Sau vụ tài xế Grab là trung gian vận chuyển chiếc micro chứa thuốc nổ làm 2 người bị thương, xảy ra tại quận Tân Phú, TP HCM hồi tháng 2-2019 cho thấy việc kiểm soát các loại hàng được thuê vận chuyển đang rất lỏng lẻo từ chính người vận chuyển cho đến cơ quan chức năng. Trong khi đó, vấn đề này còn có nguy cơ cao hơn trong việc giao nhận hàng hóa của xe khách, khi các nhà xe sẵn sàng nhận vận chuyển bất cứ loại hàng nào mà không cần kiểm tra.
Khắp nơi thả nổi
Ngày 13-3, tại trạm xăng trên Quốc lộ 1, đoạn gần chợ Đầu mối Nông sản Thủ Đức (quận Thủ Đức, TP HCM) - nơi tập trung nhiều xe khách chạy đường dài, chúng tôi tìm đến nhà xe H.N để gửi một thùng hành đóng kín về Thanh Hóa. Việc giao nhận rất nhanh gọn bởi nhà xe này chỉ hỏi bên trong chứa gì cùng vài thông tin liên quan về địa điểm, người nhận, số điện thoại. Nhân viên của nhà xe này còn dặn dò là thông báo trước cho người nhận ước chừng thời gian xe đến nơi để ra lấy hàng, đồng thời kèm theo lời hứa là hàng sẽ an toàn.
Hàng hóa chờ xếp lên xe khách ở Bến xe Miền Đông nhưng không được kiểm soát bên trong chứa gì Ảnh: Ý LINH
Không chỉ các xe hoạt động ngoài bến, trong các bến xe liên tỉnh tại TP HCM, tình trạng nhà xe nhận bất kỳ loại hàng nào mà không cần kiểm tra cũng diễn ra. Sáng 19-3, chúng tôi tới Bến xe Miền Đông (BXMĐ - quận Bình Thạnh) và liên hệ nhà xe D.H để gửi hàng về Bình Thuận. Tại quầy, nhân viên nhận hàng kèm theo câu hỏi: "Gửi gì đây?". "Giấy tờ thôi chị" - chúng tôi trả lời. Người này cầm món hàng đã được bọc kín, ước chừng trọng lượng rồi hỏi tên, số điện thoại của người nhận, sau đó ghi những thông tin này lên gói hàng mà không kiểm tra bên trong có đúng là giấy tờ hay không. Chi phí cho gói hàng này là 20.000 đồng và chúng tôi nhận được một biên lai ghi nhận món hàng đã gửi. Toàn bộ giao dịch diễn ra trong vòng 5 phút.
Quầy giao nhận hàng hóa của nhà xe D.H tại Bến xe Miền Đông Ảnh: GIA MINH
Theo quan sát, không chỉ ở nhà xe này mà tại các điểm tập kết hàng của nhiều nhà xe khác tại BXMĐ, hoạt động giao nhận hàng hóa cũng diễn ra tương tự và luôn nhộn nhịp. Các giao dịch được hoàn thành nhanh chóng và những món hàng với đủ kích thước, trọng lượng được nhân viên chất đống bên dưới gầm xe, chờ đẩy vào cốp để kịp thời gian xe xuất bến.
Nguy hiểm hơn, theo tìm hiểu, việc giao nhận hàng trên các tuyến xe khách không chỉ diễn ra ở các quầy ký nhận cố định của nhà xe mà còn được thực hiện dễ dàng ở dọc đường và không có bất kỳ ràng buộc thủ tục nào. Phần lớn việc giao nhận hàng dọc đường phụ thuộc vào quyết định của tài xế các chuyến xe. Chỉ cần tài xế tin tưởng là món hàng sẽ được chuyển về địa chỉ mà người gửi mong muốn với chi phí phụ thuộc vào thỏa thuận với tài xế. Về phía người nhận, chỉ cần đọc đúng tên và số điện thoại ghi trên món hàng là có thể nhận được hàng hóa mà không có ràng buộc nào khác. Đơn cử như ngày 13-3, có mặt trên Quốc lộ 1 tại khu vực gần ngã tư Bình Phước (quận Thủ Đức) và đoạn trước Khu Du lịch Suối Tiên (quận 9), nhiều xe khách liên tục tấp vào lề đường mời chào khách, chỉ cần có nhu cầu đi, lập tức xe mở cửa để khách lên. Riêng hàng hóa, từ lớn đến nhỏ, đóng kín hay không, đều được "lơ" xe đẩy hết vào cốp trong tích tắc.
Biết nguy hiểm nhưng… chịu thua!
"Hầu hết nhà xe không từ chối bất cứ loại hàng hóa nào, chỉ cần đóng kín, gọn gàng. Vì thế, nếu muốn gửi hàng cấm cũng rất dễ, chỉ cần nói "đại" một loại hàng gì đó rồi đóng phí là xong vì trường hợp bị kiểm tra rất hiếm" - anh Thuận, người thường xuyên gửi hàng trên xe khách từ TP HCM về Quảng Bình, nói.
Đánh giá về vấn đề trên, ông Nguyễn Hoàng Huy, Phó Giám đốc BXMĐ, cho rằng việc kiểm soát hàng hóa vận chuyển trên xe khách hiện rất khó khăn. Tại BXMĐ, theo ông Huy, hiện hầu hết doanh nghiệp hoạt động ở bến đều có bãi tập kết hàng hóa bên ngoài. Vì vậy, trường hợp hành khách gửi hàng nhưng không theo xe, khi xe vào bến thì phía bến xe chỉ có thể kiểm tra việc sắp xếp, phân loại hàng hóa, thông tin về loại hàng được doanh nghiệp báo..., theo hướng dẫn từ Thông tư 35 của Bộ Giao thông Vận tải. Còn để kiểm tra từng loại hàng, bên trong chứa gì thì hiện nay bến xe chưa làm được và cũng không có công cụ kỹ thuật hỗ trợ. Vì vậy, chỉ khi phát hiện có nghi vấn chở hàng cấm thì mới phối hợp với các lực lượng khác kiểm tra và xử lý. Ông Huy cũng cho biết thêm, hàng hóa của nhà xe khi vào bến đều đã được niêm phong trước đó, vì vậy rất phức tạp trong khâu kiểm tra (!?).
Ông Trần Quốc Khánh, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP HCM, nhìn nhận việc vận chuyển hàng trên xe khách nhưng không kiểm soát được bên trong chứa gì tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là các chất dễ nổ.
Ông Khánh thừa nhận lực lượng thanh tra giao thông rất khó phát hiện và không đủ thẩm quyền để kiểm tra từng loại hàng. Vì vậy, nhiều trường hợp chở hàng cấm nhưng chỉ được phát hiện thông qua việc xử phạt các lỗi vi phạm khác như xe quá tải, chở quá số người, hàng hóa cồng kềnh...
Mặt khác, ông Khánh cũng cho biết hàng cấm vận chuyển có nhiều danh mục khác nhau và tùy theo đó, chuyên môn cũng như thẩm quyền cũng khác nhau. "Chẳng hạn như trường hợp chở động vật quý hiếm, thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc ma túy, thuốc nổ..., thì lực lượng chuyên ngành cũng khác nhau và phải phối hợp đồng bộ mới xử lý được" - ông Khánh nói.
Bến xe Miền Đông mới sẽ có máy soi
Theo ông Nguyễn Hoàng Huy, BXMĐ từng đề xuất xây dựng một khu giao nhận hàng hóa tập trung ở BXMĐ mới. Theo đó, hàng hóa được khách gửi tại bến hoặc nhà xe tập kết bên ngoài đưa vào sẽ được tập trung lại. Thông qua hệ thống máy soi được đầu tư, bến xe sẽ kiểm tra hàng hóa bên trong, từ đó phân loại hoặc dễ dàng phát hiện các loại hàng cấm.
Tuy nhiên, ông Huy cũng cho rằng nếu thực hiện giải pháp này thì cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều đơn vị chức năng. Lý do là tùy theo danh mục hàng cấm sẽ có những lực lượng chuyên trách để kiểm tra, xử lý, còn bến xe không đủ chuyên môn cũng như thẩm quyền.