Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội: Việt Nam - Chọn mặt gửi vàng

Thứ ba, 26 Tháng 2 2019 08:42 (GMT+7)
Với việc chọn Việt Nam, cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đều muốn gửi gắm thông điệp: Sẵn sàng đưa ra một quyết định đột phá để biến thù thành bạn và cùng nhau tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn

Từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo Việt Nam là nước chủ trì hội nghị thượng đỉnh lần 2 giữa ông và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vào cuối tháng này, giới phân tích tỏ ra không mấy ngạc nhiên. Nguyên nhân: Việt Nam hội tụ đầy đủ điều kiện cần cho một sự kiện quốc tế đặc biệt quan trọng như vậy.

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa

Đầu tiên, xét tới yếu tố có thể xem là đơn giản nhất nhưng thực ra không kém phần quan trọng là Việt Nam nằm khá gần Triều Tiên nên phù hợp cho việc di chuyển của ông Kim, kể cả khi ông sử dụng đường hàng không hay ngồi trên đoàn tàu hỏa bọc thép đặc biệt của mình.

Còn nhớ khi nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Singapore dự thượng đỉnh lần đầu với Tổng thống Donald Trump vào tháng 6 năm ngoái, ông sử dụng một máy bay của Trung Quốc. Lần này, với quãng đường bay trên dưới 3.000 km từ Bình Nhưỡng tới Hà Nội - chỉ bằng 2/3 so với từ Triều Tiên tới Singapore, theo hãng tin AP - hành trình của ông Kim sẽ đơn giản và thoải mái hơn nhiều. Hãng tin Bloomberg ước tính nhà lãnh đạo Triều Tiên chỉ mất khoảng 4 giờ bay để tới Việt Nam, với phần lớn hành trình là trên bầu trời Trung Quốc.

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội: Việt Nam - Chọn mặt gửi vàng - Ảnh 1.

Du khách nước ngoài dạo phố Hà Nội trong những ngày Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp diễn ra Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Một điểm cộng nữa chính là tình hình an ninh ổn định của Việt Nam. Theo đài ABC (Úc), Việt Nam đã tổ chức thành công 2 sự kiện lớn khác của quốc tế là Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào cuối năm 2017 và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về ASEAN hồi năm ngoái, đều diễn ra tại thành phố biển Đà Nẵng. "Cũng như Singapore, Việt Nam là nơi rất an toàn" - ông Murray Hiebert, chuyên gia cấp cao của Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (Mỹ), đánh giá với hãng tin AP.

Bên cạnh thuận lợi về địa lý và an ninh, việc Việt Nam có giao kết hữu hảo với Triều Tiên và Mỹ là một lợi thế lớn khác. Cả hai nước này đều có đại sứ quán tại Hà Nội, hỗ trợ rất nhiều cho quá trình chuẩn bị trước cuộc gặp. Quan hệ ngoại giao giữa Hà Nội và Bình Nhưỡng được thiết lập rất sớm, từ năm 1950. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành (ông nội của ông Kim Jong-un) từng thăm chính thức Việt Nam vào năm 1961.

Sức hút từ kinh tế Việt Nam

Một nguyên nhân ẩn khác khiến Việt Nam trở thành "nơi được chọn" cũng được giới chuyên gia quốc tế mổ xẻ chính là sự chuyển mình ấn tượng của Việt Nam về mặt kinh tế thời hậu chiến.

Theo trang 38north (trang web chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên), không lâu sau khi lên nắm quyền, ngay trong bài phát biểu mừng năm mới 2012, ông Kim Jong-un đã nhấn mạnh phải cải thiện đời sống kinh tế cho tất cả người dân trong nước. Tại Đại hội Đảng Lao động lần thứ 7 năm 2016, Triều Tiên chính thức áp dụng chính sách phát triển song song cả về an ninh quốc gia (tức đẩy mạnh năng lực hạt nhân, tên lửa) và kinh tế. Sau một năm 2017 nóng bỏng với các vụ thử tên lửa và hạt nhân khiến thế giới căng thẳng, ông Kim Jong-un tuyên bố chuyển ưu tiên sang phát triển kinh tế vào năm 2018, đồng thời bất ngờ khởi động một loạt cú hích ngoại giao đem lại làn gió đổi thay mới mẻ cho bán đảo Triều Tiên.

