Phát biểu tại cuộc họp bàn giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) đối với xe khách, xe container tổ chức chiều 11-1, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đối với các loại xe này. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải có những giải pháp, quy định đủ mạnh để kiềm chế TNGT đối với xe khách, xe container bằng việc điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật như nghị định, thông tư hiện hành.
Xử thật nặng để răn đe
Khẳng định tình trạng say rượu, lái xe nghiện ma túy dẫn tới tai nạn chết người là hành vi cố tình coi thường tính mạng người dân; hay hành vi vượt không đúng quy định trên đường đèo dốc, điển hình như vụ tai nạn xe khách trên đèo Hải Vân là rất nguy hiểm, là hành vi cố tình vi phạm gây chết người, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị nghiên cứu hình thức thu hồi vĩnh viễn giấy phép lái xe (GPLX) những trường hợp này. "Chỉ có như vậy mới đủ sức răn đe, tài xế không dám uống rượu, bia, sử dụng ma túy khi lái xe nữa" - ông Thể nói.
Vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên đèo Hải Vân vào ngày 8-1 Ảnh: QUANG TÁM
Ở góc độ pháp luật, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng đối với tài xế chuyên nghiệp, xã hội đòi hỏi tài xế phải có một chuẩn mực cao hơn. Nếu bất chấp các quy định của pháp luật mà gây TNGT đặc biệt nghiêm trọng thì tốt nhất cũng không để tài xế tiếp tục hành nghề. Điều này cũng tương tự một bác sĩ vi phạm các quy định về khám chữa bệnh, cẩu thả trong khám chữa bệnh gây ra hậu quả chết người cũng bị cấm hành nghề. "Đến bác sĩ còn như vậy thì không lý gì một tài xế lại không bị tước bằng lái suốt đời" - ông Tú nói.
Theo luật sư Tú, đề xuất tước GPLX vĩnh viễn đối với những tài xế uống rượu, bia, sử dụng ma túy gây tai nạn ở mức nghiêm trọng là cần thiết và nên sớm được bổ sung vào luật. Thậm chí, các cơ quan chức năng cũng cần sớm nghiên cứu quy định xử lý hình sự đối với các tài xế uống rượu, bia điều khiển phương tiện, kể cả khi chưa gây ra TNGT. "Việc này nhiều nước đã có quy định, trong khi ở ta chế tài quá nhẹ nên vẫn diễn ra phổ biến" - ông Tú bày tỏ.
Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, nhấn mạnh ông hoàn toàn đồng tình việc tước GPLX vĩnh viễn đối với những tài xế gây TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Thậm chí, nên tước GPLX cả với những trường hợp điều khiển phương tiện mà có nồng độ cồn vượt mức quy định gây TNGT từ mức nghiêm trọng trở lên. Pháp luật đã cấm uống rượu, bia khi lái xe, còn nếu đã uống mà vẫn điều khiển phương tiện thì rõ ràng đó là hành vi cố ý, coi thường pháp luật. "Mức xử phạt đối với hành vi này hiện cao nhất cũng chỉ từ 16 - 18 triệu đồng, tước GPLX từ 4 - 6 tháng. Đây là mức phạt chưa đủ sức răn đe, bởi nhiều người sẵn sàng nộp phạt và khi hết thời hạn tước GPLX, họ sẽ lại tiếp tục uống rượu, bia và điều khiển phương tiện" - trung tá Nguyễn Mạnh Hùng nêu.
Một người vi phạm, nhiều người vạ lây
Đại tá Trần Sơn - nguyên Phó Phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý TNGT Cục CSGT - cho biết ông ủng hộ đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, bởi thời gian qua đã xảy ra rất nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, nguyên nhân chủ yếu do ý thức chấp hành luật giao thông của tài xế rất kém.
"Trong đó, phải kể đến các hành vi như sử dụng ma túy, uống rượu, bia khi lái xe, chạy quá tốc độ, đi không đúng làn đường, vượt sai quy định… Nhiều khi chỉ vì ý thức kém của một người mà nhiều người khác phải chịu vạ lây, để lại hậu quả xã hội nặng nề" - đại tá Trần Sơn nêu quan điểm.
Ông Sơn cũng mong Bộ GTVT và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia sẽ khẩn trương thực hiện việc tổng kiểm tra, rà soát sức khỏe lực lượng tài xế chuyên nghiệp trên toàn quốc, đặc biệt là đối với tài xế xe container, xe bồn, xe tải nặng và xe khách đường dài. Nếu làm quyết liệt, sẽ loại bỏ được không ít người không đủ điều kiện ngồi sau tay lái, ngăn ngừa được những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Là chủ một doanh nghiệp vận tải, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty Vận tải Minh Thành Phát, khẳng định đối với tài xế chuyên nghiệp chạy đường dài thì ý thức chấp hành và tuân thủ luật giao thông vô cùng quan trọng. Lấy ví dụ đối với xe khách, khi đó tính mạng hàng chục người nằm trong tay tài xế. Chỉ cần chạy xe thiếu ý thức, cố tình uống rượu, bia hay sử dụng ma túy, nguy cơ để xảy ra tai nạn rất cao và hậu quả là khôn lường. Khi xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng, đương nhiên tài xế phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, sau một vài năm ngồi tù, người đó rất có thể sẽ lại tiếp tục hành nghề và không ai chắc chắn rằng anh ta sẽ không gây tai nạn nữa.
"Vì vậy, ngoài việc tước GPLX vĩnh viễn đối với những tài xế gây ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng do ý thức chủ quan thì nên tước GPLX vĩnh viễn cả với tài xế gây TNGT ở mức nghiêm trọng mà có sử dụng chất kích thích" - ông Bằng nói.