TP Cần Thơ đang triển khai xây dựng công trình phòng chống sạt lở tại sông Ô Môn, đảm bảo an toàn, mỹ quan đô thị tại địa phương.
Nguy hiểm sạt lở
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), toàn vùng hiện có 526 khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài gần 800km. Trong đó có 57 khu vực sạt lở nguy hiểm, với tổng chiều dài 164km cần phải được xử lý để ổn định dân sinh, kinh tế- xã hội vùng ven sông, ven biển. Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT, cho biết: “Vùng ĐBSCL thường xuyên chịu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), làm sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra trầm trọng hơn và có xu thế ngày càng gia tăng cả về phạm vi và mức độ nguy hiểm, uy hiếp nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của người dân”.
Cà Mau là địa phương chịu tác động từ sạt lở bờ sông, bờ biển nặng nề nhất trong vùng. Tỉnh này đã có 57km bị sạt lở ở bờ biển Tây, gồm: đoạn Tiểu Dừa đến Ba Tỉnh với chiều dài 25km; đoạn Ba Tỉnh đến Mũi Tràm dài 17km và đoạn từ Sông Đốc đến cửa Bảy Háp dài 15km. Trong đó, có 3 điểm sạt lở rất nguy hiểm với chiều dài 7,8km, gồm: đoạn từ Vàm Sào Lưới đến Kênh Mới +500 (3,7km); đoạn bờ Bắc Vàm Tiểu Dừa đến Hương Mai dài 3,3km và đoạn từ Vàm Cống T29 đến Khánh Hội dài 0,8km… Tác động của gió mùa hoạt động mạnh cộng triều cường dâng cao khiến bờ biển Tây bị đe dọa trực diện, trong khi rừng phòng hộ không còn, làm 1,45km đê biển Tây có thể vỡ bất cứ lúc nào.
Khu vực bờ biển Đông, sạt lở ảnh hưởng đến 48km bờ biển, trong đó có 29,5km bị sạt lở ở cấp độ nguy hiểm; có nhiều đoạn sạt lở gây mất đất rừng phòng hộ từ 80-100m tính từ phía biển vào đất liền với chiều dài 18,3km. Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, cho biết: “Tình trạng sạt lở bờ biển ở Cà Mau vẫn diễn biến phức tạp, làm mất đất đai, rừng phòng hộ ở nhiều đoạn, mà cụ thể từ năm 2007 đến nay, đã mất khoảng 8.870ha rừng ven biển, ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường sinh thái, phát triển kinh tế- xã hội của địa phương”.
Đồng Tháp cũng là địa phương chịu nhiều tác động của sạt lở. Đồng Tháp hiện có 122,9km chiều dài dòng chính sông Tiền đi qua, trong đó có đến 101km bị xói lở. Ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Từ 2005-2018, dọc theo bờ sông Tiền qua tỉnh Đồng Tháp mất tổng cộng trên 322,5ha do sạt lở, gây thiệt hại 392 tỉ đồng, buộc phải di dời trên 8.000 hộ dân. Đồng Tháp hiện còn hơn 6.000 hộ đang sống trong vành đai có nguy cơ sạt lở, cần được di dời khẩn cấp”.
Sạt lở bờ sông trên địa bàn quận Ô Môn, TP Cần Thơ làm sụp đổ hàng chục căn nhà, ảnh hưởng sinh kế người dân tại địa phương.
Năm 2018, TP Cần Thơ bị thiệt hại do thiên tai trên 36,9 tỉ đồng; trong đó, thiệt hại do sạt lở gây ra lên đến trên 36 tỉ đồng. Cụ thể, năm 2018 đã xuất hiện 17 điểm sạt lở bờ sông, làm sụp đổ hoàn toàn 10 căn nhà, 43 căn nhà bị sạt một phần, với tổng chiều dài ảnh hưởng do sạt lở gần 600m. Bên cạnh đó, thành phố có hàng chục điểm nguy cơ sạt lở cao, đe dọa tính mạng, tài sản của người dân trong khu vực.
Cần những giải pháp tổng hợp, đồng bộ
Nhiều giải pháp bảo vệ bờ biển, bờ sông đã được các Bộ ngành Trung ương, các địa phương trong vùng ĐBSCL triển khai, bao gồm cả giải pháp công trình và phi công trình. “Trong năm 2018, ngoài kinh phí phân bổ hằng năm cho các dự án theo kế hoạch được giao, Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ 1.500 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương để xử lý 29 dự án sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển. Chính phủ cũng đồng ý về chủ trương bố trí 1.000 tỉ đồng từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để tiếp tục hỗ trợ các địa phương vùng ĐBSCL xử lý sạt lở bờ biển, bờ sông; 36 triệu USD từ dự án WB, ADB cho công tác phòng tránh… Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai cho thấy, các địa phương còn lúng túng trong việc tổ chức thực hiện các dự án xử lý sạt lở cấp bách nên kết quả đạt được đến nay chưa cao; một số giải pháp kỹ thuật, công trình cần tiếp tục đầu tư thực hiện để kịp thời phòng tránh sạt lở…”- Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết.
Theo các nhà quản lý, nhà khoa học, việc xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển cần có những nghiên cứu cơ bản lẫn chuyên sâu để có giải pháp ứng phó phù hợp từng địa phương, từng vùng. Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: “Đối với giải pháp công trình, dù tự hào với kết quả đã đạt được, song có thể nói, địa phương chỉ mới thành công trong tạo ổn định gây bồi, nhưng mức đầu tư thực hiện quá cao. Thời gian tới, địa phương cần có những nghiên cứu để tìm ra giải pháp công trình có mức đầu tư thấp hơn, mà vẫn đảm bảo hiệu quả phòng chống sạt lở...”.
Tại hội thảo “Về giải pháp xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL”, các đại biểu chia sẻ về tình hình thực hiện các dự án phòng chống sạt lở cấp bách bờ sông, biển vùng ĐBSCL; giải pháp kỹ thuật, công nghệ, sản phẩm mới để xây dựng các công trình; áp dụng tiêu chuẩn quốc gia và ứng dụng công nghệ mới trong thiết kế, thi công công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển và đánh giá hiệu quả các giải pháp phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển thời gian qua… Bên cạnh đó, có những vấn đề cần chính sách ngoại giao để giải quyết, như việc các đập thủy điện được xây dựng ở thượng nguồn, gây giảm lượng phù sa, ảnh hưởng đến sạt lở ở hạ nguồn. Quản lý chặt chẽ, khoa học việc khai thác cát sông cũng là giải pháp được đặt ra nhằm ngăn chặn sạt lở.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh: Bộ NN&PTNT và các địa phương ghi nhận những đề xuất, giải pháp bảo vệ bờ sông, bờ biển phù hợp với điều kiện tự nhiên, sinh kế của người dân. Bộ và các địa phương sẽ ưu tiên triển khai những giải pháp thân thiện với môi trường, khôi phục hệ sinh thái và ứng dụng các công nghệ mới trong xử lý sạt lở phù hợp theo từng khu vực, trong đó có huy động nguồn lực xã hội, quốc tế cho công tác xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển thời gian tới.