trải nghiệm chính là liều thuốc kích thích sự tìm tòi, sáng tạo trong học tập cũng như tạo tinh thần sảng khoái cho học sinh sau những giờ học căng thẳng”- anh Tâm chia sẻ.
Bài, ảnh: CÔNG NGÔN - (baovinhlong.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường mầm non - Cấp I, II, III