Ông Nguyễn Văn Học - Chủ tịch UBND huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên - cho biết bé trai 7 tuổi tên Đ. bị đàn chó cắn chiều tối 3-4 đã tử vong tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) sau khi vào viện khoảng 1 giờ do vết thương quá nặng. UBND huyện Kim Động đã chỉ đạo lực lượng công an điều tra làm rõ.
Gia đình cháu quê ở tỉnh Bắc Ninh nhưng ở và làm việc tại huyện Kim Động từ năm 2007. Chủ nhà (nuôi chó) và gia đình nạn nhân là chỗ thân tình, thường giúp đỡ nhau. Chiều 3-4, khi Đ. đi chơi về thì đàn chó gồm 6 con chạy ra chào mừng như người chủ nhưng không hiểu vì sao lại cắn cháu. Nạn nhân được chuyển đi cấp cứu ở bệnh viện trong tình trạng ngưng tim, mất nhiều máu, đồng tử giãn.
Một người dân sống gần nhà trọ mà gia đình nạn nhân đang ở cho biết trước khi trường hợp cháu Đ. xảy ra thì đàn chó này đã cắn nhiều người ở địa phương.
Tại TP HCM, trên một số tuyến đường Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp), Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), Phổ Quang, Nguyễn Công Hoan và Vũ Huy Tấn (quận Phú Nhuận) thường xuyên diễn ra cảnh chó chạy rông ngoài đường, không có sự kiểm soát của người nuôi. Thật khó để biết con chó nào đã được tiêm phòng bệnh dại và các bệnh truyền nhiễm khác.
Đây là những con chó đã cắn bé trai 7 tuổi tử vong ở Hưng Yên Ảnh: HUY THANH
Khi phóng viên đến trụ sở Đội bắt chó thả rông (trên đường Lý Chính Thắng, phường 9, quận 3) - đơn vị chuyên trách bắt chó thả rông ở TP HCM - thì được tin đội đã ngừng hoạt động từ tháng 8-2018. Một nhân viên cho biết ngừng hoạt động vì không có đủ nhân sự đi bắt chó thả rông dù nhiều phường gửi công văn đề nghị hỗ trợ.
Chiều 4-4, ông Nguyễn Văn Long, Trưởng Phòng Dịch tễ của Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), khẳng định các quy định của pháp luật về trách nhiệm của người nuôi chó là đầy đủ, cụ thể nhưng việc tổ chức thực hiện của chính quyền cấp xã và người nuôi chưa nghiêm, dẫn đến nhiều vụ việc đau lòng. Ông Long cho biết người nuôi chó phải đăng ký với chính quyền cấp xã và cam kết xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình. Với trường hợp cháu Đ. ở Hưng Yên, ông Long phân tích trước hết chủ nuôi chó phải chịu xử phạt hành chính về hành vi không đeo rọ mõm cho vật nuôi, mức phạt từ 600.000 - 800.000 đồng/con chó. Ngoài ra, chủ chó còn bị xử phạt trong trường hợp chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn chó. Đàn chó đã tấn công làm thiệt hại tính mạng con người nên việc xử lý chủ chó sẽ theo quy định tại điều 603 Bộ Luật Dân sự năm 2015, trường hợp đặc biệt có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Lê Ngọc Phụng (Đoàn Luật sư TP HCM) phân tích: Chủ sở hữu đàn chó phải chịu trách nhiệm bồi thường về dân sự khi đàn chó cắn người. Tuy nhiên, trường hợp đàn chó nuôi cắn người, chủ nuôi chó có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không thì phải căn cứ vào tình hình cụ thể. Nếu chó tự cắn người, không có sự can thiệp của người chủ nuôi thì người chủ nuôi sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu có can thiệp, ví dụ xua chó cắn người dẫn đến hậu quả người bị chó cắn bị thương tích hoặc tử vong thì người chủ nuôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Cố ý gây thương tích" hoặc tội "Giết người".
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo luật sư Trần Xuân Tiền, Văn phòng Luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), ngoài phạt hành chính và đền bù thiệt hại cho gia đình nạn nhân, chủ nuôi chó cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội "Vô ý làm chết người" nếu biết thả chó có thể gây nguy hiểm cho người khác nhưng vẫn cố tình thả và tin chắc có thể ngăn chặn được hậu quả nhưng hậu quả vẫn xảy ra dẫn đến cái chết của cháu Đ.