Vườn chanh dây tiền tỉ gần thu hoạch bị phá hoại tàn độc

Thứ tư, 20 Tháng 3 2019 13:40 (GMT+7)
Đi thăm rẫy chanh dây, anh Vũ hốt hoảng khi phát hiện 2.000 gốc đã bị kẻ gian phá hoại gần như toàn bộ, gây thiệt hại hàng tỉ đồng.

Ngày 20-3, Công an TP Pleiku, tỉnh Gia Lai cho biết đang cử lực lượng điều tra, làm rõ việc kẻ gian phá hoại vườn chanh dây của người dân trên địa bàn. 

Phản ánh với phóng viên Báo Người Lao Động, anh Lê Anh Vũ (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai), chủ vườn chanh leo ở xã Gào (TP Pleiku), cho biết sau nhiều năm đi làm thuê, anh tích lũy được ít vốn và cùng một người bạn góp tiền thuê 2 ha đất, trồng 2.000 gốc chanh dây ở xã Gào theo hợp đồng liên kết chuỗi giá trị với Công ty Nafood Tây Nguyên.

Vườn chanh dây tiền tỷ gần thu hoạch bị phá hoại tàn độc - Ảnh 1.

2 ha chanh dây của anh Vũ bị kẻ gian phá hoại chỉ trong 1 đêm

Theo anh Vũ, sáng 13- 3, anh ra thăm vườn thì thấy gần như toàn bộ vườn chanh dây đang xanh tốt, chuẩn bị đến kỳ thu hoạch đã bị chặt phá, chỉ còn lại khoảng 120 gốc. Chỉ tình riêng tiền giống, phân bón đầu tư cho vườn chanh dây đã là 500 triệu đồng, chưa kể tiền thuê đất, tiền công chăm sóc…

"Vườn chanh của chúng tôi có tới hơn 40% đạt chất lượng xuất khẩu đi Châu Âu với giá hiện tại là 45.000 đồng/kg. Số còn lại cũng xuất đi Trung Quốc và chanh múc dịch với giá tối thiểu từ 6-10.000 đồng/kg. Chỉ tính riêng vụ chặt này đã thiệt hại khoảng 600 triệu đồng" – anh Vũ than thở và cho biết chanh dây thu được 5 vụ, đây mới là vụ thu đầu, năng suất chưa cao, những vụ sau năng suất sẽ cao hơn gấp 1,5 lần.

Vườn chanh dây tiền tỷ gần thu hoạch bị phá hoại tàn độc - Ảnh 2.

Gốc chanh dây bị kẻ gian chặt hạ không thương tiếc

Anh Vũ cho biết mới thuê lại diện tích này được 7 tháng. Từ khi thuê đất, anh không có bất kì mâu thuẫn, khúc mắc gì với ai. Sau khi xảy ra vụ việc, anh đã báo cáo chính quyền địa phương và Công an TP Pleiku để điều tra, truy tìm kẻ phá hoại.

Ông Nguyễn Công Vương, Phó Giám đốc phụ trách Công ty Nafood Tây Nguyên, cho biết đã nắm được thông tin. Công ty đã cho công nhân xuống tận thu sản phẩm, nhằm giảm nhẹ thiệt hại đối với chủ vườn, thẩm định thiệt hại và báo cáo công ty mẹ để có hướng xử lý thỏa đáng.

Hoàng Thanh - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội