Thượng tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng Phòng Tuyên truyền và Phổ biến pháp luật giao thông đường bộ, Cục CSGT, Bộ Công an - cho biết từ ngày 14-1 đến hết 20-2, lực lượng CSGT sẽ tổng kiểm soát trên các tuyến đường cao tốc, tuyến Quốc lộ (QL) 1 (từ Lạng Sơn đến TP HCM) và các tuyến khác theo 3 đợt.
Tăng cường 100% lực lượng
Đối tượng tổng kiểm soát gồm: xe từ 8 chỗ trở lên kinh doanh vận tải hành khách; xe vận tải hàng hóa gồm xe tải có khối lượng chuyên chở từ 5 tấn trở lên, ôtô sơmi rơ-moóc, ôtô kéo rơ-moóc, xe container; xe bồn chở xăng dầu, hóa chất, hàng nguy hiểm. CSGT sẽ tập trung xử lý các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông (TNGT) như: vi phạm nồng độ cồn, ma túy, chở quá số người, vận chuyển chất cháy nổ, hàng nguy hiểm.
Theo thiếu tá Trịnh Xuân Tùng, Phó Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa, trong ngày 21-1, CSGT đã triển khai lực lượng tổng kiểm tra các lái xe container và xe khách lưu thông trên các tuyến QL. Cụ thể, Trạm CSGT 1A sẽ bố trí 6 tổ trên tuyến 1A, 3 tổ phía Bắc và 3 tổ phía Nam làm việc 24/24 giờ . Ngoài ra, còn thành lập 1 tổ chuyên đề có 7 người (gồm cơ động, kỹ thuật hình sự) để xử lý tất cả các hành vi, trong đó có hành vi về ma túy.
Trạm CSGT QL1, Phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Bình trong ngày đầu ra quân đã thực hiện 42 lượt thanh, kiểm tra trên tuyến và phát hiện 35 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trong đó, xe tải 15 trường hợp; ôtô kéo rơ-moóc, container 5 trường hợp, xe khách 3 trường hợp... Tất cả các trường hợp vi phạm lái xe đều không có nồng độ cồn, không sử dụng ma túy. Trạm CSGT Ninh Bình đã phạt tổng số tiền 72,5 triệu đồng, tước giấy phép 5 lái xe.
CSGT TP HCM tuần tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn, chất kích thích Ảnh: GIA MINH
Đại diện Phòng CSGT TP Hà Nội cho hay các đơn vị đã tăng cường 100% lực lượng bảo đảm tổ chức, hướng dẫn giao thông tại hơn 300 nút giao thông trọng điểm toàn TP.
Trong khi đó, theo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC08) Công an TP HCM, sau khi triển khai đợt ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn, chất kích thích từ ngày 16-1, những trường hợp vi phạm chủ yếu là sử dụng rượu bia, chưa phát hiện tài xế sử dụng ma túy. Đợt cao điểm này kéo dài đến ngày 15-2 trong khung giờ từ 18 giờ đến 2 giờ hôm sau. Giai đoạn đầu, PC08 sẽ phối hợp với công an các quận, huyện tuần tra, kiểm soát công khai trên các tuyến đường trọng điểm. Ở giai đoạn 2, PC08 phối hợp với công an địa phương và các trung tâm y tế dự phòng kiểm tra chất kích thích đối với tài xế ở các khu vực Bến xe Miền Đông, Bến xe Miền Tây, cảng Cát Lái…
Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng cũng đã tổng kiểm soát xe khách, xe tải trên tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tuyến QL1, QL14B, đường tránh Hải Vân - Túy Loan, khu vực trước Bến xe Trung tâm, đường Trường Chinh… Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng cũng giao 4 trạm CSGT cửa ô, các đội cảnh sát ma túy - công an các quận, huyện phối hợp kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi sử dụng chất kích thích khi lái xe.
Xét nghiệm ma túy thường quy: Không dễ!
Thiếu tá Nguyễn Thành Trung, Đội phó Đội Tham mưu Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa, cho hay về việc xử lý lái xe có chất ma túy trong người, hiện phòng này mới có 2 máy test do Cục CSGT cấp.
Hai máy này mới test được những lái xe dương tính với ma túy và thời gian mất từ 30-45 phút mới cho kết quả. Tuy nhiên, test chỉ cho kết quả bước đầu, còn dương tính có đúng sử dụng ma túy hay không thì phải qua thử máu và xét nghiệm nước tiểu mới có cơ sở để xử lý. Vì thế, phòng phải lên phương án cụ thể, thận trọng, phối hợp với các lực lượng khác và cơ quan y tế để làm việc này. Ngoài ra, khi phát hiện lái xe sử dụng ma túy thì phải có lực lượng cảnh sát ma túy kiểm tra xe xem trên có vận chuyển, tàng trữ ma túy không để xử lý cụ thể các tội danh rõ ràng.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, khẳng định thông tư liên tịch của Bộ Y tế và Bộ Công an về xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã quy định rõ các đối tượng sau được xét nghiệm nồng độ cồn trong máu. Đó là người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gây tai nạn hoặc bị TNGT; có liên quan đến vụ TNGT; có dấu hiệu sử dụng chất cồn; bị TNGT được đưa đến cơ sở khám chữa bệnh và được bác sĩ chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu. Ngoài ra, một số cơ sở y tế đã thực hiện xét nghiệm một số chất ma túy với những nhóm đối tượng theo yêu cầu của cơ quan chức năng chứ chưa xét nghiệm thường quy.
Đại diện Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết việc xét nghiệm nồng độ cồn với bệnh nhân TNGT được thực hiện thường xuyên. Bởi đây là xét nghiệm khá đơn giản và đã được quy định về các điều kiện thanh toán chi phí. Tuy nhiên, với xét nghiệm kiểm tra chất ma túy, hiện chưa có hướng dẫn nên chất này chỉ được kiểm tra khi có yêu cầu từ cơ quan chức năng.
Hơn nữa, theo đại diện bệnh viện này, không phải cơ sở nào cũng đủ năng lực để kiểm tra chất ma túy, đó là chưa kể test nhanh có thể cho kết quả dương tính giả, ảnh hưởng đến quyền nhân thân của người được kiểm tra. Ngoài ra, chi phí thực hiện xét nghiệm này cũng tương đối cao và chưa được quỹ BHYT chi trả.
"Đánh" vào túi tiền doanh nghiệp
Chủ một doanh nghiệp (DN) chuyên hoạt động trong lĩnh vực xe container tại TP HCM cho rằng động thái trên được xem là quyết liệt, "đánh" vào túi tiền của DN, chủ xe. DN phải cân nhắc khi thuê và sử dụng tài xế cũng như điều phối lại việc vận chuyển hàng hóa. Trong bối cảnh những ngày giáp Tết giao, nhận hàng hóa nhiều nên trường hợp tài xế chở hàng sử dụng rượu bia, ma túy... bị lực lượng chức năng kiểm tra và xử lý thì đồng nghĩa số hàng đó sẽ bị tạm ngưng, việc vận chuyển cũng sẽ chậm lại.
"Không DN hay chủ xe nào muốn xảy ra điều này nên buộc phải chủ động kiểm soát tài xế ngay từ ban đầu cũng như điều tiết vận chuyển hàng hóa phù hợp để các chuyến hàng không bị ảnh hưởng" - chủ DN này nói.