Bức xúc nhất là cung cách quản lý, hành xử của chính quyền ở một địa phương thuộc tỉnh Đồng Nai về đất đai có biểu hiện “tiền hậu bất nhất”.
Đổi “bài” sau 23 năm…
Hầu hết đơn thư của bà con cho thấy, vào các năm 1989, 1996 chính quyền huyện Xuân Lộc (nay là Cẩm Mỹ) đã tiến hành thu hồi đất của các hộ dân để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng (trường học, công sở, công viên…), người dân đã “nhường” đất cho các công trình mang danh nghĩa tốt đẹp đó. Có hộ dân không hề được nhận đền bù - câu chữ lúc đó là “bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng” - như pháp luật quy định; có người còn bị “bắt nhốt”, đưa ra xét xử...
Nội dung công văn của huyện Xuân Lộc năm 1996 trả lời khiếu nại của người dân trước khi cưỡng chế.
Trong đơn gửi Tổ Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, bà Phạm Thị Thược (sinh năm 1964, quê gốc ở Hưng Yên) cùng các ông, bà: Nguyễn Thị Khu, Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Văn Bắc, Nguyễn Thị Lý, Nguyễn Đức Vinh, Nguyễn Văn Bình - các trường hợp di dân xây dựng kinh tế mới từ năm 1977, 1986 - cho biết: Năm 1996, huyện Xuân Lộc cũ đã cưỡng chế đối với 32 hộ dân, đập phá toàn bộ tài sản (nhà cửa), cây cối hoa màu, ao cá.. để thu hồi đất nhưng cho tới nay không được bồi thường. Đến giữa năm 2018, người dân chứng kiến phần đất của họ bị cưỡng chế 23 năm trước, nói là để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng (công viên - có nơi cho trẻ con chơi đùa, người già tập dưỡng sinh), thì nay đã cho tư nhân thuê 49 năm và “mọc lên” những nhà ở, bể bơi, nhà thi đấu, ki-ốt bán hàng, khu kinh doanh ăn uống…
Giải thích về sự thay đổi này với một số hộ đã “nhường” đất làm công viên, đại diện Phòng TN-MT huyện cho rằng: “Dự án nâng cấp công viên cũ có từ năm 2017 đã đưa ra trưng cầu, lấy ý kiến nhân dân”. Tuy nhiên, không một ai trong số bà con cư ngụ gần ngã tư thị trấn Sông Ray được biết về cuộc “trưng cầu, lấy ý kiến nhân dân” ra sao, diễn ra lúc nào.. như lời của đại diện công quyền.
Ngày 11/12/2018, tại buổi tiếp xúc cử tri của tổ Đại biểu Quốc hội khu vực Xuân Tây trước kỳ họp Quốc hội thứ 6; bà con cử tri tiếp tục nêu thắc mắc về việc này, thì ông Trần Đại Thắng, Trưởng phòng TN-MT huyện giải thích: “Do việc hoạt động của công viên không hiệu quả, để cho tệ nạn xã hội tụ tập hút chích nên chúng tôi quyết định nâng cấp công viên, quy hoạch nhiều hạng mục, mà nhà nước không có kinh phí nên kêu gọi nhà đầu tư vào hợp đồng đầu tư xây dựng”…(?!)
Băn khoăn không dứt…
Nhớ lại lần cưỡng chế “kinh hoàng” năm 1996, bà Thược kể: Bà con cùng cảnh ngộ “đội đơn” lên huyện Xuân Lộc, được gặp chủ tịch huyện (thường gọi là Hai Giang). Ông chủ tịch huyện tuyên bố “xanh rờn”: “Chúng mày về đi, tao không giải quyết gì hết…”. Và đến ngày 20/7/1996, chính quyền đã cho bắt giam người anh họ của bà Thược (ông Nguyễn Văn Bình, một di dân từ năm 1997 có quê gốc ở Hưng Yên) và bị tòa xử án treo.
Hàng chục chữ ký trong đơn khẩn cầu của người dân cuối năm 2018.
Sau lần cưỡng chế đó, nhiều hộ dân phải “bỏ quê hương mới” Xuân Lộc đi nơi khác. Ông Nguyễn Văn Bình, sinh năm 1954 (vợ sinh năm 1955) gốc Hưng Yên, hiện về sống tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi - TP.HCM; ông Lương Văn Tam, sinh năm 1966 (vợ sinh năm 1965), gốc Quảng Trị, phải “dạt” lên xã Iabang, huyện Đắc Đoa-Gia Lai; bà Nguyễn Thị Tuyến, sinh năm 1948, gốc Hưng Yên phải đi mướn nhà ở thôn Tân An, xã Đăk Rmon, thị xã Gia Nghĩa-Đăk Nông để làm thuê, kiếm sống qua ngày. Hàng chục hộ khác còn “neo” lại huyện Cẩm Mỹ hôm nay, thì đời sống không yên ổn.
Điều băn khoăn của chúng tôi là, lẽ nào nhà nước ban hành chủ trương “di dân đi xây dựng kinh tế mới”, nơi đi cấp giấy tờ cho họ, có gia đình thuộc diện chính sách, thân nhân cán bộ đảng viên.. nhưng đến nơi được gọi là “quê hương mới” thì lại bất an đến vậy?
Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân về sự bất an của hàng chục hộ dân này.