Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2: Một bước đi thiết thực

Thứ sáu, 01 Tháng 3 2019 08:17 (GMT+7)
Kết quả không được như đa số dư luận mong đợi song điều quan trọng là hai bên vẫn hứa hẹn đây không phải hội nghị cuối cùng

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận như mong muốn. Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng không thể phủ nhận nỗ lực của cả hai phía Mỹ và Triều Tiên để đi đến đàm phán.

Hai bên vẫn có hứa hẹn

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Phạm Hồng Thái, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, cho rằng việc hai bên không ra được tuyên bố chung là kết quả không được như đa số dư luận mong đợi. Trong quá trình chuẩn bị hội nghị cũng như khi hội nghị diễn ra, mọi người có rất nhiều kỳ vọng hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ đạt được bước tiến, gặt hái kết quả cụ thể liên quan đến việc giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và việc dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Triều Tiên. Không ai nghĩ vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân có thể được giải quyết ngay nhưng đều mong có thể giải quyết từng phần, dần dần hai bên có sự nhượng bộ lẫn nhau để đi đến kết quả cuối cùng là điều mọi người đều hy vọng.

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2: Một bước đi thiết thực - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp báo ở Hà Nội hôm 28-2 Ảnh: REUTERS

Dù vậy, PGS-TS Phạm Hồng Thái khẳng định điều quan trọng là hai bên vẫn có hứa hẹn đây không phải hội nghị cuối cùng, tiếp theo vẫn có những cuộc gặp để có những giải pháp tiếp tục hướng tới mục tiêu mà hai bên kỳ vọng. Theo nghĩa đó, hội nghị lần này không thất bại mà vẫn là một bước đi thiết thực, trước hết là duy trì kênh đối thoại.

"Những vấn đề bàn thảo hai bên đặt ra chưa được tiết lộ chi tiết song như Tổng thống Donald Trump nói trong cuộc họp báo là hai bên đã đề cập đến rất nhiều vấn đề, tiến gần hơn, hiểu biết nhau nhiều hơn. Chắc chắn hội nghị lần này theo nghĩa như vậy cũng đạt được kết quả nào đó và chúng ta hy vọng với những vòng đàm phán tiếp theo - nếu được tổ chức. Chắc chắn cuộc đàm phán lần này là một bước đệm góp phần hai bên có thể tiến thêm một bước lên phía trước" - ông Thái khẳng định.

Kết quả còn ở phía trước

Việc Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào đã thu hút rất nhiều sự chú ý của giới chuyên gia quốc tế. Theo ông Vipin Narang, chuyên gia về khoa học chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), "người Mỹ chưa sẵn sàng chấm dứt cuộc chiến trong khi Triều Tiên cũng chưa sẵn sàng lùi bước".

Nhiều chuyên gia nhận định chung rằng khoảng cách giữa Mỹ và Triều Tiên nói chung còn quá lớn. Ông Jean Lee, cựu Trưởng Văn phòng Hãng tin AP tại Bình Nhưỡng, viết trên Twitter: "Đây là một cuộc đàm phán gai góc. Ngay cả quyền lực của hai nhân vật hết sức cá tính cũng chưa đủ để đặt dấu chấm hết cho một trong những cuộc xung đột dai dẳng nhất của thời hiện đại".

Trong cuộc họp báo chiều 28-2, Tổng thống Trump nhấn mạnh: "Họ muốn các lệnh trừng phạt phải được dỡ bỏ hoàn toàn nhưng chúng tôi không thể làm vậy". Theo ông Trump, Triều Tiên đưa ra một đề nghị quan trọng: Dỡ bỏ toàn bộ khu phức hợp Yongbyon, cơ sở nghiên cứu và sản xuất chính của chương trình hạt nhân Triều Tiên, để đổi lấy việc mọi lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên được dỡ bỏ. Đài BBC cho hay ngoài Yongbyon, Triều Tiên còn ít nhất 2 cơ sở làm giàu uranium khác.

Trong khi đó, nhận định với hãng tin Reuters, nhà nghiên cứu cấp cao Lim Soo-ho của Viện Chiến lược an ninh quốc gia (Mỹ), cho rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không đạt được thỏa thuận là điều đáng ngạc nhiên, nhất là khi hai bên tỏ ra rất lạc quan trong những ngày qua. "Nhưng không đạt được thỏa thuận lúc này không có nghĩa là mấy tháng tới cũng không đạt được". Để có thể "về đích", theo ông Akira Kawasaki, thành viên của Chiến dịch Bãi bỏ vũ khí hạt nhân quốc tế (Ican), cộng đồng quốc tế "cần có một kế hoạch thực sự, đặt nền tảng trên các hiệp ước như Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân". Ông nói với Báo Straits Times (Singapore): "Triều Tiên và Hàn Quốc có thể tham gia hiệp ước này và bắt đầu tiến trình giải trừ hạt nhân".

Ngoài ra, nhà điều phối của mạng lưới Hòa bình Triều Tiên - ông Kevin Martin - khuyến khích các bên đẩy mạnh các biện pháp ngoại giao. "Ngoại giao củng cố an ninh của Mỹ và bán đảo Triều Tiên nhiều hơn là biện pháp trừng phạt kinh tế hay đe dọa quân sự" - ông nói. 

Vị thế Việt Nam được nâng cao

TS Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao (Bộ Ngoại giao), cho rằng việc không có thỏa thuận nào được ký kết là điều đáng tiếc nhưng đây là dịp để các bên cùng nhìn lại. Vấn đề phi hạt nhân hóa không thể giải quyết ngay, dù thành công hay không thành công ở Hà Nội thì bước tiếp theo vẫn rất gian nan.

Còn PGS-TS Phạm Hồng Thái nhấn mạnh Việt Nam, với tư cách là một nước chủ nhà tổ chức hội nghị thượng đỉnh, đã giành thắng lợi bởi hội nghị này diễn ra về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cũng như mọi phương diện đã được làm rất tốt. Thông qua hoạt động của các phóng viên báo chí trong nước cũng như quốc tế, họ hoạt động trong những ngày qua, hình ảnh rất tích cực, tốt đẹp của Việt Nam đã được quảng bá ra thế giới.

"Điều đặc biệt hơn, qua việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần này, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế sẽ được nâng cao hơn. Chúng ta đã khẳng định với quốc tế như một nơi có thể sẵn sàng, có đủ mọi lực lượng để tổ chức các sự kiện quốc tế lớn, đặc biệt là các sự kiện liên quan tới những vấn đề lớn của khu vực và trên thế giới. Theo nghĩa đó thì Việt Nam đã thành công" - PGS-TS Thái nhấn mạnh.

D.Ngọc

 
Dương Ngọc - Hải ngọc - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội