Trường lớp luôn xanh - sạch
Ghi nhận thực tế tại một số trường học trên địa bàn thành phố, chúng tôi đều thấy các trường đã rất quan tâm và chú trọng đến việc xây dựng mô hình trường học xanh. Thông qua các hoạt động như phát triển mảng xanh, phân loại rác tại nguồn, tiết kiệm điện, nước, phong trào tái chế... một số trường đã có những mô hình, sáng kiến rất hay, rất riêng góp phần tiết kiệm được tài nguyên nước, năng lượng. Ghi nhận tại Trường Mầm non Cẩm Tú (quận Bình Tân) cho thấy công tác bảo vệ môi trường và giáo dục học sinh về bảo vệ môi trường luôn được trường chú trọng quan tâm, thông qua các hoạt động như: giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, giáo dục học sinh về bỏ rác đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh môi trường, phân loại rác tại nguồn, trồng và chăm sóc cây xanh. Không gian xanh - sạch là nét nổi bật của trường đã và đang được các thầy cô duy trì.
Tương tự, tại Trường Mầm non Tân Hưng (quận 7), chúng tôi cũng ghi nhận những nỗ lực của ban giám hiệu nhà trường trong việc xây dựng, phát triển trường học xanh. Ở đây, các thầy cô luôn chú trọng lồng ghép vấn đề liên quan đến môi trường vào giờ học và hoạt động hàng ngày của bé, giúp các bé vừa dễ tiếp thu vừa được thực hành, rèn luyện thói quen bảo vệ môi trường trong thời gian ở trường. Trường Mầm non Tân Hưng còn chú trọng giảm phát sinh chất thải, đẩy mạnh hoạt động tái sử dụng, tái chế. Phần lớn dụng cụ dạy học và đồ chơi của trẻ được nhà trường tái chế từ bàn ghế, đồ dùng hư cũ. Không dừng lại ở đó, cô trò nhà trường còn có các hoạt động tuyên truyền về giữ gìn vệ sinh môi trường đến các hộ dân xung quanh.
Ấn tượng nhất trong số các trường mà chúng tôi khảo sát, thì Trường Tiểu học Lê Văn Việt, quận 9 được xem là một trong những mô hình toàn diện. Theo chia sẻ của giáo viên, ngay từ những ngày đầu thành lập, trường đã được ban giám hiệu quan tâm trồng nhiều cây xanh. Các loại cây xanh được lựa chọn là loại cây cho bóng mát phù hợp với trường học như cây bàng lá to, bàng lá nhỏ, bàng quả vuông, cây phượng, cây hoàng nam, sa kê và một số cây dầu. Kế hoạch chăm sóc cây xanh được duy trì thường xuyên nên cây cối trong khuôn viên trường luôn xanh tươi, tỷ lệ mảng xanh được bao phủ trong sân và khuôn viên trường khá lớn. Nhà trường cũng chú trọng xây dựng đạt hiệu quả các biện pháp tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường, như mô hình hệ thống vòi nước sạch kết hợp rửa tay với tưới cây giúp tiết kiệm nước; giáo dục tích hợp tiết kiệm năng lượng nước, tổ chức mô hình trồng rau kết hợp nuôi cá Aquaponics. Sử dụng nước hợp lý, tận dụng nước sinh hoạt không có xà bông có thể tưới cây. Trong khi đó, phong trào tái chế chất thải cũng được trường triển khai rất đồng bộ, hiệu quả. Tất cả lốp ô tô, xe máy cũ đã được tái chế thành cầu bập bênh cho trẻ vui chơi ngoài trời; những vật dụng phục vụ trong giờ thể dục... Đối với các bình nhựa đựng bột giặt, sau khi dùng xong cũng được trường tái chế thành những chậu trồng hoa rất xinh tươi.
