Không chủ quan trước bão số 1

Thứ năm, 03 Tháng 1 2019 08:25 (GMT+7)
Nhiều ngư dân sau khi tàu, ghe vào nơi trú bão là la cà ở quán nhậu, quán cà phê; có nơi người dân vẫn sinh hoạt bình thường như trước khi có dự báo bão

Chiều 2-1, ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), đã yêu cầu các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang của huyện tạm hoãn các cuộc họp không cần thiết, tập trung ứng phó bão, tổ chức trực ban theo dõi nắm tình hình và kịp thời tổ chức lực lượng cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra...

Vẫn lơ là

Chiều cùng ngày, Đồn Biên phòng Dương Đông và Công an huyện Phú Quốc đã dùng canô ra biển kêu gọi tàu thuyền và người dân đang ở trên các bè cá, neo đậu và vào nơi tránh trú an toàn trước 16 giờ.

Trong khi đó, dù các ngành chức năng ở tỉnh Cà Mau liên tục cảnh báo nguy cơ của bão số 1 nhưng một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chủ quan, lơ là trong công tác ứng phó. Ông Nguyễn Thanh Tâm (40 tuổi; ngụ thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) cho biết: "Không lo lắm vì tôi sống gần biển nên quen sóng gió rồi. Quanh đây chưa ai chằng néo nhà cửa hay chuẩn bị gì để ứng phó với bão. Tôi chỉ mua gạo để dự phòng khi có thông báo khẩn cấp". Nhiều ngư dân sau khi tàu, ghe vào nơi trú bão là la cà ở quán nhậu, quán cà phê; người dân vẫn sinh hoạt bình thường như trước khi có dự báo bão. Hơn 1.000 tàu thuyền chưa vào nơi tránh bão.

Không chủ quan trước bão số 1 - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng của tỉnh Bạc Liêu hướng dẫn người dân phòng tránh bãoẢnh: Phúc Nguyên

Trước đó, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Cà Mau giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì và phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương hướng dẫn tàu thuyền hoạt động trên biển tìm nơi tránh, trú an toàn, không cho tàu thuyền ra biển hoạt động kể từ 12 giờ ngày 1-1; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát đội tàu cứu hộ, cứu nạn, liên hệ Hải quân Vùng 5 và Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 để phối hợp bố trí phương tiện, lực lượng ứng cứu khi có tình huống khẩn cấp.

Ông Huỳnh Vĩnh Lạc, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết ngày 2-1, tỉnh đã có công điện hỏa tốc ứng phó với cơn bão số 1. Hiện ở Kiên Giang số tàu khai thác ven bờ và xung quanh các đảo đã về nơi trú ẩn an toàn. Số tàu khai thác xa bờ tại các ngư trường biển Đông và các vùng tiếp giáp Indonesia, Malaysia hay Thái Lan cũng đã nhận được thông tin và đa số đã về tránh trú tại các cảng của tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, kênh 3 (Sóc Trăng) hay Rạch Gốc và Sông Đốc (Cà Mau).

Tại cuộc họp khẩn vào trưa 2-1, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, đã yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh tiếp tục kêu gọi tàu thuyền khẩn trương vào bờ, thoát ra vùng ảnh hưởng của bão hoặc tìm nơi trú bão tại Malaysia, Thái Lan. Đối với huyện Đông Hải, cần đến từng nhà kiểm tra số tàu và tuyên truyền tàu thuyền tìm nơi tránh trú bão. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp huyện Đông Hải khẩn trương tổ chức cứu nạn một tàu cá chết máy, trôi dạt trên biển, trên tàu có 8 thuyền viên.

Trong ngày 2-1 đã có 5 tỉnh cấm biển: Bạc Liêu, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Kiên Giang.

Hôm nay, bão cách Mũi Cà Mau 200 km

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, dự báo đến 16 giờ ngày 3-1, vị trí tâm bão số 1 ở 7,2 độ vĩ Bắc; 103,6 độ kinh Đông, cách Mũi Cà Mau khoảng 200 km về phía Nam Tây Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100 km tính từ tâm bão. Đến 16 giờ ngày 4-1, vị trí tâm bão ở khoảng 9,3 độ vĩ Bắc; 100,3 độ kinh Đông, cách đảo Thổ Chu (Kiên Giang) khoảng 330 km về phía Tây. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/giờ), giật cấp 11. 

Vừa dứt hạn đã xả lũ

Do ảnh hưởng của bão số 1, nhiều nơi ở tỉnh Ninh Thuận có mưa to đến rất to trong 4 ngày qua. Hiện nước ở 21 hồ thủy lợi trong tỉnh đã vượt cao trình thiết kế, với tổng dung lượng hơn 190 triệu m3. Để bảo đảm an toàn hồ đập, đến chiều 2-1, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận đã phải xả lũ 8 hồ với lưu lượng xả trên 20 m3/giây. Những hồ còn lại nước đã vượt tràn tự do trên dưới 30 cm, nhiều khả năng phải xả lũ trong vài ngày tới. Như vậy, sau hơn 2 năm bị hạn hán hoành hành, nông dân Ninh Thuận lại phải đối mặt với khó khăn vì mưa lũ liên tiếp từ cuối tháng 11-2018 đến nay.

L.Trường

 

Nguồn: NHÓM PHÓNG VIÊN -(nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội