Tuy nhiên, SGK hiện hành vẫn còn có những sai sót, nếu không được đính chính, bổ sung hoặc các cá nhân, đơn vị không có những biện pháp xử lý thì sẽ gây tác động không tốt trong lĩnh vực GD-ĐT.
Trong SGK Ngữ văn lớp 9 hiện hành (tập 1, Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam, trang 160) tác giả biên soạn yêu cầu học sinh đọc đoạn văn được trích dẫn (ảnh dưới):
Đồng thời, học sinh được yêu cầu trả lời câu hỏi là: Trong đoạn văn trên, yếu tố nghị luận thể hiện ở những câu văn nào? Chỉ ra vai trò của các yếu tố ấy trong việc làm nổi bật nội dung của đoạn văn.
Điều đáng nói là ngữ liệu mà tác giả biên soạn SGK đưa ra để yêu cầu học sinh trả lời không phải đoạn văn, nhưng có ba lần tác giả biên soạn sách dùng khái niệm “đoạn văn”. Nhìn vào ngữ liệu cho ở trên thì đó là một văn bản, hoàn chỉnh về hình thức và nội dung, chứ không phải đoạn văn. Đây là lỗi sai sót kiến thức một cách cơ bản.
Những nội dung bài học trong SGK vô cùng quan trọng cho giáo viên và học sinh. Nếu giáo viên và học sinh buộc phải tuân thủ SGK để dạy và học thì sẽ tác động tiêu cực đến việc hình thành kiến thức, kỹ năng cho học sinh. Học sinh có thể không phân biệt được sự khác nhau giữa đoạn văn và bài văn, dẫn đến không tuân thủ đúng yêu cầu khi viết một đoạn văn, mà lại viết dưới dạng bài văn như lỗi trong SGK đã được nêu ở trên.
Sai sót kiến thức trong SGK cũng từng được người đọc phát hiện trong SGK Ngữ văn 12, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam. Theo đó, tác giả biên soạn SGK “thay đổi giới tính của A Phủ” khi yêu cầu học sinh: Ấn tượng của anh (chị) về tính cách nhân vật A Phủ khi về làm dâu gạt nợ ở nhà thống lý Pá Tra.
Và mới đây, người đọc lại phát hiện trong bài “Chiếu dời đô”, SGK Ngữ văn lớp 8, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, chữ “Lý” trong bài đề cập đến vị vua Lý Công Uẩn đều chuyển sang thành chữ “Lí”.
Những sai sót nêu trên là do một vài người phát hiện ra, và có thể vẫn còn những lỗi chưa được chỉ ra, trong khi học sinh vẫn đang sử dụng sách để học tập. SGK là dạng văn bản có tác động sâu rộng đến giáo viên, học sinh, phụ huynh, xã hội. Kết quả GD-ĐT không chỉ liên quan đến một vài thế hệ mà gắn liền với nhiều thế hệ công dân. Do đó, những sai sót, bất cập trong SGK nếu không khắc phục kịp thời sẽ gây ảnh hưởng đến nhiều thế hệ học sinh.
Trước những sai sót kiến thức trong SGK, Bộ GD-ĐT cần vào cuộc để chỉ đạo, quản lý, thể hiện rõ trách nhiệm của mình để giúp các địa phương xử lý tình trạng này, chứ không phải chỉ có trả lời của NXB Giáo dục Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó, cần làm rõ trách nhiệm của Hội đồng biên soạn, Hội đồng thẩm định, quy trình đính chính SGK. Những bộ sách giáo khoa hiện hành như lớp 9, lớp 12 vẫn còn được sử dụng và lưu hành rộng rãi đến năm học 2024-2025 mới áp dụng chương trình, SGK phổ thông mới. Do đó, việc khắc phục những sai sót, những thông tin đính chính mang tính chất chính thống về các lỗi trong kiến thức SGK rất quan trọng đối với các cơ sở giáo dục và địa phương. Điều đó không chỉ giúp cho các cơ sở giáo dục, địa phương thực hiện tốt sách giáo khoa phổ thông hiện hành mà là bài học lớn cho Hội đồng biên soạn, thẩm định, Bộ GD-ĐT trong việc chuẩn bị triển khai chương trình, sách giáo khoa trong năm học 2020-2021 và những năm tiếp theo.
.
DUY TRÍ - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)