Sáng 4-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành nhằm triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả heo châu Phi.
Thiếu tiền, thiếu cách hay vô ý thức?
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, từ ngày 1-2 đến 3-3, dịch tả heo châu Phi xảy ra tại 7 tỉnh, thành gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương. Tổng số heo bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con.
Thứ trưởng Tiến nhận định do giá heo hơi các tháng cuối năm 2018 cao nên nhiều người chăn nuôi đã không khai báo khi có dịch bệnh, gọi thương lái để bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ heo chết, heo bệnh, heo không rõ nguồn gốc khiến dịch lây lan, khó kiểm soát.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đề nghị Chính phủ tăng gấp đôi mức hỗ trợ cho heo nái phải tiêu hủy do bị bệnh dịch tả heo châu Phi vì giá thị trường hơn 100.000 đồng/kg.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề: Tại sao dịch lại bùng phát từ 1 tỉnh, 2 tỉnh đến 7 tỉnh và có nguy cơ lan rộng dù chúng ta đã chủ động trong công tác phòng chống dịch? Cách tổ chức triển khai công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh của các cơ quan chức năng đã quyết liệt chưa? Vì thiếu tiền, thiếu cách làm hay vô ý thức để dịch lan ra?
Chốt kiểm soát trên cầu Bạch Đằng (Hải Phòng) kiểm tra, khử trùng trước khi xe chở heo vào nội thành Ảnh: TRỌNG ĐỨC
Kết luận, Thủ tướng yêu cầu "chống dịch phải như chống giặc". "Nếu chúng ta có biện pháp mạnh, ngăn chặn tốt, kịp thời hơn thì dịch không lây lan rộng. Trung Quốc, với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, đến nay họ đã khống chế dịch được đến 90%. Đây là bài học kinh nghiệm cho chúng ta" - Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Thủ tướng về kết quả phòng chống bệnh dịch tại địa phương.
Hỗ trợ bằng 80% giá thị trường
Trưởng đại diện Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) tại Việt Nam, ông Albert T. Lieberg, cho biết FAO đang xây dựng dự án hỗ trợ khẩn cấp trị giá 500.000 USD để giúp đỡ Việt Nam. Ngoài ra, khoảng 5-6 chuyên gia hàng đầu về phòng chống dịch tả heo châu Phi cũng sẽ sang Việt Nam trong tuần tới.
"Việt Nam nên kiểm soát dịch bệnh thật nhanh và tiêu hủy ngay các đàn heo bị dương tính; kiểm soát việc vận chuyển heo, sản phẩm heo ra ngoài vùng dịch, phun hóa chất khử trùng tốt" - đại diện FAO khuyến cáo.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh nước ta có 2,4 triệu hộ chăn nuôi heo với 14,5 triệu con. Chuồng heo đều ở sát nhà dân nên dịch lây lan nhanh là điều dễ hiểu. Hiện lãnh đạo Chính phủ đã kết luận mức hỗ trợ heo con, heo thịt bị dịch tả heo châu Phi phải tiêu hủy thấp nhất là bằng 80% giá thị trường để người dân không bán tống, bán tháo heo bệnh. Riêng heo nái và heo đực đang sinh sản thì nhất trí đưa hệ số hỗ trợ từ 1,5-1,8 lần so với heo thịt để các địa phương triển khai. Bỏ điều kiện phải khai báo và có xác nhận của UBND cấp xã khi nuôi heo vì không khả thi. Đây là chính sách bảo đảm công bằng về chi phí đầu tư chăn nuôi của người dân.
Kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu nêu cao tính công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tránh tình trạng "tiêu hủy 5 con heo thì khai 8 con, không có dịch mà nói có dịch". Bên cạnh đó, cần giám sát thực hiện để bảo đảm đúng đối tượng, chống thất thoát, lãng phí hoặc lợi dụng chính sách.
Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ heo, sản phẩm của heo nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.
Cam kết 5 không
Các cấp, các ngành cần vận động người chăn nuôi cam kết và thực hiện 5 không: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.