Nước mắm truyền thống trần ai lập hiệp hội

Thứ năm, 14 Tháng 3 2019 08:54 (GMT+7)
Nước mắm truyền thống liên tục gặp lận đận từ "bão" asen, muối i-ốt đến các hàng rào kỹ thuật tiêu chuẩn, quy chuẩn cũng như quá trình lập hiệp hội

Trong bản kiến nghị mới đây mà cộng đồng sản xuất nước mắm truyền thống gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xung quanh việc Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho sản phẩm nước mắm cũng có đề nghị Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ có liên quan tạo điều kiện cho Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam được sớm thành lập để tạo điều kiện hỗ trợ nghề nước mắm được bảo tồn và phát triển.

Hợp sức sau "bão" asen

Sau cơn "bão" asen, các nhà sản xuất nước mắm truyền thống đã tập hợp và thống nhất thành lập hiệp hội chung. Tháng 5-2017, ban vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho phép thành lập gồm 17 thành viên là đại diện các doanh nghiệp (DN) sản xuất nước mắm tại Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Bình Thuận, TP HCM, Thanh Hóa và một số chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm, thủy sản. Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc, là trưởng ban vận động này. Đến tháng 7-2017, ban vận động đã gửi đơn và hồ sơ xin phép thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam đến Bộ Nội vụ nhưng chờ đợi lâu không nhận được trả lời nên phải gửi văn bản 2 lần (tháng 9 và 11-2017).

Nước mắm truyền thống trần ai lập hiệp hội - Ảnh 1.

Một cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống ở Phú Quốc Ảnh: HOÀNG TUẤN

Trong thời gian trên, các thành viên ban vận động bất ngờ nhận được thông tin tháng 8-2017, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định thành lập ban vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm Việt Nam và hồ sơ này lại được Bộ Nội vụ xử lý trước.

Tháng 2-2018, một cuộc họp đã được tổ chức tại Bộ Nội vụ, lãnh đạo bộ đã đề nghị 2 ban vận động ngồi lại để thống nhất thành lập 1 hiệp hội. Đến tháng 4-2018, Bộ Nội vụ có công văn trả lại hồ sơ cho ban vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam với lý do cùng lúc nhận được 2 hồ sơ đề nghị thành lập hiệp hội với tên gọi gần giống nhau, trùng lặp về lĩnh vực hoạt động chính, có cùng phạm vi hoạt động cả nước.

Ách gần 2 năm

Tháng 5-2018, ban vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam đã mời ban vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm Việt Nam để trao đổi việc thống nhất thành lập một hiệp hội và đề nghị giữ tên là Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam. Lý do giữ tên này là để giữ gìn truyền thống lâu đời của nước mắm Việt Nam và xuất phát từ thực tế là nguồn nguyên liệu để sản xuất nước mắm công nghiệp là từ các nhà thùng sản xuất nước mắm truyền thống.

"Không thể có nước mắm pha chế công nghiệp nếu không có nguồn nước mắm thấp đạm (nước 2 và nước 3) của nước mắm truyền thống. Một hiệp hội mang tên nước mắm truyền thống Việt Nam sẽ là sân chơi phù hợp kế thừa lịch sử (nước mắm truyền thống cao đạm) đồng thời kết hợp hiện đại (nước mắm pha chế công nghiệp). Một lý do quan trọng khác để giữ chữ "truyền thống" là để tạo nên sự khác biệt với nước mắm của Thái Lan và một số nước khác chỉ sản xuất nước mắm pha chế công nghiệp" - đại diện ban vận động Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam nhấn mạnh.

Với mục đích đi tới hài hòa cả hai phía, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, đề nghị trong hiệp hội có 2 hội thành viên với 2 sản phẩm: nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp (hoặc đơn giản là nước mắm nếu ban vận động Hiệp hội Nước mắm Việt Nam không thích cụm từ "công nghiệp"). Bà Minh chỉ rõ sự cộng sinh của nước mắm truyền thống và nước mắm pha chế từ nước mắm truyền thống và 2 bên có phân khúc thị trường riêng biệt. Tuy nhiên, cuộc họp đã không mang lại kết quả vì các đại diện của ban vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm Việt Nam không chấp nhận giữ tên "truyền thống".

Đáng chú ý, trong nỗ lực thương lượng không thành, các DN nước mắm truyền thống phát hiện… sự tồn tại của ban vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm Việt Nam của Bộ Y tế là không đúng quy định. Cụ thể, theo văn bản số 1791/BTP- PLHSHC ngày 24-5-2018 của Bộ Tư pháp, thì Bộ NN-PTNT là cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản và sản phẩm thủy sản trong đó có sản phẩm dạng mắm. Bộ NN-PTNT cũng là cơ quan quản lý nhà nước về chuyên ngành có trách nhiệm công nhận ban vận động thành lập hiệp hội hoạt động trong ngành, lĩnh vực nước mắm. Trước đó, vào tháng 10-2017, Bộ NN-PTNT cũng có văn bản gửi Bộ Nội vụ khẳng định "việc công nhận ban vận động thành lập hiệp hội có lĩnh vực hoạt động chính sản xuất, kinh doanh sản phẩm chế biến thủy sản (dạng mắm) thuộc thẩm quyền của Bộ NN-PTNT".

Như vậy, trải qua gần 2 năm kể từ khi thành lập ban vận động Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam, đến nay hiệp hội vẫn chưa thành lập dù đã gửi văn bản khắp nơi và "cầu cứu" lên tận Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. 

"Bí ẩn" Ban vận động Hiệp hội Nước mắm Việt Nam

Chiều 13-3, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS.TS Trần Đáng, Nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) xác nhận ông là thành viên ban vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm Việt Nam. Tuy nhiên, ông Đáng từ chối trả lời câu hỏi "ai là trưởng ban vận động này?" và cho biết mình chỉ là người được "ủy quyền" công việc của ban vận động vì ở Hà Nội, tiện lo giấy tờ theo yêu cầu của các bộ, ngành. Theo ông Đáng, có khoảng "vài chục" DN nằm trong ban vận động nhưng không cung cấp tên DN cụ thể.

Còn theo TS Trần Thị Dung, hồ sơ đề nghị thành lập "Hội nước mắm Việt Nam" có tên một số người ở Cục An toàn thực phẩm đã về hưu; 6 doanh nghiệp thành viên thuộc Masan và một vài doanh nghiệp muối… Tuyệt nhiên không có một thành viên nào là các nhà sản xuất nước mắm truyền thống.

Ngọc Ánh - Văn Duẩn - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội