CÁNH ĐỒNG LỚN... HỤT HƠI (*): Mấu chốt là quan hệ doanh nghiệp - nông dân

Thứ tư, 10 Tháng 4 2019 08:15 (GMT+7)
Những thách thức đang lớn hơn cánh đồng lớn (CĐL) là kết nối cung - cầu lúa gạo, vướng mắc trong quan hệ đất đai giữa sản xuất lớn và quyền sử dụng đất bị bó trong hạn điền.

Các quy hoạch chỉ chú trọng giải quyết vấn đề cục bộ của ngành, địa phương, chưa được tích hợp, bố trí không gian chưa phù hợp, không tạo ra được một không gian đủ lớn, thu hút tiềm lực đầu tư lớn cho mô hình này.

CÁNH ĐỒNG LỚN... HỤT HƠI (*): Mấu chốt là quan hệ doanh nghiệp - nông dân - Ảnh 1.

Muốn phát triển cánh đồng lớn phải có không gian phát triển mới Ảnh: NGỌC TRINH

Hệ thống pháp lý hiện nay chưa bảo đảm chế tài đủ mạnh để bảo vệ và ràng buộc trách nhiệm doanh nghiệp (DN), nông dân, nhà thương mại, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, chất lượng, an toàn lúa gạo từ CĐL. Trong khi chuỗi giá trị lúa gạo không chỉ nằm ngoài đồng ruộng mà phần lớn hơn còn ở công đoạn sau thu hoạch, chế biến, tồn trữ, sản phẩm sau gạo và đến bàn ăn người tiêu dùng. Công tác quản lý nhà nước đang "thiếu phối hợp, thừa chồng chéo", thiếu cơ chế điều phối phát triển vùng hiệu quả. Những thách thức đó đòi hỏi trách nhiệm từ nhiều phía chứ không chỉ riêng nông dân và DN.

CĐL phải được xây dựng trên một quy hoạch sản xuất lúa được tiếp cận theo lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh vùng. Cần áp dụng phân vùng theo không gian, có chính sách hỗ trợ khác nhau ở "vùng lõi", "vành đai" và các khu vực trồng lúa bình thường khác, có xem xét mục tiêu sản xuất lúa cho an ninh lương thực và lúa hàng hóa.

ĐBSCL có thể trồng lúa ở nhiều nơi nhưng sản xuất lúa hàng hóa cạnh tranh thì chỉ nên tập trung ở một số nơi; còn lại, nên ưu tiên cho các loại cây trồng, vật nuôi hay dành cho mục đích kinh tế khác hiệu quả hơn. CĐL không thể là mô hình có ở khắp nơi.

Thị trường vẫn là khâu quyết định cho chuỗi giá trị gạo. Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, từ khâu giống, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến ra gạo thành phẩm. Thương mại hóa ngành hàng lúa gạo qua mô hình CĐL phải bao gồm cải tiến công nghệ, ứng dụng ngày càng nhiều hơn các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, hướng đến sản xuất bền vững hơn với môi trường, chất lượng sản phẩm và dịch vụ tốt hơn.

Khả năng cạnh tranh của ngành, của mô hình này phải được xây dựng trên cơ sở hiệu quả và đổi mới chứ không phải trên thù lao giá rẻ cho nông dân hay phong trào xây dựng CĐL.

CĐL phải thực sự là không gian cho doanh nhân sáng tạo, những người nông dân được đào tạo kiến thức doanh nhân, vượt qua dấu chân lấm bùn của kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp truyền thống, tư duy mùa vụ, làm ăn theo từng thương vụ. Nông dân tham gia CĐL rất cần sự dẫn dắt của nhà đầu tư, DN, sự hỗ trợ của nhà khoa học và kiến tạo của nhà nước để tiến tới kinh tế số, nông nghiệp số. Thực tiễn cho thấy giải quyết mối quan hệ lợi ích giữa DN - nông dân là yếu tố quyết định sự tồn tại của CĐL. DN xây dựng CĐL cần có tiềm lực mạnh để đủ sức làm "hạt nhân". 

TS Trần Hữu Hiệp - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội