Khởi sắc giáo dục nơi vùng đồng bào dân tộc

Thứ ba, 23 Tháng 2 2021 10:14 (GMT+7)
Đến thăm các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) vào những ngày đầu năm, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng với diện mạo khang trang, cơ sở vật chất hiện đại của những ngôi trường này. Trong những năm qua, cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, việc chăm lo học tập cho con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng luôn được các cấp chính quyền, ngành giáo dục quan tâm, góp phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Cơ sở vật chất ngày càng khang trang
 
Hiện 100% số trường PTDTNT trên địa bàn tỉnh đều được kiên cố hóa, nhiều trường đạt chuẩn quốc gia, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh DTTS được đến trường. Để làm được điều này, những năm qua, ngành giáo dục đã thực hiện tốt công tác quy hoạch, phát triển mạng lưới trường học và cơ sở giáo dục vùng DTTS.
 
Xác định công tác giáo dục là cơ sở để nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực trong vùng đồng bào DTTS, tỉnh luôn quan tâm đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống các trường từ mầm non đến trung học phổ thông, đặc biệt là hệ thống trường PTDTNT, đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc. Hiện có 5/10 trường PTDTNT được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 50% tổng số các trường PTDTNT trên địa bàn tỉnh. 
Khu phòng học của  Trường THPT DTNT Huỳnh Cương vừa được đầu tư xây mới. Ảnh: H.NHƯ
 
Đến thăm Trường THPT DTNT Huỳnh Cương (TP. Sóc Trăng), được biết đây là ngôi trường có chất lượng giáo dục đứng hàng đầu của tỉnh. Thầy Thạch Song - Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi cho biết: “Tỉnh luôn tin tưởng, giao phó công tác đào tạo nhằm góp phần tạo nguồn cán bộ dân tộc tỉnh nhà cho trường. Ngoài nâng cao chất lượng dạy và học, trường còn quan tâm giáo dục đạo đức cho học sinh cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Những năm qua, tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp THPT đều đạt 100%, hàng năm số học sinh tốt nghiệp THPT được vào học ở các trường dạy nghề, cao đẳng, đại học và dự bị đại học chiếm trên 70%, sau khi ra trường các em về công tác tại các địa phương khá nhiều”.
 
Là ngôi trường nằm trên địa bàn ấp đặc biệt khó khăn của huyện Long Phú, học sinh ở đây phần lớn là con em đồng bào Khmer, chiếm tỷ lệ 97% học sinh toàn trường. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, Trường Tiểu học Thị trấn Long Phú B luôn quan tâm nâng cao chất lượng dạy và học cũng như đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục. Mùa xuân năm nay, thầy và trò Trường Tiểu học Thị trấn Long Phú B càng phấn khởi hơn khi được sự quan tâm của đồng chí Phan Văn Sáu - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng đã vận động nguồn xã hội hóa trên 8 tỉ đồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường. Đáp lại sự quan tâm đó, thầy và trò nhà trường đã phấn đấu đạt chuẩn quốc gia vào tháng 11-2020.
Trường Tiểu học Thị trấn Long Phú B được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất khang trang với các trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học. Ảnh: H.NHƯ
 
Thực hiện tốt dạy và học chữ Khmer
 
Việc dạy chữ viết và tiếng nói của đồng bào dân tộc luôn được ngành giáo dục quan tâm chỉ đạo. Hiện toàn tỉnh có 506 trường từ mầm non đến THPT, trong đó có 146 trường có dạy chữ Khmer, với 1.586 lớp và tổng số trên 42.000 học sinh đang theo học (kể cả các trường PTDTNT). Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng duy trì tốt các kỳ thi nhằm khuyến khích việc học chữ Khmer ngày càng phát triển bền vững và có hiệu quả, như: tổ chức thi viết chữ đẹp môn tiếng Khmer cấp tỉnh, qua đó đã góp phần lan tỏa phong trào học chữ Khmer trong các trường phổ thông.
 
Sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và sự chỉ đạo sát sao của ngành giáo dục trong công tác dạy và học chữ Khmer cho học sinh trong các trường phổ thông đã góp phần quan trọng trong việc gìn giữ và bảo tồn chữ viết DTTS, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer. Ngoài việc dạy học văn hóa, các trường còn tổ chức các hoạt động giáo dục như: tổ chức nội trú, nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe học sinh, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp, dạy nghề... nhằm phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực học sinh DTTS. Các trường học chú trọng việc dạy tiếng Việt, đào tạo kỹ năng sống cho học sinh dân tộc. Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo còn tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ về năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, nhân viên; các đơn vị thực hiện đảm bảo đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với học sinh dân tộc, nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục công tác ở vùng dân tộc theo đúng quy định. Đó là nguồn động viên, khích lệ nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên đối với việc giảng dạy và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho học sinh dân tộc.
 
Ông Châu Tuấn Hồng - Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết: “Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh. Ngành Giáo dục Sóc Trăng sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh lồng ghép nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 ưu tiên đầu tư xây dựng trường lớp, mua sắm các trang thiết bị phục vụ tốt cho công tác giảng dạy ở các trường vùng đồng bào Khmer theo hướng trường đạt chuẩn quốc gia; quan tâm công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn về công tác chuyên môn, nhất là triển khai tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên thật tốt cho công tác thay sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới đang triển khai từ năm học 2020 - 2021 và trong những năm học tiếp theo”.
 
HUỲNH NHƯ - (baosoctrang.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường mầm non - Cấp I, II, III