Thiếu vàng nguyên liệu để làm trang sức

Chủ nhật, 19 Tháng 11 2023 15:05 (GMT+7)
Ngành trang sức mỹ nghệ tại Việt Nam mỗi năm cần tới 20 tấn vàng nguyên liệu nhưng từ nhiều năm nay không được nhập khẩu
 
Ngày 17-11, tại hội thảo "Chất lượng vàng trang sức Việt Nam" trong khuôn khổ Hội chợ quốc tế Trang sức Việt Nam 2023, do Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) phối hợp với Hội đồng Vàng thế giới (WGC) và Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) tổ chức ở TP HCM, ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch VGTA, thông tin nhu cầu mua vàng trang sức ở Việt Nam ngày càng tăng, từ mua vàng để dành, tích trữ sang làm đẹp nên các sản phẩm vàng phân khúc trung và cao cấp còn rất nhiều dư địa tăng trưởng.
 
Rất khó nhận biết vàng lậu
Theo Phó Chủ tịch VGTA, mỗi năm ước tính các doanh nghiệp (DN) đã mua khoảng 20 tấn vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ nhưng rủi ro rất lớn vì nguồn nguyên liệu không đến từ nhập khẩu chính thức.
 
Nguyên do là hơn chục năm nay, từ khi có Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước chỉ cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các DN được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Tuy nhiên, thời gian qua chưa DN nào được cấp phép nhập vàng nguyên liệu. 
 
"Do không được nhập khẩu vàng nguyên liệu nên DN phải mua vàng trôi nổi trên thị trường, thậm chí có tình trạng DN mua phải vàng buôn lậu. Các DN không thể xác định được vàng nguyên liệu đó từ nguồn nào, vì quy định chỉ cần có bảng kê theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và căn cứ của người bán. DN vàng cũng không có chức năng đi thẩm định nguồn vàng đó, chỉ có bảng kê xác nhận. Đây là rủi ro pháp lý cho các DN khi mua vàng nguyên liệu trên thị trường" - ông Bảng nói.
 
Một số DN biết mua vàng trôi nổi trên thị trường là rủi ro rất lớn nhưng vẫn phải mua để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh. Kết quả là DN vàng chỉ sản xuất cầm chừng chứ không dám "bung mạnh" như trước đó. VGTA cho biết đã phản ánh những khó khăn trên với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an để có giải pháp bảo vệ quyền lợi cho DN.
 
Các DN cũng kiến nghị cơ quan quản lý sớm sửa đổi Nghị định 24 để tạo thuận lợi cho thị trường vàng trang sức phát triển. Bởi từ khi Nghị định 24 ra đời đến nay, thị trường vàng Việt Nam đã cơ bản ổn định và một số đạo luật mới về đầu tư, kinh doanh đã được ban hành nên nhiều quy định tại Nghị định 24 đã không còn phù hợp.
 
Trước đó, báo cáo Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục tu chỉnh, hoàn thiện dự thảo báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 24 trình Chính phủ và đề xuất các chính sách quản lý vàng phù hợp, nếu cần thiết.
 
Thiếu vàng nguyên liệu để làm trang sức - Ảnh 2.
Rất đông khách hàng tới tham quan Hội chợ quốc tế Trang sức Việt Nam 2023 (VIJF) diễn ra ở TP HCM. Ảnh: LAM GIANG
 
Nâng chất lượng vàng
Một thực trạng trên thị trường vàng trang sức hiện nay là "mua đâu, bán đó", phản ánh chất lượng vàng chưa đồng đều và chưa tạo niềm tin cho thị trường, DN và cả khách hàng.
 
Nguyên nhân là do cả nước có gần 6.000 DN đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ được cấp giấy chứng nhận nhưng số lượng DN có thương hiệu lớn chưa nhiều. Chất lượng vàng của các DN nhỏ lẻ, hộ gia đình nhiều nơi chưa được bảo đảm, dẫn đến tình trạng trang sức người dân mua ở đâu phải bán ở đó, nếu không sẽ bị mất giá, ép giá.
 
Để phát triển thị trường vàng trang sức, ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TP HCM, cho rằng cần quản lý chất lượng vàng trang sức Việt Nam theo tiêu chuẩn chung của các nước trong khu vực và thế giới, cần sử dụng đồng nhất đơn vị kara hoặc quy đổi tương đương đối với chỉ tiêu hàm lượng.
 
"Cho phép DN được nhập khẩu vàng nguyên liệu chỉ để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ (có quy định về điều kiện DN phải có quy mô sản xuất, nguồn vốn, lực lượng lao động lớn...). Hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động không cần cấp phép giấy chứng nhận đủ điều kiện do Ngân hàng Nhà nước cấp" - ông Dưng kiến nghị.
 
Dưới góc nhìn của chuyên gia nước ngoài, ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của WGC, cho biết một số thị trường vàng đã xây dựng những tiêu chuẩn cụ thể để phát triển bền vững. 
 
Như Thái Lan yêu cầu trang sức vàng và vàng nén phải ghi rõ nhà sản xuất, trọng lượng và độ tinh khiết. Vàng 965 là tiêu chuẩn phổ biến nhất ở Thái Lan và một thỏi vàng tiêu chuẩn được gọi là thỏi baht. Trung Quốc cũng công bố các tiêu chuẩn về xác nhận chất lượng, các dấu mã cần ghi rõ nhà sản xuất, độ tinh khiết và phân lượng... 
 

Kiến nghị bỏ vàng trang sức là ngành có điều kiện

Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, tại phụ lục IV quy định "kinh doanh vàng" là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo VGTA, điều này không phù hợp. Bởi cũng tại khoản 1 điều 7 Luật Đầu tư năm 2020 nêu rõ ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải đáp ứng điều kiện cần thiết lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.

"Việc sản xuất - kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ hoàn toàn không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng nên cần đưa ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư hiện hành. Thông lệ quốc tế vàng trang sức chỉ là hoạt động kinh doanh bình thường" - ông Đinh Nho Bảng nói.

 
 

Bài viết mới nhất của Ngành Vàng bạc - Đá quý