Đặc biệt, khi đến Singapore dự thượng đỉnh lần đầu, ông Kim đã tranh thủ tìm hiểu về cách phát triển kinh tế của đảo quốc sư tử. Nhưng giới quan sát nhận định sự đổi mới của kinh tế Việt Nam phù hợp hơn với "juche" (tạm dịch: chủ thể), hệ tư tưởng chính thức của Triều Tiên. Trong khi Giám đốc nghiên cứu của Viện Brookings (Mỹ), ông Michael O’Hanlon, tin rằng "hình mẫu kinh tế Việt Nam nói chung có sự tương đồng khổng lồ với Triều Tiên" thì ông Andray Abrahamian, chuyên gia về Triều Tiên tại Trường ĐH Stanford (Mỹ), cũng chung đánh giá: "Có thể áp dụng rất nhiều điều Việt Nam đã làm vào trường hợp Triều Tiên". Theo những chuyên gia này, Việt Nam là ví dụ hoàn hảo cho một quốc gia đã "lai ghép" thành công các quy luật của thị trường với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản để đạt được những tiến bộ kinh tế thần tốc.

Câu chuyện thành công của kinh tế Việt Nam dường như cũng là điều mà Washington muốn nhắn nhủ với Triều Tiên. Khi thăm Việt Nam vào tháng 7-2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chuyển thông điệp tới nhà lãnh đạo Kim Jong-un: "Với quan hệ đối tác Mỹ - Việt Nam và sự thịnh vượng mà có thời không ai nghĩ Việt Nam đạt được (...) Tổng thống Trump tin rằng Triều Tiên có thể đi theo con đường này (...) Điều kỳ diệu này cũng có thể xảy ra với Triều Tiên". 

Ý nghĩa biểu tượng

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Robert Palladino, nhấn mạnh lịch sử Việt - Mỹ "phản ánh khả năng kiến tạo hòa bình và thịnh vượng". "Chúng tôi đã bước qua quá khứ đầy xung đột và chia rẽ để hướng tới mối quan hệ đối tác vững mạnh như ngày nay" - ông nói thêm.

Trao đổi với hãng tin AP, PGS-TS Vũ Minh Khương - hiện là giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) - cho rằng với việc chọn Việt Nam, cả hai ông Donald Trump và Kim Jong-un đều muốn "gửi đi thông điệp chiến lược mạnh mẽ cho toàn thế giới". Đó là "họ sẵn sàng đưa ra một quyết định đột phá để biến kẻ thù thành bạn bè và cùng nhau tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn, tương tự trường hợp quan hệ Việt - Mỹ".

Báo chí nước ngoài: Kỳ vọng!

Theo hãng tin Yonhap (Hàn Quốc), Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc hôm 25-2 nhận định Mỹ và Triều Tiên có thể nhất trí về việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới tại Hà Nội. Khi được hỏi liệu một tuyên bố như thế có nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị hay không, phát ngôn viên Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyeom nhấn mạnh đó là một khả năng.

Còn theo Reuters, chiến tranh Triều Tiên kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn và Bình Nhưỡng lâu nay vẫn yêu cầu một hiệp ước chấm dứt cuộc chiến này cùng với những bảo đảm an ninh. Trong khi đó, Washington trong nhiều năm qua muốn Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược trước khi có bất kỳ nhượng bộ nào.

Phát biểu trước khi lên đường dự hội nghị trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 24-2 cho biết ông thấy hài lòng chừng nào Triều Tiên tiếp tục ngưng thử vũ khí. Lần gần đây nhất Bình Nhưỡng thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa là vào tháng 9 và tháng 11-2017. Ngoài ra, ông chủ Nhà Trắng tỏ ra thận trọng khi tuyên bố không hề vội vàng trong việc đạt được thỏa thuận hạt nhân với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un khi hai nhà lãnh đạo này gặp nhau lần thứ hai tại Hà Nội trong 2 ngày 27 và 28-2. Thay vào đó, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết ông và Chủ tịch Kim đều kỳ vọng tiếp tục những tiến triển đạt được tại cuộc gặp đầu tiên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong những ngày gần đây cho thấy khả năng bớt cứng rắn trong lập trường với Triều Tiên khi bày tỏ khả năng nới lỏng trừng phạt nếu đạt tiến triển "ý nghĩa" trong vấn đề phi hạt nhân hóa.

Reuters nhận định phát biểu này dường như phát đi tín hiệu chính quyền ông Trump để ngỏ chuyện tìm kiếm một thỏa thuận giới hạn tại hội nghị. Hướng tiếp cận này có thể dẫn đến những kết quả dù nhỏ nhưng có thể mang nhiều ý nghĩa. Giới chức Mỹ, Hàn Quốc tiết lộ Washington và Bình Nhưỡng đã thảo luận những nội dung như cho phép các thanh sát viên kiểm tra hoạt động dỡ bỏ lò phản ứng hạt nhân Yongbyon, trao đổi văn phòng liên lạc, tuyên bố chấm dứt tình trạng thù địch trên bán đảo Triều Tiên tồn tại từ thập niên 1950 và cho phép thực hiện một số dự án liên Triều, như khai trương một khu du lịch tại miền Bắc.

Phương Võ

 

 
Nguồn: Hải Ngọc - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội