Học sinh đến Điểm trường đội 9 (Trường tiểu học Đỗ Thừa Luông) bằng đò.
Phụ huynh “đi học” cùng con
Hơn 10 giờ sáng ngày đầu tuần, cạnh hiên nhà của một hộ dân nằm cạnh Điểm 21, nhiều người mẹ chờ đón con mới vào lớp 1. Do nhà cách xa điểm học, cho nên các phụ huynh đưa con đi học rồi chờ rước con về. Chị Thu Vân (ngụ ấp 17, xã Khánh Thuận) chia sẻ: Để đến được Điểm 21, phụ huynh và học sinh ở miệt rừng phải dậy rất sớm để kịp ngồi đò của chú Ba Lâm đến trường. Nhà gần thì vài ki-lô-mét, xa đến hơn 18 km, mất cả tiếng ngồi đò. Bản thân chị Vân phải đưa con từ ấp 17 đến ấp 20 để đến Điểm 21. Chặng đường xa, cho nên chi phí đi đò mỗi bận của hai mẹ con khoảng từ 40.000 đến 50.000 đồng.
Chứng kiến việc đi lại khó khăn, ông Ba Lâm bỏ luôn nghề đốn tràm thuê, mua chiếc vỏ lãi (phương tiện di chuyển đặc thù vùng sông nước Cà Mau) đưa rước học sinh ở miệt rừng xã Khánh Thuận. Hơn 5 năm qua, chuyến đò của ông đã chở không biết bao nhiêu lượt học sinh miệt rừng đến Điểm 21. Hành trình ấy đôi lúc có cả những người mẹ của học trò mới vào lớp 1. Họ theo con đến trường, tiện trông con và lo cái ăn cho con vào những lúc tan tầm, hoặc lúc giải lao giữa giờ. Ông Ba Lâm nói: “Tuyến đường đến Điểm 21 rất xa, nếu học sinh buổi sáng tan trường trễ sẽ ảnh hưởng các em buổi chiều. Điều kiện đi lại khó khăn nên các cháu chịu thiệt thòi”.
Cách Điểm 21 hơn 10 km là Điểm đội 9 của Trường tiểu học Đỗ Thừa Luông. Đây cũng là một trong nhiều điểm trường lẻ nằm heo hút trên địa bàn xã Khánh Thuận, cách điểm trường chính hơn 16 km. Điểm đội 9 có hai lớp 1 với 75 học sinh thì có đến hơn 40 phụ huynh “đi học cùng con”. Với khoảng cách đi đò hơn chục ki-lô-mét, nếu đưa con đến trường rồi quay về nhà sẽ không kịp quay lại đón con. Với họ, đây là giải pháp an toàn, tiết kiệm nhất trong điều kiện đi lại khó khăn.
Trăn trở chuyện thiếu phòng học
Thành lập từ năm 2000 và qua nhiều lần tu sửa, đến nay, Điểm 21 đã xuống cấp. Phòng học tuy cũ kỹ, trần nhà nhiều nơi đã hư hỏng, nhưng lớp học luôn gọn gàng, sạch sẽ. Thầy Cao Thanh Đượm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đào Duy Từ cho biết: Chỉ vỏn vẹn hai phòng học, nhưng năm học mới 2020 - 2021, Điểm 21 có đến 86 học sinh từ khối lớp 1 đến lớp 4. Buổi sáng dạy khối lớp 1 và 2, buổi chiều dạy khối lớp 3 và 4. Trước mắt, Điểm 21 chỉ bố trí lớp 1 học đủ các môn theo quy định, bảo đảm học 25 tiết/tuần, mỗi ngày chỉ học buổi sáng. Nếu dạy hai buổi/ngày theo quy định mới của giáo dục tiểu học thì điều kiện ở Điểm 21 không đáp ứng.
Cùng tình trạng nêu trên, Điểm đội 9 có chín lớp với 275 học sinh, nhưng chỉ có năm phòng học. Thầy Triệu Thanh Dùm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đỗ Thừa Luông trăn trở: “Với số phòng học nêu trên, việc phân ca dạy sáng, chiều vừa đủ phòng học của các khối lớp. Đó cũng là lý do Điểm đội 9 vẫn chưa bố trí được chương trình dạy hai buổi/ngày cho học sinh lớp 1”.
Thầy Huỳnh Việt Bắc, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện U Minh cho biết: Để giải quyết khó khăn hiện nay về việc dạy học hai buổi/ngày đối với lớp 1 ở hai điểm trường lẻ của Trường tiểu học Đào Duy Từ và Trường tiểu học Đỗ Thừa Luông, cơ quan chức năng địa phương chọn giải pháp mượn lại điểm trường lẻ đã xóa trước đó. Đối với Điểm đội 9, trong thời gian ngắn nhất phải chuyển một lớp 4 (24 học sinh) về học tạm tại điểm trường lẻ ở kênh 11 (ấp 13, xã Khánh Thuận). Điểm trường lẻ này cách điểm trường Đội 9 khoảng 3,5 km, đã có quyết định xóa bỏ trong chương trình tinh gọn trường lớp học từ năm 2019, nhưng cơ sở vật chất điểm kênh 11 vẫn bảo đảm an toàn cho học sinh và giáo viên. Sau khi chuyển lớp, Điểm đội 9 của Trường tiểu học Đỗ Thừa Luông còn tám lớp, năm phòng học, trong đó hai phòng sẽ phục vụ cho 75 em lớp 1 học hai buổi/ngày, ba phòng dành cho sáu lớp học của các khối lớp khác.
Đối với Điểm 21 của Trường tiểu học Đào Duy Từ, do thiếu phòng học, cho nên vẫn chỉ tổ chức dạy học một buổi/ngày đối với học sinh khối lớp 1 (25 tiết/tuần) theo hướng dẫn tại Công văn số 3866/BGDĐT ngày 26-8-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và không thể áp dụng theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ngoài nhu cầu có thêm phòng học cho Điểm 21 và Điểm đội 9 trong năm học 2020 - 2021, ngành giáo dục huyện U Minh còn mong được ưu tiên nguồn vốn xây dựng bổ sung 27 phòng học phục vụ việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1và 2 trong năm học 2021 - 2022. Có đủ phòng học thì mới giải quyết được nhu cầu học tập, giảng dạy ở miệt rừng U Minh Hạ.
HỮU TÙNG - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)