Các đồ chơi tại Trường Mầm non Cẩm Tú được tái chế từ những vật dụng bỏ đi
Đặc biệt, nhà trường luôn đẩy mạnh việc giáo dục tích hợp gắn liền với giáo dục kỹ năng sống về bảo vệ môi trường. Theo đó, việc tích hợp giáo dục các kỹ năng bảo vệ môi trường được lồng vào các môn học như Tiếng Việt, Khoa học, Tự nhiên xã hội, Đạo đức, Địa lý... Công việc này được nhà trường chú trọng xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm học. Việc tích hợp ấy được phát huy và vận dụng vào thực tế thông qua dạy học lý thuyết về bảo vệ môi trường nước, môi trường xanh, phân loại rác thải, không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Muốn phát huy hiệu quả của việc tích hợp thì phải gắn liền với giáo dục thực tiễn của từng nhà trường và vận dụng vào thực tiễn ở trường học, ở gia đình và địa phương nơi học sinh đang sinh sống. Chẳng hạn như giáo dục học sinh ý thức tự giác thực hiện phân loại rác đúng cách theo màu sắc và chỉ dẫn trên thùng rác 3 màu. Việc tiết kiệm nước đơn giản chỉ là việc mở vòi nước đủ dùng, sau đó nhớ khóa lại, không để nước chảy tràn bừa bãi. Rửa tay tại vòi có kết hợp tưới cây để cây được tưới nước. Những việc này dần dần trở thành thói quen, không cần sự giám sát của thầy cô.
Hình thành thói quen bảo vệ môi trường
Có thể thấy rằng, trong xu hướng phát triển bền vững, trường học xanh được kỳ vọng dẫn đầu xu hướng giáo dục vì sự phát triển bền vững dựa trên phương pháp thay đổi hành vi ngay từ nhỏ, giúp trẻ định hình được lối sống xanh. Việc xây dựng cảnh quan trường học xanh, sạch, đẹp không chỉ giúp giảm tác động có hại lên môi trường, không lãng phí và sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên nước mà còn hạn chế chất thải phát sinh trong các sinh hoạt tại trường, góp phần lớn trong việc nâng cao ý thức, thói quen của học sinh, thầy cô trong việc ứng xử với môi trường.
Theo chia sẻ của các trường, việc triển khai “Trường học xanh” mang lại rất nhiều lợi ích không chỉ cho các em học sinh, thầy cô có một môi trường xanh, sạch, thuận lợi cho việc dạy, học mà còn ảnh hưởng tích cực đến ý thức bảo vệ môi trường của phụ huynh và cộng đồng xung quanh. Qua đó, góp phần lớn trong việc chung tay bảo vệ môi trường thành phố nói chung. Chính vì vậy, nhà trường luôn nhận được sự ủng hộ đồng thuận từ địa phương, cha mẹ học sinh trong việc xây dựng các mô hình xanh tại trường.
Cô Phạm Ngọc Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Việt, tâm sự, khi môi trường được xanh, sạch sẽ tạo không khí thoải mái cho học sinh, giúp các em thích học, thích đi học, “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Và ý nghĩa sâu xa hơn, đó là hình thành ý thức bảo vệ môi trường cho các em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhà trường luôn giáo dục các em rằng, trường này là của các em không phải của thầy cô, bố mẹ, vì vậy các em phải có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc... Cùng với việc vệ sinh lớp học hàng ngày, học sinh còn được phân công chăm sóc các công trình măng non, vườn hoa, cây cảnh và các công trình công cộng. Thông qua các hoạt động cụ thể, góp phần giáo dục cho các em về ý thức và rèn luyện thói quen bảo vệ, giữ gìn môi trường học đường. Đồng thời giúp các em biết yêu quý lao động, bảo vệ các thành quả do mình tạo nên.
Cô Lê Thị Thanh Xuân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Cẩm Tú, cũng chia sẻ, giá trị quan trọng khi các trường triển khai xây dựng mô hình “Trường học xanh” chính là việc nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên và học sinh của trường về vấn đề bảo vệ môi trường, thông qua các hoạt động cụ thể như phân loại rác, tiết kiệm điện nước, hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần, tái chế rác thải. Đây là những việc làm tuy nhỏ nhưng ý nghĩa mang lại thật sự lớn.
Môi trường tự nhiên nói chung, cảnh quan trong trường học nói riêng tác động rất lớn đến sức khỏe và chất lượng giảng dạy, học tập của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh xây dựng “Trường học xanh” cần phải được tiếp tục duy trì thường xuyên; các mô hình trường học xanh tiêu biểu cần được nhân rộng và triển khai đồng bộ trên toàn địa bàn thành phố.
MINH HẢI - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)