Gạo Việt long đong

Thứ năm, 21 Tháng 2 2019 08:47 (GMT+7)
Nông dân đồng bằng sông Cửu Long đang thêm một lần nữa "ngồi trên lửa" khi đang mùa thu hoạch vụ đông xuân mà giá lúa xuống thấp, doanh nghiệp và thương lái chẳng đến mua, gạo xuất khẩu thì lại bí đầu ra.

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương thu mua gạo tạm trữ 200.000 tấn như kế hoạch và 80.000 tấn lúa; ngân hàng hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp mua lúa gạo tạm trữ; các bộ - ngành hữu quan phải sớm có giải pháp xuất khẩu gạo để khơi thông đầu ra cho "hạt vàng" Việt Nam.

Đó là những nhiệm vụ, giải pháp tình thế, mang tính chất "giải cứu" tạm thời. Người trồng lúa cần hơn cả là giá lúa gạo bền vững, đầu ra được bảo đảm căn cơ, để trước hết là thoát cảnh được mùa - mất giá triền miên, rồi mới tính chuyện tích lũy làm giàu.

Bao giờ nông dân mới có được những điều ấy? Tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp chúng ta đã có; tiếng tăm về gạo cũng đã lừng danh thế giới từ lâu; nông dân Việt luôn siêng năng, chịu khó..., vậy còn thiếu gì?

Thiếu tầm nhìn về chính sách đối với sản xuất và xuất khẩu lúa gạo! Tất nhiên, nông dân không phải là người làm chính sách, trách nhiệm ấy không thuộc về họ. Nên nhớ là Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo từ năm 1989, vậy nhưng 30 năm sau chúng ta vẫn chưa xây dựng được thương hiệu gạo Việt mang tầm quốc tế, trong khi các quốc gia cạnh tranh với chúng ta đã có từ lâu, ví dụ như Thái Lan.

Nông dân đã cực nhọc một nắng hai sương làm ra hạt gạo, lẽ nào việc xây dựng thương hiệu tầm quốc gia, quốc tế cũng là của họ, họ sao đủ khả năng làm, trong khi bộ - ban - ngành dọc ngang từ trung ương đến địa phương hữu trách việc này thì có thừa. Không nâng tầm được cho hạt gạo xuất khẩu thì người làm ra nó sẽ mãi cơ cực và tình trạng "giải cứu" sẽ còn lặp lại. Như thế, biết bao giờ nông nghiệp, nông dân Việt mới được khai phóng? Từ chỗ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất, nhì thế giới, nay chúng ta đã tụt xuống vị trí thứ ba và thứ hạng này cũng khó giữ nếu sắp tới vẫn còn tư duy lẫn hành động như hiện nay.

Gạo cao cấp ST24 do một nhóm kỹ sư lai tạo, trồng và xuất khẩu được giá tốt, gây tiếng vang quốc tế, được cho là "gạo ngon thứ ba thế giới" nhưng sản lượng rất hạn chế, khó canh tác, nông dân không chuộng trồng. Vì sao không nhân rộng được? Giới chức khoa học ngành nông nghiệp ở đâu?

Năm 2018 cả nước xuất khẩu 6,1 triệu tấn gạo, doanh số 3 tỉ USD. Năm nay, tình hình xuất khẩu khó khăn hơn do nhu cầu mua gạo của các thị trường truyền thống giảm và sự cạnh tranh giữa các "cường quốc gạo" gay gắt hơn. Tình thế này đặt ra bài toán nan giải cho ngành nông nghiệp, tiếp tục phủ bóng bi quan lên người trồng lúa. Sự "giải cứu" của nhà nước là cần thiết nhưng không thể "giải cứu" mãi và nếu cứ làm như vậy thì sẽ phi thị trường, nảy sinh nhiều hệ lụy khác.

Trong bối cảnh đó, nông dân cần sự hỗ trợ trực tiếp từ nhà nước (thay vì hỗ trợ cho doanh nghiệp mua lúa gạo tạm trữ) để họ có điều kiện trả tiền vay ngân hàng, chi phí vật tư nông nghiệp và tái sản xuất. Đó cũng là cách "khoan thư sức dân" giúp người trồng lúa đủ sức bám trụ với "cuộc chiến" cam go, lâu dài trước mắt. 

Nguồn: Quang Huy - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội