Chiều 22-3, Ban An toàn giao thông (ATGT) TP HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn TP năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019.
Huyện Bình Chánh: Một năm có 143 người chết
Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng Ban Chuyên trách Ban ATGT TP HCM, năm 2018, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) giảm cả 3 mặt về số vụ, số người chết và số người bị thương so với năm 2017. Tuy nhiên, tại nhiều quận, huyện, TNGT vẫn rất phức tạp, tồn tại tới 16 "điểm đen" tai nạn. Đặc biệt, Bình Chánh là huyện có tỉ lệ TNGT cao nhất, chiếm hơn 20% TNGT toàn TP. Riêng năm 2018, Bình Chánh xảy ra 142 vụ TNGT, làm chết 143 người và bị thương 12 người (tăng cả 3 mặt so với cùng kỳ năm 2017). Dù vậy, huyện chưa có giải pháp hiệu quả để kéo giảm TNGT theo mục tiêu chung của TP.
Ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết có nhiều nguyên nhân khiến TNGT trên địa bàn huyện gia tăng. Ngoài việc tuyên truyền chưa hiệu quả, huyện Bình Chánh đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, nhiều khu công nghiệp và dân cư liên tục gia tăng. Trong khi đó, hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện còn nhiều hạn chế, nhiều tuyến đường chưa được đầu tư, thiếu dải phân cách... Thậm chí ở nhiều khu vực, quá trình nông thôn mới phát triển đến đâu thì TNGT tăng đến đó.
Ùn tắc tại TP HCM vẫn diễn biến phức tạp
Trước thực trạng trên, năm 2019, huyện Bình Chánh đặt mục tiêu kéo giảm TNGT từ 10%-20%, cao hơn mục tiêu chung của toàn TP. Để thực hiện, lãnh đạo huyện cho biết sẽ tiếp tục tuyên truyền và tập trung vào từng nhóm đối tượng cụ thể. Đồng thời, tăng cường các biện pháp kiểm soát tình hình giao thông; rà soát, cải tạo các tuyến đường và gắn dải phân cách phù hợp...
Cũng là một địa bàn phức tạp nhưng tại quận Bình Tân, TNGT năm 2018 đều giảm cả 3 tiêu chí so với năm 2017. Ông Lê Văn Thinh, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho rằng để thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm trật tự ATGT cần chủ động nghiên cứu, khảo sát để xây dựng các kế hoạch, nội dung phù hợp tình hình thực tế trên địa bàn. Cụ thể, phân tích, xác định thời gian, nguyên nhân thường dẫn đến TNGT, các lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đã điều chỉnh thời gian, tuyến đường, địa bàn bố trí lực lượng, tăng tần suất kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính. Cùng với đó, tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nồng độ cồn, xe quá tải, lưu thông đường cấm…
Về tình hình ùn tắc giao thông, theo ông Nguyễn Ngọc Tường, năm 2018, tại TP HCM không xảy ra ùn tắc giao thông trên 30 phút nhưng ùn ứ vẫn thường xuyên xảy ra và phức tạp. Nguyên nhân chính là do lượng phương tiện đông, sự cố tai nạn hoặc ảnh hưởng bởi các công trình thi công… Riêng vấn đề mất trật tự lòng lề đường vẫn diễn ra. Trong số 157 tuyến đường mà các quận, huyện đăng ký là "đường mẫu" vẫn không bảo đảm thông thoáng như cam kết.
Đồng bộ các giải pháp
Năm 2019, TP HCM đặt ra mục tiêu tiếp tục kìm hãm TNGT, kéo giảm từ 5% - 10% trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương). Theo đó, TP sẽ tập trung vào các giải pháp nâng cao năng lực quản lý, tuần tra, kiểm soát; tập trung xử lý các hành vi vi phạm có nguy cơ cao dẫn đến TNGT. Riêng mục tiêu kiềm chế ùn tắc giao thông, cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đột phá về hạ tầng, sự phối hợp trong công tác quản lý, áp dụng công nghệ. Đặc biệt, tập trung quản lý việc thực hiện quy hoạch và trật tự đô thị, đánh giá tác động giao thông đối với các công trình xây dựng lớn trong khu vực nội đô…
"Năm 2019 sẽ tiếp tục triển khai các kế hoạch lập lại trật tự lòng lề đường và có phương án quản lý sử dụng vỉa hè trên địa bàn TP, bảo đảm quyền ưu tiên cho người đi bộ. Các giải pháp thực hiện sẽ dựa trên cơ sở có sự đồng thuận của người dân và không ảnh hưởng đến đời sống những người phụ thuộc vỉa hè" - ông Tường khẳng định.
Chủ trì cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM, đánh giá tình hình TNGT trên địa bàn TP năm 2018 được kéo giảm trên cả 3 mặt, đó là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, TP vẫn còn tới 16 điểm đen tai nạn và diễn biến phức tạp nên chủ tịch UBND TP yêu cầu Công an TP, chủ tịch 24 quận, huyện phải tiếp tục thực hiện quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp.
Về tình hình lập lại trật tự lòng lề đường, chủ tịch UBND TP nhìn nhận đang có tiến triển nhưng vẫn khó khăn. Mỗi địa phương đều có những đặc thù khác nhau nên cần xây dựng các đề án, kế hoạch riêng chứ không chung chung. "Những mô hình nào đã thực hiện hiệu quả thì nhân rộng, làm sao tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân để lòng đường, vỉa hè thông thoáng" - ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu.
Đẩy nhanh tiến độ các công trình cấp bách
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nhìn nhận cơ sở hạ tầng giao thông đô thị tại TP hiện đang chịu áp lực nặng nề trước mật độ dân cư, phương tiện cá nhân liên tục gia tăng. Trong năm 2019, chủ tịch UBND TP yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án, công trình giao thông mang tính cấp bách, trong đó cần ưu tiên hoàn tất các thủ tục đầu tư; đẩy mạnh tái cơ cấu lĩnh vực vận tải, nâng cao hiệu quả của các loại hình vận tải hành khách công cộng...
Gia Minh - (nld.com.vn)
T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)