Chủ trương xây dựng mô hình cánh đồng lớn (CĐL) một thời được xem là một trong những giải pháp tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng.
Không lớn mà còn nhỏ dần
Thời điểm đó, cả doanh nghiệp (DN), người nông dân và chính quyền đều háo hức với viễn cảnh những cánh đồng có sự liên kết bền chặt giữa sản xuất và tiêu thụ, giảm đi tình trạng ai sản xuất thì cứ sản xuất, ai thu mua thì cứ đi thu mua.
Nhưng nhìn lại, CĐL hình như không lớn ra mà đang nhỏ dần. DN thì than khát vốn, người nông dân thì than đầu ra gặp khó. Rồi cứ mỗi mùa vụ lại có tình trạng "lật kèo", hợp đồng liên kết bị phá vỡ, khi thì do bên bán khi thì lại do bên mua. Niềm tin gầy dựng được mùa trước lại mất đi ở mùa sau. Chính quyền đôi khi lại loay hoay, bất lực. Lại có ý kiến cho rằng các hợp đồng liên kết, tiêu thụ không đủ yếu tố ràng buộc, thậm chí là chế tài bên này, bên kia.
Nhìn lại một số CĐL, việc liên kết với DN chưa được tổ chức một cách rõ ràng, hợp tác giữa người sản xuất còn lỏng lẻo. Trước khi nói đến liên kết với DN thì phải định hình cho được hình thức hợp tác giữa những người sản xuất với nhau. DN rất khó liên kết với hàng trăm hộ trong một CĐL mà cần có những người đại diện thực thụ, có pháp nhân hẳn hoi. Đó là những HTX kiểu mới được lãnh đạo bởi những người có đủ kiến thức thị trường, có kỹ năng quan hệ với DN.
Khi liên kết với doanh nghiệp trong việc xây dựng cánh đồng lớn, người nông dân không sợ bị thương lái ép giá Ảnh: NGỌC TRINH
HTX không chỉ theo đuổi lợi nhuận mà còn đem lại lợi ích cho thành viên, bằng cách giảm chi phí sản xuất nhờ mua chung vật tư đầu vào, tăng chất lượng đầu ra nhờ sản xuất chung một quy trình theo yêu cầu của DN và hướng dẫn của các nhà khoa học.
Một khi CĐL chỉ hình thành nhằm một mục tiêu duy nhất là liên kết với DN mà bỏ qua hợp tác giữa người sản xuất như thời gian qua thì sẽ không bền vững, vì ngay cả DN cũng có thể đối mặt với rủi ro thị trường.
Nông dân và HTX phải bình đẳng
Như vậy, CĐL về bản chất là một hình thức tổ chức lại sản xuất trước rồi mới tính đến chuyện liên kết với DN tiêu thụ và hướng đến phát triển thành các chuỗi ngành hàng. Các bước đi đó cũng là quá trình nâng dần niềm tin giữa các chủ thể, trước hết là nông dân và DN. Niềm tin đó chỉ có được khi các bên tham gia cùng xây dựng kế hoạch hợp tác dài hạn chứ không dừng lại chuyện mua bán trong từng mùa vụ, thương vụ. Khi có kế hoạch xây dựng chuỗi ngành hàng, cơ chế chính sách về đầu tư hạ tầng, tín dụng của nhà nước sẽ rõ ràng và cụ thể hơn, đáp ứng nhu cầu của các bên tham gia chuỗi.
Mặt khác, cần xem CĐL chỉ là một trong những "phương tiện" để tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo. Muốn CĐL phát triển thì chính quyền, hội nông dân, với sự đồng hành, hỗ trợ của DN xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất quy mô lớn mới có thể phát triển bền vững. CĐL không thể cùng tồn tại với cách làm nhỏ lẻ, phân tán mà phải xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hợp tác, HTX kiểu mới.
CĐL là tiền đề giúp hình thành các chuỗi ngành hàng lúa gạo, muốn vậy, người nông dân phải được hiểu thế nào là lợi ích khi tham gia vào chuỗi. Đó là, khi tham gia vào chuỗi ngành hàng, người nông dân ngoài hưởng được lợi nhuận từ khâu sản xuất, còn có thể tham gia vào một hoặc một số công đoạn trong chuỗi đó. Người nông dân, HTX được bình đẳng cùng tham gia thảo luận, xây dựng các chuỗi ngành hàng thỏa mãn nhu cầu và điều kiện của các bên tham gia. Đó mới chính là yếu tố tiên quyết cho sự gắn kết và mở rộng các CĐL.
GS-TS VÕ TÒNG XUÂN, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ:
Hợp tác với DN để không bị ép giá
Khi hợp tác với DN để thực hiện CĐL, chắc chắn phần đất của nông dân phải chịu mất đi khoảng 10% diện tích để DN cải tạo lại đồng ruộng, kênh mương và cả khâu vận chuyển hàng hóa. Tuy vậy, nông dân sẽ được lợi nhiều hơn vì lúa cho năng suất cao, chi phí thấp, lợi nhuận như mong muốn. Chỉ vài năm sau, nông dân cũng có thể mua cổ phần của DN để được chia thêm phần lợi nhuận. Khi đó, họ mới thật sự trở thành nông dân kiểu mới, không còn chịu cảnh bị thương lái ép giá mỗi khi thị trường có biến động bất thường.
Trước tiên, DN đi tìm hiểu tại các thị trường lớn như Trung Quốc để xem họ đang cần gì. Sau khi nắm bắt được nhu cầu, DN quay về nhờ địa phương hỗ trợ vận động nông dân tham gia liên kết sản xuất trên quy mô lớn để sản phẩm làm ra đủ đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và sạch.
TS kinh tế TRẦN HỮU HIỆP:
Cần cải cách toàn diện, mạnh mẽ
Những bất ổn nội tại của CĐL bộc lộ ngày càng rõ hơn như: Liên kết giữa nông dân và DN vẫn lỏng lẻo; nền tảng pháp lý và chế tài xử lý không rõ ràng, khi có biến động thị trường, chuyện "bẻ kèo" diễn ra từ hai phía mà bên thiệt hại khó làm gì được nhau. DN đầu tư, ứng giống cho nông dân bị "xé hợp đồng" không biết kêu ai. Ngược lại, nhiều DN đã hợp thức hóa việc liên kết xây dựng vùng nguyên liệu để có CĐL, nên thường quay lưng với nông dân khi giá lúa xuống thấp. Thực tế đang cần một cơ chế pháp lý và xử lý theo luật hợp đồng liên kết để bảo vệ các quan hệ mới một cách hữu hiệu qua CĐL.
Hơn nữa, chuỗi giá trị lúa gạo không chỉ nằm ngoài đồng ruộng, mà phần lớn hơn còn ở công đoạn sau thu hoạch, chế biến, tồn trữ, sản phẩm sau gạo và đến bàn ăn người tiêu dùng. Nên CĐL muốn lớn, còn phụ thuộc cơ chế, chính sách và thị trường, chứ không chỉ có DN và nông dân.
Những thách thức lớn đặt ra cho CĐL đòi hỏi sự chuyển đổi căn bản, toàn diện; đồng thời cần những cải cách mạnh mẽ gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh, thu nhập cho nông dân và xây dựng nông thôn mới thực chất.
Th.Nốt - C.Tuấn ghi
LÊ MINH HOAN (Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp)