Kiên Giang: Chính quyền 'hô biến' đất dân thành đất doanh nghiệp?

Thứ năm, 04 Tháng 4 2019 14:45 (GMT+7)
Những sai phạm khi thu hồi đất để triển khai xây dựng dự án du lịch biển đã làm nhiều hộ dân bị mất hàng nghìn mét vuông đất do chính họ khai khẩn.

Thời gian qua, nhiều hộ dân có nhà đất tại ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc liên tục có đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng về vấn đề này. Được biết, Dự án du lịch biển do Công ty TNHH Một thành viên May thêu - Thương mại Lan Anh làm chủ đầu tư.

Trường hợp mất đất của hộ bà Đặng Thu Vân, thường trú tại ấp Lê Bát, xã Cửa Cạn là một ví dụ điển hình.

Lô đất của bà Đặng Thị Thu Vân đã bị Công ty TNHH Một thành viên May thêu - Thương mại Lan Anh cho người rào lại, mở cổng đưa container vào làm văn phòng và nhà ở.

Theo đơn của bà Vân gửi báo, năm 2006, bà mua của bà Huỳnh Thị Tiêu 19.000 m2 đất. Năm 2007, bà Vân mua tiếp của bà Huỳnh Thị Chơn 6.000 m2 đất nữa. Tổng cộng 25.000 m2. Đây đều là đất có nguồn gốc hợp pháp, thừa kế của hai chị em gái bà Tiêu và bà Chơn tại ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, do bà Phù Kim Vui là mẹ của họ để lại. Cũng từ đó, bà Vân lập Công ty TNHH Một thành viên Thiên Vân Phú Quốc, lập phương án đầu tư xin UBND tỉnh Kiên Giang cấp Giấy Chứng nhận đầu tư du lịch sinh thái tại đây.

Tuy nhiên, trả lời đơn thư của bà Vân và Công ty TNHH Một thành viên Thiên Vân Phú Quốc, tại công văn số 1184/BQLKKTPQ-QLĐT, ngày 27/12/2017, Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Quốc nêu: “Theo quy hoạch phân khu du lịch Bà Kèo - Cửa Lấp, tỷ lệ 1/2000, được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt tại Quyết định số 431/QĐ-UBND, ngày 20/02/2013 thì vị trí Công ty TNHH Một thành viên Thiên Vân Phú Quốc xin đầu tư có chức năng sau: Khoảng 1,99 ha thuộc chức năng đất dự án du lịch, khoảng 0,35 ha thuộc chức năng mặt nước. Vị trí này đã được UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty TBHH May thêu - Thương mại Lan Anh thực hiện dự án kinh doanh du lịch Lan Anh Resort theo Quyết định số 131/DA-UBND, ngày 26/01/2005. Do vậy, Ban Quản lý kinh tế Phú Quốc không có cơ sở xem xét”. 

Công ty Lan Anh đã cho người đến đây dựng tường rào, xây cổng kiên cố, đồng thời đặt container làm chỗ ở và lập thành văn phòng dự án. Không những vậy, họ còn cho người ngang nhiên đập phá và dỡ mang đi của gia đình bà Vân một ngôi nhà cấp bốn có diện tích sử dụng 350 m2. “Đặc biệt khó hiểu và điều khiến tôi nghi ngờ là khi nhà cửa, tài sản trên đất của gia đình tôi bị đập phá, tháo dỡ, di dời trái phép còn có cả một số cán bộ địa chính xã Dương Tơ cũng có mặt”, bà Vân nhấn mạnh.  

Theo tư liệu chúng tôi thu thập được, số đất 25.000 m2 nói trên của bà Vân có nguồn gốc đất canh tác nông nghiệp, thuộc quyền sử dụng của ông Bùi Văn Khánh, cán bộ Ban Tài chính giá cả huyện Phúc Quốc từ năm 1987. Điều này đã được UBND huyện Phú Quốc chấp thuận và thừa nhận. Theo đó, ngày 27/7/1987, tại đơn xin cấp đất cất nhà và sản xuất của mình, ông Khánh được cấp 6.000 m2 đất canh tác với kích thước 40m x 150m, phía Bắc giáp phần đất của Trường cấp II Dương Tơ, phía Nam giáp đất nhà ông Ba Nghĩa, phía Đông giáp mặt tiền đường Cửa Lấp - An Thới và phía Tây giáp con rạch chạy ra biển. 

Ngày 22/2/1990, ông Khánh có đơn xin nhượng phần đất nói trên cho vợ chồng bà Phù Kim Vui. Đi kèm khu đất chuyển nhượng là một căn nhà cấp 4 có diện tích 350 m2, 100 cây dừa và 300 cây đào. Đơn này đã được UBND huyện Phú Quốc xác nhận và chấp thuận ngày 19/3/1990. Sau khi mua được đất, vợ chồng bà Vui khai khẩn mở rộng đất thêm ra phía Bắc và phía Tây, hướng ra biển để cất nhà và canh tác sinh sống. Việc khai khẩn này của gia đình bà Vui đã được Ban Nhân dân ấp Cửa lấp xác nhận và kính chuyển các cấp có thẩm quyền xem xét ngày 21/10/1992 do ông Nguyễn Văn Long, Phó ấp ký.  

Đây chính là phần đất 25.000 m2 do mẹ con bà Vui bán cho bà Vân sử dụng và đóng thuế nhiều năm. Vậy mà sau đó, các cấp chính quyền ở tỉnh Kiên Giang tự dưng lại giao toàn bộ số đất của bà Vui và bà Vân nói trên cho Công ty TNHH Một thành viên May thêu - Thương mại Lan Anh sử dụng  thực hiện dự án xây dựng khu du lịch sinh thái Lan Anh Beach Resort mà không đền bù cho những chủ nhân lô đất đồng nào.

Trước tình hình này, trong nhiều năm qua, các bà Vui và bà Vân liên tục gửi đơn khiếu kiện đến các cấp, các cơ quan chức năng. Vụ việc đã được Văn phòng Chính phủ ban hành nhiều công văn chuyển đơn của họ đến UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu xem xét, giải quyết thoả đáng theo thẩm quyền. Tuy nhiên, từ đó đến nay vụ việc vẫn chưa được cấp nào ở đây đứng ra giải quyết.

Trong khi đó, việc cấp đất làm dự án du lịch cho Công ty TNHH Một thành viên May Thêu - Thương Mại Lan Anh của UBND đã và đang có rất nhiều điều khuất tất. Trong tình hình đang xảy ra tranh chấp, căn cứ vào đâu UBND tỉnh Kiên Giang cấp hàng chục nghìn mét vuông đất nói trên cho Công ty TNHH May thêu - Thương mại Lan Anh? Đã cấp đất tranh chấp cho doanh nghiệp như vậy lại không hề thoả thuận đền bù bất kỳ đồng nào cho dân? Nếu tính từ khi triển khải dự án đến nay đã được 14 năm, quá thời hạn theo luật cho phép đã lâu vẫn không xây dựng, sao dự án không bị thu hồi? Đất của bà Đặng Thu Vân và bà Phù Kim Vui có đầy đủ nguồn gốc hợp pháp và quyền sử dụng chính đáng, không trái với quy hoạch sử dụng đất, tại sao không được các cấp chính quyền ở đây cho phép họ triển khai dự án đầu tư? 

Theo điều tra của phóng viên, hiện đây vẫn đang là một trong nhiều điểm nóng tranh chấp đất đai ở Phú Quốc. Để bảo vệ chủ quyền lô đất của mình, có lần bà Vân thuê người cẩu chiếc container ra khỏi địa phận nói trên, song một thời gian sau, Công ty TNHH Một thành viên May thêu - Thương mại Lan Anh lại cho người cẩu chiếc container đó đặt trở lại án ngữ ngay mặt tiền khu đất. Nếu không có sự giải quyết thấu đáo, kịp thời của các cấp chính quyền vụ việc này, chắc chắn tình hình sẽ phức tạp hơn và xảy ra những hậu quả khó lường. Đề nghị các cấp chính quyền tỉnh Kiên Giang trả lời và giải quyết thỏa đáng, đem lại công lý, công bằng xã hội.

Nhóm PV - (giadinhvaphapluat.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội