Thực hiện chuyên đề giáo viên chú trọng hơn trong công tác đánh giá trẻ, nhờ đó chuyên đề như một “luồng gió” làm thay đổi chất lượng dạy và chăm sóc trẻ trong các cơ sở GDMN. Được biết, trong giai đoạn từ năm 2016 - 2020, tỉnh đã đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở GDMN theo hướng kiên cố hóa và đạt chuẩn quốc gia, đồng thời đáp ứng được các tiêu chí xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm.
Cụ thể đã xây dựng mới 41 trường mầm non, mẫu giáo và cải tạo, nâng cấp, sửa chữa được 15 trường; các phòng giáo dục và đào tạo huyện, thị xã, thành phố đã tập trung chỉ đạo các trường làm tốt công tác tham mưu với lãnh đạo địa phương và phối hợp với các ngành, các tổ chức và cá nhân… đầu tư kinh phí mua sắm thêm một số trang thiết bị dạy học để hỗ trợ cho việc thực hiện chuyên đề.
Giờ hoạt động của các bé tại Trường Mầm non Họa Mi (Kế Sách). Ảnh:H.NHƯ
Nhiều trường đầu tư xây dựng cảnh quan môi trường đổi mới, sáng tạo, thu hút trẻ đến trường, hỗ trợ tích cực cho các hoạt động trải nghiệm của trẻ. Điển hình như Trường Mầm non Họa Mi (Kế Sách), Trường Mầm non Hoa Mai (Cù Lao Dung), Trường Mẫu giáo Họa Mi (TP. Sóc Trăng), Trường Mẫu giáo Thuận Hưng (Mỹ Tú)…
Một trong những điểm nổi bật trong thực hiện chuyên đề là cán bộ quản lý, giáo viên đã có sự đổi mới về xây dựng kế hoạch giáo dục, phương pháp giảng dạy, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm; mỗi giáo viên đều tự trang bị 1 bộ “Tiêu chí thực hành, áp dụng quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong trường mầm non” để làm cẩm nang trong thực hiện.
Qua thực hiện giáo viên có nhiều chuyển biến, thay đổi so với trước khi thực hiện chuyên đề, như đổi mới về xây dựng kế hoạch giáo dục, về hình thức tổ chức, phương pháp giảng dạy, sáng tạo trong việc tổ chức thực hiện chuyên đề.
Tổ chức đánh giá sự tiến bộ của từng trẻ so với kết quả mong đợi của từng độ tuổi, trên cơ sở đó sử dụng kết quả đánh giá để xây dựng kế hoạch giáo dục, biết điều chỉnh kế hoạch giáo dục và tổ chức các hoạt động giáo dục tiếp theo cho phù họp với khả năng, nhu cầu, sở thích, kinh nghiệm sống của trẻ và điều kiện thực tế của trường, lớp.
Bên cạnh đó, các trường luôn chú ý cải tạo môi trường vật chất trong và ngoài lớp học nhằm đáp ứng nhu cầu, hứng thú chơi của trẻ, tạo điều kiện cho tất cả các trẻ có thể “chơi mà học, học bằng chơi” qua các nguyên liệu, vật liệu mở phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường như: khu vườn cổ tích, khu chợ tết, góc chợ quê... để trẻ được trải nghiệm.
Các trường tăng cường tái sử dụng các lốp xe ôtô để sơn màu tạo thành bộ bàn, ghế hoặc trồng hoa, thiết kế thành các đồ chơi ở khu vực phát triển vận động cho trẻ… tạo một cảnh quan môi trường sư phạm mới lạ, thu hút trẻ đến trường cũng như giúp trẻ phát triển một cách toàn diện các kỹ năng cần thiết, tạo nền tảng tốt khi trẻ bước vào lớp 1.
Chuyên đề đã góp phần làm thay đổi rõ rệt hiện trạng cảnh quang diện mạo của trường mầm non, mẫu giáo; tạo cơ hội cho giáo viên được trao đổi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong việc thiết kế, xây dựng, sử dụng môi trường giáo dục và đặc biệt là trẻ được hưởng lợi trong phương pháp giáo dục mới. Qua thực hiện chuyên đề có 3 trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn tỉnh được Bộ Giáo dục - Đào tạo tặng bằng khen.
H.NHƯ - (baosoctrang.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)