An Giang: Cần kiểm soát 'đường bơi' của con cá tra

Thứ sáu, 15 Tháng 2 2019 21:53 (GMT+7)
Cá tra là ngành hàng chủ lực của An Giang và khu vực ĐBSCL, để đảm bảo đầu ra ổn định, giúp người nuôi cá yên tâm sản xuất cần có biện pháp kiểm soát hợp lý nhất trong tình hình hiện nay.

Với tình hình tiêu thụ cá tra hiện nay, giá cá tra đang ở mức cao làm người nuôi vô cùng phấn khởi, cũng chính vì thế ngành thủy sản cần có những biện pháp kiểm soát “đường bơi” thật hợp lý để đảm bảo cho người nuôi yên tâm sản xuất.

Cải thiện chất lượng con giống - Quản lý tốt vùng nuôi

Đầu năm 2019, cá tra Việt Nam đã và đang đương đầu với nhều đối thủ cạnh tranh. Chính vì thế, việc nỗ lực xây dựng hình ảnh, tăng sức cạnh tranh để tránh những rủi ro gặp phải là điều hết sức cần thiết. Với yêu cầu khá khắt khe của thị trường hiện nay, đòi hỏi trước tiên là doanh nghiệp cần tập trung vào việc cải thiện chất lượng con giống và vùng nuôi cá tra. Bởi 2 yếu tố này song hành cùng nhau, khi giá cá tra tăng thì áp lực vùng nuôi cũng sẽ tăng theo.

Để nâng cao chất lượng cá tra hơn nữa, ngành nông nghiệp An Giang chú tâm vào việc quản lý chặt chẽ khâu sản xuất con giống

An Giang là tỉnh đi đầu với Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp, đây là một thành công cũng như nỗ lực đáng ghi nhận của ngành nông nghiệp tỉnh trong việc phát triển ngành hàng cá tra Việt Nam đi vào đúng quỹ đạo vốn có của nó, khẳng định tầm quan trọng, vị thể của con cá tra khu vực ĐBSCL.

Nhận thấy tầm quan trọng của chất lượng con giống trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là ngành hàng cá tra. Đầu năm 2019, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đẩy mạnh xây dựng các dự án công nghệ cao. Điển hình là khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) nuôi trồng thủy sản Bình Phú với quy mô 600 ha, với 2 khu.

Với khu sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao, dự kiến sản xuất ra khoảng 360 triệu con giống cá tra chất lượng cao phục vụ cho các vùng nuôi của Tập đoàn và cộng đồng. Và khu nông nghiệp ƯDCNC nuôi trồng thủy sản, nuôi cá tra thương phẩm, có diện tích 450 ha, mỗi năm khu này sẽ sản xuất ra 200.000 tấn cá tra nguyên liệu phục vụ sản xuất. Đây cũng là dự án nuôi cá tra có quy mô lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay.

Bên cạnh đó là dự án khu sản xuất giống thủy sản công nghệ cao, do Công ty Cổ phần Cá tra Việt Úc xây dựng. Dự án khu sản xuất giống thủy sản công nghệ cao đang thực hiện khu lưu giữ cá bố mẹ chọn giống với tổng đàn cá bố mẹ hiện nay là 2.000 cá bố mẹ trong đó, số lượng cá bố mẹ viện 2 là 1.000 con; 2.000 từ nguồn cá campuchia được tuyển chọn từ Việt Úc.

Với dự án này công ty sẽ cung cấp con giống cá tra có chất lượng cao ra thị trường, đáp ứng nhu cầu con giống cá tra cho vùng đồng bằng song Cửu long.

Với những tín hiệu thị trường lạc quan về ngành cá tra trong thời gian qua người nuôi cá tra rất phấn khởi. Tuy nhiên tỉnh An Giang vẫn định hướng phát triển nuôi cá tra phải theo quy hoạch, chú trọng đến chất lượng sản phẩm cũng như nuôi phải có liên kết để đảm bảo đầu ra ổn định.

Ngoài ra, tiếp tục công tác thanh tra kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh giống, cơ sở nuôi thủy sản nhằm từng bước nâng cao ý thức của các cơ sở trong việc đảm bảo điều kiện sản xuất và chất lượng sản phẩm sản xuất góp phần nâng cao chất lượng giống, chất lượng nuôi thương phẩm phục vụ cho việc chế biến sản phẩm thủy sản.

Biện pháp phòng chống dịch bệnh trên cá tra

Để đảm bảo chất lượng con giống chất lượng cao cần gắn liền với cải thiện môi trường qua cá giải pháp xử lý chất thải, ứng dựng IoT (Internet of Things - kết nối vạn vật với nhau thông qua Internet) trong kiểm soát môi trường tự động để nâng cao năng suất, đồng thời hạ giá thành sản phẩm, sử dụng công nghệ cao thân thiện môi trường nhằm giữ vững ổn định “đường bơi” của con cá tra Việt Nam.

Để tránh tình trạng người nuôi ồ ạt tự phát dẫn đến nguy cư dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, con giống kém chất lượng và tăng đột biến cá nguyên liệu, gây thiệt hại cho người nuôi ngành nông nghiệp cần có biện pháp kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp nuôi tự phát không theo quy hoạch. Cùng với đó, thường xuyên tuyên truyền vận động, thuyết phục người dân không chuyển đổi đất trồng lúa sang ương nuôi cá tra.

Để đảm bảo chất lượng con giống chất lượng cao cần gắn liền với cải thiện môi trường.

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan có liên quan và các địa phương tăng cường hướng dẫn người nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong ương, nuôi cá tra, sử dụng thuốc, hóa chất trong danh mục được phép lưu hành...

Nguồn: Hồng Muội - (giadinhvaphapluat.vn)

T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội