Câu chuyện một số quan chức sử dụng xe công đưa bản thân hoặc vợ, con đi lễ chùa, đám tiệc xảy ra ở một số địa phương, ban ngành có lẽ cần được xếp vào loại "bệnh mạn tính".
Đầu năm là chuyện Văn phòng Bộ Công Thương dùng xe công để đón phu nhân của Bộ trưởng. Câu chuyện chưa lắng xuống thì ngày 16-2, người dân sống gần nhà hàng Phi Long (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) chứng kiến nhiều ôtô mang biển số xanh của tỉnh Hậu Giang nối đuôi nhau chở người đến dự tiệc thôi nôi. Tiếp đó, tại Quảng Bình, hàng loạt xe biển số xanh của địa phương này chở cán bộ, công chức dự đám cưới người nhà một vị Thường vụ Tỉnh ủy trong giờ làm việc.
Hành xử của những người ngồi trên các chiếc xe công vụ trên chẳng khác nào một sự thách thức dư luận.
Xin nhắc lại cho các vị nhớ, việc cấm sử dụng xe công vào việc riêng đã có từ rất lâu. Ngay từ năm 1959, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 470/TTg ngày 29-12-1959 (do Phó Thủ tướng Phạm Hùng ký) đã quy định về việc quản lý, sử dụng ôtô trong các cơ quan nhà nước và đoàn thể. Đến năm 2017, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018). Cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 34/CT-TTg, trong đó nhấn mạnh đến quy định về cán bộ, công chức đi lễ hội, việc riêng không được sử dụng xe công. Mới đây nhất, trong cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 1-2019, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng đã nhắc lại Chỉ thị 34/CT-TTg năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Thế nhưng, việc sử dụng tài sản công vào mục đích riêng vẫn cứ ngang nhiên tiếp diễn. Điều đó cho thấy những người cố tình sử dụng tài sản công vào việc riêng không hề e sợ chỉ đạo của cấp trên và quy định pháp luật.
Những cán bộ không e sợ chỉ đạo của cấp trên, không "ngán" quy định pháp luật thì làm sao nói người khác nghe, làm sao nêu gương cho người khác?
Nói thẳng, việc sử dụng tài sản công phục vụ cho việc riêng của quan chức và người nhà cần phải xác định là hành vi tham nhũng tài sản công. Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2019), ngay tại điểm i, khoản 1 điều 2 đã quy định: "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi". Trước đó, trong Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 (sẽ hết hiệu lực từ ngày 1-7-2019), tại khoản 9, điều 3 cũng quy định: "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của nhà nước vì vụ lợi". Như vậy, Luật Phòng chống tham nhũng đã định danh đối với hành vi sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi của người có chức vụ, quyền hạn là tham nhũng. Thế nhưng, rất tiếc từ trước giờ, ít có quan chức nào bị xử lý hành vi tham nhũng liên quan đến việc sử dụng xe công. Cũng chưa từng có quan chức nào từ chức hoặc bị cách chức vì lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng tài sản công cho bản thân hoặc gia đình.
Để giữ kỷ cương, phép nước, dư luận đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền, nhất là người đứng đầu các địa phương để xảy ra tình trạng sử dụng xe công vào việc riêng, cần khẩn trương chỉ đạo và xử lý nghiêm khắc đối với các cá nhân sai phạm.
Trước hết, dư luận đang nóng lòng chờ lãnh đạo tỉnh Hậu Giang và Quảng Bình đưa ra "phán quyết" với những cán bộ "không e sợ chỉ đạo của cấp trên, không "ngán" quy định pháp luật".
Để lâu sự việc sẽ "hóa bùn"!
Lâm Hoàng (Ảnh: Lê Duy) - (nld.com.vn)
T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)