Áp lực từ sách giáo khoa lớp 1

Thứ sáu, 16 Tháng 10 2020 10:17 (GMT+7)
Dù đã bước sang tuần thứ 5 của chương trình lớp 1 đổi mới nhưng em Võ Mai Trâm, học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Tân Hưng Tây B (huyện Phú Tân) vẫn gặp nhiều cập rập khi đọc âm, ráp vần ở những bài học tuần trước.
Phụ huynh em Trâm, anh Võ Văn Vũ (ấp Thứ Vải, xã Tân Hưng Tây) than: “Tôi thấy chương trình năm nay rất nặng, đặc biệt là môn Tiếng Việt. Nhìn con đi học mà tôi thấy xót. Một ngày học 2 buổi, chỉ có chiều thứ 4 là được nghỉ ở nhà. Tối nào vợ chồng tôi cũng thay phiên nhau dạy con học, nhưng giờ quay lại một số âm cháu vẫn còn lơ ngơ, chữ nhớ chữ không, có khi đọc được cả câu mà đánh vần từng chữ thì không được”.
 
Khó khăn khách quan
 
Học sinh vùng sâu luôn chịu nhiều thiệt thòi về điều kiện học tập, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên một số học sinh chưa qua mẫu giáo đã  học lớp 1. Năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 học theo bộ sách mới. Theo đánh giá chung của nhiều giáo viên giảng dạy lớp 1 ở huyện Phú Tân, môn Tiếng Việt, khi chuyển đổi sang sách giáo khoa (SGK) mới, việc dạy và học gặp nhiều vướng mắc.  
Nhiều giáo viên tiểu học thấy áp lực khi giảng dạy chương trình SGK lớp 1 mới.
 
Cô Trịnh Thị Mến, giáo viên dạy lớp 1, Trường Tiểu học Tân Hưng Tây B, trần tình: “Những năm trước, khi bước vào lớp 1, giáo viên đều phải dạy lại tất cả các âm cơ bản để các em có thể nhận biết và đọc. Tuy nhiên, đối với chương trình mới, mặc định học sinh phải qua mẫu giáo mới theo kịp môn học. Học sinh vùng sâu đâu phải em nào cũng được đi mẫu giáo. Thế là giáo viên đánh vật với các trường hợp đó trong 4 tuần đầu tiên, xoay xở đủ cách nhằm giúp trò hoàn thành đúng chương trình môn học”.
 
Theo tìm hiểu của phóng viên, SGK lớp 1 năm nay có 5 bộ và mỗi bộ có một chủ đề riêng. Tuy chương trình, lượng kiến thức không khác biệt nhưng mỗi bộ sách có cách trình bày, hình ảnh trực quan, phương pháp riêng của từng chủ đề có sẵn. Từ việc lựa chọn bộ sách dạy, cho đến phương pháp dạy cũng làm cho thầy cô giáo lo lắng.
 
“Đầu năm học, chúng tôi được tập huấn trước khi đưa ra quyết định lựa chọn bộ SGK lớp 1 nào để giảng dạy cho trường. Cuối cùng chúng tôi chọn bộ có chủ đề “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” và thêm bộ “Cùng học để phát triển năng lực”. Tức là nhà trường chọn cách trộn 2 bộ sách lại, sau đó lấy ra đủ 1 bộ để giảng dạy. Đặc điểm này đối với từng trường sẽ khác, nhưng đa số các trường trên địa bàn Phú Tân chọn như vậy để phù hợp với tình hình học sinh địa phương”, thầy Huỳnh Hồng Giang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Hưng Tây B, chia sẻ.
 
Lúng túng từ cách chọn sách cho đến việc giảng dạy nên nhiều thầy cô chủ nhiệm lớp 1 hết sức băn khoăn khi áp dụng bộ sách mới này cho các em học sinh vùng sâu. Với kinh nghiệm giảng dạy trên 22 năm, cô Mến tâm sự: “Không thể phủ nhận bộ sách năm nay có nhiều cải tiến, đổi mới, hình ảnh trực quan sinh động, đa dạng nên thu hút các em nhiều hơn. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là môn Tiếng Việt. Trước đây chương trình cũ chúng tôi tới 8 tuần mới hoàn thành phần nhận biết và đọc âm, nhưng nay thì 4 tuần là chúng tôi buộc phải hoàn thành phần này. Nghĩa là, có khi 1 ngày các em phải đọc thành viết thạo 3 âm, và đọc được một số chữ ghép, câu. Đây là áp lực rất lớn cho cả giáo viên và học sinh vùng sâu”.
 
Nhiều áp lực
 
Lớp 1 được xem là bước đi cơ bản nhất khi trẻ đến trường để làm quen với môi trường rèn luyện mới, mà ở đó học tập là trọng tâm. Trong khi đó, quan trọng nhất của lớp 1 là học tốt môn Tiếng Việt thì những môn còn lại sẽ vượt qua dễ dàng hơn. Tuy nhiên, khi tiếp nhận bộ sách cho trẻ và hướng dẫn dạy con học, nhiều phụ huynh hết sức ngỡ ngàng về sự đổi mới này, mà đối với họ là chương trình quá nặng.
 
“Ngày 2 buổi đưa rước con đến trường đâu phải là chuyện dễ dàng gì. Công chuyện làm ăn phải phụ thuộc vào giờ giấc đi học của con. Người lớn thì vượt qua được nhưng thấy con học vất vả quá tôi rất xót. Vừa kết thúc học buổi sáng xong là loay hoay đến giờ đi học buổi chiều, không kịp nghỉ ngơi nên có khi vào lớp con ngủ gật. Sợ con không theo kịp bạn bè nên buổi tối tranh thủ kèm thêm để con nhận biết mặt chữ”, anh Vũ bày tỏ.
 
Phụ huynh than khó, giáo viên bị áp lực. Mỗi tiết học khoảng 35 phút, giáo viên phải quan sát hết các em học sinh và hướng dẫn từng em để chương trình được đảm bảo. Đối với những em được học mẫu giáo thì nhẹ lo, còn trẻ chưa từng đi học thì giáo viên phải hướng dẫn từ đầu.
 
Cô Đặng Thị Lưu, giáo viên lớp 1, Trường Tiểu học Cái Đôi Vàm 1 (huyện Phú Tân), cho biết: “Khi tiếp nhận dạy sách mới, tôi đã nhận nhiều phản ánh của phụ huynh là sao ngày nào cũng học 2 buổi. Nhiều gia đình ở xa trường gặp khó khăn trong việc đưa rước, mất thời gian. Thêm nữa, sau khi về nhà, họ đều phải dạy thêm cho các em, cách đọc, cách viết đều mới mẻ nên họ gặp rất nhiều khó khăn khi đồng hành cùng con học tập.  
 
Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Phú Tân Nguyễn Thị Thuý Chiều thông tin thêm: “Sau khi bắt đầu giảng dạy lớp 1 theo SGK mới, chúng tôi đã nhiều lần tiếp nhận thông tin phản ánh từ phụ huynh, giáo viên là chương trình này khá nặng đối với các em lớp 1. Lịch học dày, tiết dạy cũng tăng lên, nhiều câu từ, hình ảnh gây khó cho học sinh ở độ tuổi này. Đặc biệt là áp lực rất nhiều đối với những trẻ chưa từng được học mẫu giáo. Chúng tôi đang chờ ý kiến của lãnh đạo cấp trên để có hướng giải thích thoả đáng với phụ huynh”./.
 
Hằng My - (baocamau.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường mầm non - Cấp I, II, III