Trang bị kỹ năng phòng, chống xâm hại, tai nạn thương tích cho trẻ em

Thứ năm, 22 Tháng 10 2020 10:36 (GMT+7)
Những năm qua, Hậu Giang luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tuy nhiên, tình trạng trẻ em bị xâm hại, tai nạn thương tích vẫn còn xảy ra, do đó cần nâng cao nhận thức của các gia đình và đặc biệt là chính bản thân các em, để chủ động phòng tránh.
Thông qua các buổi tập huấn, góp phần trang bị thêm kiến thức, kỹ năng phòng chống xâm hại, tai nạn thương tích cho trẻ em.
 
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 11 trẻ em bị xâm hại tình dục, trên 300 em bị tai nạn thương tích. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến xâm hại trẻ em như sự suy thoái, xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận dân cư, do ảnh hưởng của văn hóa phẩm kích động bạo lực, phim ảnh khiêu dâm, kích dục trên các mạng internet… Ngoài ra, còn do các em còn thiếu kiến thức, kỹ năng để phòng, tránh đối phó với các nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích. Thậm chí rất nhiều em là nạn nhân bị xâm hại nhưng không biết, không hiểu. Một số em sau khi bị xâm hại vì tâm lý hoang mang, tự ti, mặc cảm nên che giấu, không dám phản ánh với người thân trong gia đình nên nhiều vụ việc không được phát hiện xử lý. Từ thực tế này cho thấy việc trang bị, cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng chống xâm hại, tai nạn thương tích cho trẻ em có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm cho trẻ lá chắn an toàn, bền vững để các em tự bảo vệ chính bản thân mình.
 
Được tham gia buổi tập huấn do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức, em Đỗ Thị Trân, học sinh Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân, thành phố Vị Thanh đã hiểu hơn về vấn nạn xâm hại tình dục. Như lời em Trân chia sẻ, các hành vi xâm hại tình dục như cho trẻ em xem tranh ảnh, sách báo, phim khiêu dâm, vuốt ve, sờ mó hoặc hôn vào bộ phận kín của trẻ… “Qua lời cô giảng trong buổi tập huấn, em đã biết về những điểm nhạy cảm trên cơ thể, không để người khác chạm vào. Với lại, em cũng không đi chơi một mình nơi vắng vẻ”, em Trân cho biết.
 
Tại các buổi tập huấn, nhiều tình huống giả định được đưa ra để các em biết cách ứng xử, đối phó như không ở nhà một mình khi có người lạ vào nhà, không đi một mình vào buổi tối, không nhận quà của người lạ... Các em được cung cấp những kiến thức cơ bản về giới tính, nhận biết những bộ phận bất khả xâm phạm trên cơ thể của mình. Ngoài ra, các em còn được cung cấp kiến thức, kỹ năng về phòng tránh tai nạn thương tích, đặc biệt là kỹ năng phòng chống đuối nước. Em Trịnh Thị Tú Trinh, học sinh Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Năm nay, em đã 10 tuổi, cha mẹ không có nói với em về những bộ phận trên cơ thể không để người khác chạm vào. Được cô giảng, em đã hiểu và biết được. Nhà em ở gần sông nên cha đã tập bơi cho em. Đến nay, em đã tự mình bơi được”.
 
Việc tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại, tai nạn thương tích cho trẻ em là hoạt động thiết thực và bổ ích, giúp các em nâng cao kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân tốt hơn trước vấn nạn xâm hại tình dục trong cuộc sống. Theo chị Đinh Thị Thu Linh, ở xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, gia đình có con gái nhưng hầu như trước giờ chưa nói với con về giới tính. Khi con tham gia lớp tập huấn về nói, phụ huynh chúng tôi cũng bất ngờ. Từ nay, chúng tôi cũng chú ý hơn về vấn đề này, đặc biệt, luôn nhắc nhở con không được đi chơi một mình nơi vắng vẻ, không nhận quà từ người lạ, đóng cửa khi ở nhà một mình, tránh thay đồ hay đi vệ sinh ở nơi không kín đáo… Chị Linh cho biết: “Qua thông tin trên báo, đài tôi thấy nhiều vụ việc xâm hại tình dục trẻ em xảy ra. Thường những vụ việc đó, các cháu còn rất nhỏ. Do đó, gia đình tôi sẽ quan tâm, chú ý hơn với con gái của mình”.
 
An toàn cho trẻ em là yếu tố vô cùng quan trọng, là thước đo của nền văn minh xã hội. Để phòng ngừa xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em, theo ông Võ Phú Cường, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thời gian tới, ngành tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trang bị kiến thức về giới tính, kỹ năng tự phòng ngừa, để các em nhận biết được đâu là môi trường an toàn, đâu là môi trường xấu, để các em tự mình biết cách phòng ngừa cho bản thân. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Luật Trẻ em và các chương trình, kế hoạch về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các trường hợp xâm hại trẻ em. Từ đó, góp phần tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ…
 
Bài, ảnh: BÍCH CHÂU - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường mầm non - Cấp I, II, III