Kết cấu hạ tầng giao thông đảm bảo?
Vụ tai nạn khiến 8 người chết trên quốc lộ 5, đoạn qua xã Kim Lương, huyện Kim Thành, Hải Dương ngày 21.1 được cơ quan công an xác định nguyên nhân bước đầu là do tài xế xe tải đi vào làn đường giành cho xe thô sơ và xe máy.
Khi đó, đoàn cán bộ xã Kim Lương khoảng 60 người đang đi ngược chiều quốc lộ để lên cầu vượt dân sinh gần đó.
Tài xế Lương Văn Tâm (SN 1987, ở Nguyên Bình, Cao Bằng), người được xác định dương tính với chất ma túy, đâm vào đoàn người theo hình zích zắc.
Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân một phần do thiết kế chưa hợp của cầu vượt Kim Lương bắc qua quốc lộ 5, cách vị trí xảy ra tai nạn chừng 300m.
Điều này bị Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng bác bỏ. Theo ông, tại vị trí xảy ra tai nạn, kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có cấu trúc cầu vượt là đảm bảo.
Lối rẽ trái để lên đường gom cầu vượt đúng quy định.
Đường gom lên cầu vượt Kim Lương.
Bậc thang dành cho người đi bộ lên xuống cầu vượt đúng quy định.
Cầu vượt Kim Lương bắc ngang quốc lộ 5
Đi ngược trên quốc lộ 5 để gần vài trăm mét
Thực tế, đoàn 60 người trước khi bị tai nạn đã đi qua đường tàu và ngược chiều trên quốc lộ 5 để tắt lên cầu vượt.
Đường dẫn từ nghĩa trang liệt sỹ xã Kim Lương đến vị trí xảy ra tai nạn không phải là đường duy nhất để lên cầu vượt.
Cụ thể, rời nghĩa trang liệt sỹ chừng 50m, đoàn người đáng lẽ phải rẽ trái đi theo đường liên xã rồi lên cầu vượt thuận chiều để về UBND xã.
Chi cục Quản lý đường bộ 1 thông tin, việc xây cầu vượt tại vị trí này là cần thiết. Hai bên có khu dân cư đông đúc. Đặc biệt phía bên phải của khu vực này (tính theo chiều Hà Nội - Hải Phòng) có 3 trường học, với hơn 1.000 học sinh. Bên trái có các trụ sở như UBND xã và nhiều đơn vị hành chính khác.
Về việc tại sao cầu vượt này không có đường gom lên cầu ngay sát hành lang quốc lộ, Chi cục lý giải không thể thiết kế như vậy do không còn không gian. Đường sắt chạy song song và sát cạnh làn xe thô sơ nên việc làm thêm đường gom ở đây sẽ tăng nguy cơ mất ATGT đường sắt.
Mặt khác, tại đoạn đường xảy ra tai nạn, khu dân cư cũng như trường học cách quốc lộ tương đối xa, do đó hai đầu điểm cầu vượt được thiết kế kéo dài đi sâu vào trong khu dân cư. Con đường dẫn từ nghĩa trang qua 3 trường học nối liền với điểm lên cầu dân sinh này có vai trò như một đường gom.
"Rất tiếc đoàn người đi bộ đã không chọn cung đường an toàn, đúng luật để đi. Họ đi tắt ngược chiều trên quốc lộ để đi nhanh hơn", Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ 1 Trần Hưng Hà khẳng định.
Tuy nhiên, theo quan sát của PV, cấu trúc của cầu vượt Kim Lương có 4 điểm mở, tạo 2 chiều lên xuống cắm thẳng vào làn xe thô sơ của quốc lộ.
Đường từ nghĩa trang liệt sỹ đoàn người đi bộ chọn hướng đi thẳng ra quốc lộ 5.
Băng qua đường tàu, không barie.
Đi bộ ngược chiều trên quốc lộ 5 để lên cầu vượt và gặp tai nạn.
Nếu đi ngược chiều lên cầu vượt này sẽ gần hơn 400m.
Tại hai điểm lên xuống này không có biển chỉ dẫn, không có biển cảnh báo hay hạn chế đối tượng tham gia giao thông. Do đó, nhiều người dân địa phương lâu nay có tâm lý đi bộ bằng lối đó... cho tiện.
Ông Trần Đình T., 65 tuổi trú tại thôn Kim Lương chia sẻ: "Lâu nay chúng tôi ra nghĩa trang liệt sỹ về bên làng bên này vẫn đi như vậy. Vì từ nghĩa trang ra thì đi thẳng, ngại rẽ. Việc để điểm xuống hòa vào quốc lộ như hiện nay mà không có đường gom riêng thật sự là không ổn. Nếu không muốn dẫn đi bộ lên lối này thì cơ quan chức năng nên cắm biển báo, hướng dẫn người dân tham gia giao thông an toàn".
Nguồn: Hoài Anh - (danviet.vn)
T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)