Thường trực Hội đồng Trị sự khu vực phía Bắc vừa đề xuất hòa thượng - chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra quyết định tạm đình chỉ tất cả chức vụ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng (tỉnh Quảng Ninh). Chiều 27-3, trụ trì chùa Ba Vàng Thích Trúc Thái Minh cho hay: "Tôi là một thành viên trong giáo hội nên giáo hội có quyết định thế nào thì mình thực hiện thôi".
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh - cho biết bà Phạm Thị Yến (SN 1970, Phật tử pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cúc Vàng) hiện không có mặt tại nơi đăng ký hộ khẩu là phường Quang Trung, TP Hạ Long.
Trong ngày 26 và sáng 27-3, lực lượng chức năng đã xuống nhà bà Yến ra quyết định xử phạt hành chính về hành vi lợi dụng hoạt động thỉnh vong, gọi hồn để hành nghề mê tín dị đoan với mức phạt là 5 triệu đồng. Tuy nhiên, bà Yến không có ở nhà. Con trai của bà Yến xác nhận hộ khẩu của bà Yến vẫn ở phường Quang Trung nhưng sau khi rời khỏi chùa, bà không trở về nhà. Con trai bà đã nhận quyết định thay mẹ và đã nộp phạt ngay trong ngày 27-3.
Trụ trì chùa Ba Vàng Thích Trúc Thái Minh pháp giảng trước các Phật tử Ảnh: TRỌNG ĐỨC
Còn bà Phạm Thị Thúy (ngụ phường Giếng Đáy, TP Hạ Long; chị gái bà Yến) cho hay từ khi ra tòa ly hôn, bà Yến để lại hết tài sản, nhà cửa cho chồng và 2 con. "Nó nương tựa cửa chùa thì cần gì. Lâu lắm rồi, Yến cũng không liên lạc gì với chị em trong gia đình" - bà Thúy nói.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, công an đang tập trung xác minh, thu thập tài liệu về việc bắt ma, thỉnh oan gia trái chủ và các hành vi trục lợi, vi phạm về sinh hoạt tôn giáo tại chùa Ba Vàng của bà Yến. Tuy nhiên, công an hiện vẫn chưa triệu tập bà này.
Ông Hà khẳng định các hoạt động sai trái xảy ra ở chùa nên trụ trì Thích Trúc Thái Minh cũng phải chịu trách nhiệm. UBND TP Uông Bí đã đề nghị cơ quan công an tiếp tục thu thập chứng cứ, thông tin rộng rãi đối với những ai thuộc đối tượng bị hại thì trình báo với cơ quan công an.
"Đây là xử lý ban đầu và với khung hình phạt này thì đã xử lý hết khung. Các hành vi tiếp theo, chúng tôi đang xử lý và xin ý kiến cấp trên. Nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự thì cơ quan công an củng cố chứng cứ để xử lý" - ông Hà nói và cho biết từ trước đến nay, TP chưa hề nhận được phản ánh của người dân về việc bị cưỡng ép thu tiền mà đều nói là cúng dường.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Luật sư Lê Văn Thiệp (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng các hoạt động như thỉnh vong, gọi hồn tại chùa Ba Vàng đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, trái với giáo lý của đạo Phật. Do đó, hoàn toàn có thể khởi tố vụ án "Hành nghề mê tín dị đoan" theo khoản 2-3 điều 320 Bộ Luật Hình sự.
Ngoài ra, việc bà Phạm Thị Yến lấy vụ nữ sinh ở Điện Biên bị sát hại ra để làm ví dụ là một hành vi tàn ác và vi phạm pháp luật. Một người tu hành có hành vi trái với giáo lý của đạo Phật, gây hoang mang, lo sợ nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, đã có dấu hiệu của tội "Cưỡng đoạt tài sản".
Đồng quan điểm với luật sư Lê Văn Thiệp, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng cơ quan điều tra cần khởi tố vụ án về hành vi "Hành nghề mê tín dị đoan". Cơ quan điều tra nếu chứng minh hành vi vi phạm của những người liên quan thì có thể tiếp tục khởi tố bị can. Ngoài ra, các hoạt động thỉnh vong, gọi hồn tại chùa Ba Vàng cũng có dấu hiệu "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Trong trường hợp này, truy tìm các bị hại rất khó bởi đa số những người liên quan đều tự nguyện, không cho rằng mình là bị hại. Do vậy, sẽ không ai trình báo, tố cáo bà Yến hoặc chùa Ba Vàng cưỡng đoạt số tiền này. Ở đây, bà Yến đã sử dụng biện pháp tâm linh, tức là mê tín dị đoan, để nhằm chiếm đoạt các tài sản đó. Do vậy, việc điều tra xử lý theo hướng hành nghề mê tín dị đoan là hợp lý.
Sung công quỹ tiền bất chính
Theo luật sư Trần Tuấn Anh, nếu cơ quan điều tra chứng minh được bà Phạm Thị Yến hoặc chùa Ba Vàng thu tiền về hành nghề mê tín dị đoan thì có thể tịch thu sung công quỹ, không cần chứng minh người bị hại vì đây là tài sản bất chính mà có.