Giờ học trải nghiệm của học sinh Trường THPT Thái Phiên, quận Ngô Quyền (TP Hải Phòng).
Tình trạng HS, SV có suy nghĩ, hành động lệch lạc diễn ra phổ biến. Vì vậy, các cơ sở giáo dục cần tăng cường hơn nữa công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, SV.
Thầy giáo Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch hội đồng giáo dục Trường THPT Ðinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho biết, phương pháp giáo dục đạo đức không chỉ phụ thuộc vào đối tượng mà còn phụ thuộc vào năng lực, trình độ, kinh nghiệm và cả tấm lòng, ý chí quyết tâm của nhà sư phạm trong quá trình lựa chọn phương pháp giáo dục một cách linh hoạt, sáng tạo. Phương pháp xuyên suốt trong quá trình giáo dục học sinh của trường là sự tôn trọng, tin tưởng học sinh và tạo động lực để học sinh rèn luyện, phấn đấu, hoàn thiện nhân cách. Bên cạnh đó, các giáo viên cũng kiên trì chấp nhận những mặt yếu kém của học sinh, khích lệ các em tiến bộ. Ðể giáo dục đạo đức cho những học sinh vốn bị coi là "khó bảo", trường tăng cường giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống thông qua nhiều hoạt động nhằm khơi dậy phần "thiện" trong các em.
Công tác tư vấn được chú trọng triển khai ngay sau khi thành lập trường (năm 1989) bằng cách thành lập văn phòng tư vấn. Các cán bộ tư vấn tâm lý tham gia các hoạt động tập thể cùng học sinh để một mặt tạo sự gần gũi và phát hiện những vấn đề về tâm lý của các em, từ đó đưa ra các giải pháp, biện pháp hỗ trợ, giáo dục.
TS Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HÐQT hệ thống trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, để xảy ra thực trạng HS, SV sa sút đạo đức, là do các trường xem nhẹ việc dạy người, mà chủ yếu tập trung dạy chữ, chạy theo bệnh thành tích thi cử, điểm số. Mặt khác, phương pháp giáo dục về đạo đức, lối sống với HS, SV cũng cần có sự thay đổi và đa dạng các hình thức giáo dục. Thực tế cho thấy, giáo dục đạo đức nếu chỉ thông qua môn học Ðạo đức, Giáo dục công dân, một số quy định, quy tắc và phương pháp là giáo huấn, dạy bảo thì không đạt được mong muốn dạy học sinh nên người. Việc giáo dục đạo đức phải nằm trong hoạt động giáo dục chung của nhà trường, quán triệt trong tất cả các bộ môn, hoạt động ngoại khóa, hướng nghiệp, sinh hoạt, chào cờ...
Trong khi đó, theo giảng viên Ðào Ðức Doãn (Trường đại học Sư phạm Hà Nội), trong nhiều năm qua, chương trình môn Giáo dục công dân chưa gắn với đời sống tuổi trẻ. Phương pháp dạy học chủ yếu được sử dụng phổ biến vẫn là dạy học truyền thống, ít gắn với thực tiễn cuộc sống, nặng về giáo dục giá trị đạo đức mà chưa chú trọng giáo dục hành vi đạo đức, kỹ năng sống. Nhiều giáo viên chưa cập nhật được những thông tin mang tính thời sự vào bài giảng cho nên mới dừng ở truyền thụ kiến thức lý thuyết trên lớp, lệ thuộc sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn; thiếu sáng tạo trong tổ chức các hoạt động giáo dục, học trải nghiệm...
Ðể đáp ứng yêu cầu giáo dục đạo đức, giáo viên cần được bồi dưỡng, trau dồi trình độ nghiệp vụ sư phạm để tổ chức, hướng dẫn học sinh hoạt động khám phá, phân tích, khai thác các thông tin, xử lý các tình huống, sự việc, vấn đề, hiện tượng của thực tế cuộc sống, gần gũi với học sinh để các bài học có sức hấp dẫn, nhẹ nhàng, hiệu quả. Ðáng chú ý, trách nhiệm, vai trò của gia đình trong giáo dục, chia sẻ, động viên con cái. Nếu gia đình không quan tâm giáo dục con cái để sống có trách nhiệm, lễ phép thì lỗi đó thuộc về cha, mẹ người học và các thành viên trong gia đình.
Vụ trưởng Giáo dục Chính trị và Công tác HS, SV, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) Bùi Văn Linh cho biết, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng vi phạm đạo đức, lối sống của HS, SV là do công tác giáo dục đạo đức, lối sống chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức; sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội thiếu đồng bộ, chặt chẽ. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa sâu sát, quyết liệt; chưa phát huy tốt vai trò của cán bộ, nhà giáo, HS, SV, phụ huynh, các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội và chính quyền địa phương trong quản lý các nhà trường. Vẫn còn một số thầy, cô giáo chưa thực sự là tấm gương về đạo đức, lối sống; nội dung và phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống chậm đổi mới, chưa phù hợp thực tiễn...
Vì vậy, đầu năm học 2019-2020, Bộ GD và ÐT yêu cầu các sở GD và ÐT, các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, SV; tổ chức đánh giá, tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 1501/QÐ-TTg ngày 28-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020". Ngành giáo dục cũng xây dựng và nhân rộng mô hình tốt, điển hình tiêu biểu về giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, SV; tăng cường các điều kiện bảo đảm thực hiện tốt công tác giáo dục đạo đức, lối sống.
MAI MAI - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong - (dongbang.vn)