Bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế - cho biết ngày 8-4, Cục ATTP đã đề nghị Mạng lưới Cơ quan ATTP quốc tế (INFOSAN) thông tin về việc sản phẩm tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật Bản cũng như nguyên nhân bị thu hồi. "Về nguyên tắc khi có bất cứ sự cố nào về thực phẩm bị cấm hay có chứa chất nguy hiểm có thể đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng, INFOSAN sẽ cảnh báo ngay để thu hồi" - bà Nga nói.
Nhật cho phép dùng nhưng tương ớt thì không
Theo bà Nga, axít benzoic là phụ gia thực phẩm (chống nấm mốc) được Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm quốc tế (Codex - Việt Nam và Nhật Bản đều là thành viên) cho phép sử dụng với hàm lượng nhất định. Hiện có 186 nước là thành viên của Codex. Tại Việt Nam, phụ gia thực phẩm axít benzoic cũng được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm và được sử dụng với hàm lượng tối đa 1 g/kg sản phẩm tương ớt.
Tương ớt - sản phẩm gia vị được sử dụng khá phổ biến trong các gia đình tại Việt Nam
Lý giải việc Nhật Bản cấm dùng tương ớt Chin-su có chất chống mốc trong khi hàng trăm quốc gia vẫn cho sử dụng chất này với hàm lượng nhất định, bà Nga cho biết theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), những quốc gia nếu áp dụng tiêu chuẩn của Codex thì không phải cung cấp bằng chứng. Còn những quốc gia không sử dụng phải có bằng chứng chứng minh về tổng quan sử dụng thực phẩm của nước họ và lý do không quy định đối với các phụ gia trong từng đối tượng thực phẩm cụ thể. "Nhật Bản vẫn cho phép sử dụng phụ gia axít benzoic mà chỉ không cho phép dùng trong tương ớt. Ngoài ra, theo quy định tại Danh mục sử dụng phụ gia ở Nhật Bản ban hành cuối năm 2018, chất này được phép sử dụng trong nước tương (xì dầu) với hàm lượng 0,6 g/kg; trứng cá: 2,5 g/kg; siro: 0,6 g/kg; bơ thực vật: 1 g/kg... Có thể khi người dân sử dụng một sản phẩm gia vị trong số này với số lượng lớn (như xì dầu) thì họ sẽ quy định chất này không được có trong gia vị khác" - bà Nga giải thích.
Bà Nga cho biết ngày 8-4, cục có văn bản gửi Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu xác minh thông tin về việc sản phẩm tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật Bản hay không?
Ăn nhiều mới độc
Bà Nga cũng khẳng định axít benzoic không phải là chất cấm mà là chất bảo quản được sử dụng với hàm lượng nhất định. Hàm lượng này đã được Codex hướng dẫn về thực phẩm và các tài liệu liên quan như quy phạm thực hành theo Chương trình Tiêu chuẩn Thực phẩm của FAO/WHO để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Trong cam kết thương mại, tiêu chuẩn về thực phẩm của Codex là tham chiếu khoa học trong các tranh chấp thương mại. Do đó, các tiêu chuẩn thực phẩm của Việt Nam là phù hợp với tiêu chuẩn của quốc tế. Khi các phụ gia thực phẩm có mặt trong bảng tiêu chuẩn Codex thì phải thông qua Ủy ban Về phụ gia thực phẩm của Codex và phải trải qua các bước đánh giá an toàn, cách sử dụng nghiêm ngặt. Thông thường để đánh giá một phụ gia thực phẩm trước khi đưa vào danh mục của Codex phải mất 8 bước với thời gian lên tới 5-7 năm thậm chí 10 năm. Axít benzoic có trong danh mục phụ gia bảo quản thực phẩm của Codex. Dù là tiêu chuẩn chung nhưng cũng có nhiều phụ gia thực phẩm nước này cấm, nước kia không. "Thực tế, ở Nhật Bản cũng có một số chất bảo quản được phép đưa vào thực phẩm nhưng ở Việt Nam thì cấm như chất tạo nạc ractopamin" - bà Nga nói.
PGS-TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế), khẳng định axít benzoic chỉ có dùng vượt ngưỡng mới độc hại. Đây là phụ gia chống mốc rất phổ thông, không có phụ gia này thì thực phẩm sẽ rất nhanh hỏng.
Cùng quan điểm này, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội) cũng cho rằng quan trọng là thực phẩm đó có cho quá hàm lượng cho phép hay không? Theo PGS Thịnh, Codex có cho phép sử dụng chất này để bảo quản thực phẩm với hàm lượng 0,1% trong sản phẩm. Ở Việt Nam, quy định của Bộ Y tế cũng cho phép sử dụng phụ gia này với nồng độ tối đa 0,1%, tức 1 g/lít, 1 g/kg. Trong tương ớt Chin-su chỉ ở mức 0,41 - 0,45 g/kg, thấp hơn tiêu chuẩn tối đa cho phép gấp nhiều lần. PGS Thịnh phân tích thêm đối với con người, khi vào cơ thể, nó tác dụng với glucocol chuyển thành axít purivic không độc, thải ra ngoài. Liều lượng gây độc ở người là 6 mg/kg thể trọng. Một người nặng 60 kg thì ăn 360 mg mới có khả năng bị độc. Như vậy, với nồng độ axít benzoic có trong tương ớt Chin-su, phải ăn cả lít tương ớt mỗi ngày mới bị ảnh hưởng.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân cần bình tĩnh và lắng nghe các quy định của cơ quan nhà nước về hàm lượng sử dụng theo các tiêu chuẩn đã được quốc tế cho phép và đánh giá mức độ an toàn.
Công ty Nghiên cứu Thị trường Tương lai (MRFR - Ấn Độ) mới đây cũng đưa ra nghiên cứu dự báo doanh thu của thị trường sử dụng axít benzoic sẽ tăng trưởng đáng kể vào năm 2023. Sự thay đổi lối sống và xu hướng của người tiêu dùng đối với thực phẩm chế biến sẵn, đóng gói, đóng hộp và đông lạnh đã thúc đẩy gia tăng sử dụng axít benzoic. Theo trang nghiên cứu thị trường Market Research Gazette (Anh), châu Á - Thái Bình Dương là khu vực sử dụng axít benzoic nhiều nhất do ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống đang phát triển và mức sống người dân được cải thiện.
X.Mai