Vụ hơn 300 thi thể thai nhi ở nhà máy rác: Đã đào một số mộ chôn cất

Thứ sáu, 26 Tháng 4 2019 16:07 (GMT+7)
Sau công văn chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau liên quan tới vụ hơn 300 thi thể thai nhi được phát hiện ở bãi rác trong vòng 7 năm qua, tổ công tác của UBND TP Cà Mau lập tức vào cuộc điều tra, xác minh.

Trưa 26-4, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Phan Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND TP Cà Mau, cho hay sau khi có chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, sáng cùng ngày, tổ công tác đã xuống Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau để làm việc, ghi nhận vụ việc hơn 300 thi thể thai thi được phát hiện tại nhà máy này trong 7 năm qua.

Vụ hơn 300 thi thể thai nhi ở nhà máy rác: Đã đào một số mộ chôn cất - Ảnh 1.

Hàng cây quanh nhà máy, nơi an nghỉ của các thai nhi xấu số

"Lúc kiểm tra, nhà máy đã đào một số nơi chôn cất thai nhi cho cơ quan chức năng thấy, nhưng chưa mở nắp hũ. Bởi lẽ, tổ công tác không có thẩm quyền để mở ra vì không có chuyên môn", ông Vũ thông tin.

Vụ hơn 300 thi thể thai nhi ở nhà máy rác: Đã đào một số mộ chôn cất - Ảnh 2.

Đường chuyền phân loại rác, nơi phát hiện các thi thể thai nhi

Trước đó, ông Vũ cho biết sau khi tổ công tác làm việc xong với nhà máy về mới đề xuất bước tiếp theo. Việc có khai quật các mộ chôn thi thể thai nhi hay không, UBND TP Cà Mau sẽ quyết định sau khi xuống nhà máy nắm tình hình cụ thể.

Trước đó, vào ngày 25-4, UBND tỉnh Cà Mau có công văn chỉ đạo Sở Y tế tỉnh khẩn trương kiểm tra, rà soát tất cả các bệnh viện, các cơ sở y tế, kể cả cơ sở y tế tư nhân trong việc quản lý, phân loại và xử lý rác thải y tế. Khi phát hiện sai phạm trong quản lý, xử lý chất thải y tế, vật phẩm y tế phải kiên quyết xử lý.

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Du lịch Công Lý (chủ đầu tư Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau) khi phát hiện thi thể thai nhi phải báo cáo ngay cho chính quyền địa phương, cụ thể là phải báo cho lãnh đạo UBND phường Tân Xuyên. "Kiểm tra, rà soát phương tiện vận chuyển rác có thai nhi, kịp thời báo cáo chính quyền địa phương để khoanh vùng điều tra, xử lý theo quy định", công văn nêu rõ.

Cũng theo công văn, UBND phường Tân Xuyên khi nhận được thông tin của Nhà máy xử lý rác thải về việc phát hiện thai nhi lẫn trong rác, phải cử cán bộ trực tiếp đến hiện trường kiểm tra, lập biên bản, xử lý theo đúng quy định và kịp thời báo cáo cho Chủ tịch UBND TP Cà Mau.

Chôn thai nhi ở bãi rác là không nên

Ông Bành Văn Em (64 tuổi), cho biết cách nay không lâu, ông là đội trưởng đội sửa chữa xe kiêm lái xe cuốc cho một công ty chuyên thu gom rác tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Vào thời điểm đó, toàn bộ rác thải của TP Rạch Giá đều được tập kết tại bãi đất trống gần khu nghĩa địa nhân dân trên đường Quang Trung thuộc phường Vĩnh Quang. Cứ cách khoảng 2-3 ngày, ông Em lại phát hiện 1 hài nhi được bọc khá cẩn thận trong túi nhựa bị ai đó đem đến chôn vùi dưới lớp rác.

"Lúc ban đầu nhóm công nhân làm nhiệm vụ nhặt túi nhựa đều muốn té ngửa khi nhìn thấy bên trong đó là 1 đứa bé còn đỏ hỏn và nhỏ như con mèo vậy đó. Thấy vậy nên tôi liên hệ với ông quản trang cho người đến đem đi chôn cất. Công việc cứ lặp đi lặp lại từ năm này qua năm nọ nên riết rồi anh em trong đội cũng quen dần và cũng không còn sợ gì nữa. Chỉ riêng một mình tôi cũng đã phát hiện khoảng dưới 20 hài nhi từ vài tháng tuổi ở khu bãi rác này. Phần chôn cất hài nhi không may mắn như thế hiện giờ cũng không còn nữa để nhường chỗ cho công ty làm nhà giữ xe rồi"- ông Em chia sẻ.

Còn theo lãnh đạo Bệnh viện Sản nhi tỉnh An Giang, thường là những ca thai lưu, sẩy thai hoặc tử vong trong bụng mẹ, người thân không mang thi thể thai nhi về nhà mà để lại luôn cho bệnh viện xử lý vì họ xem đây cũng giống như loại rác thải y tế nên cần được tiêu hủy như phần nhao thai. Tuy nhiên, ở một số nơi thì người dân còn nghĩ đến vấn đề tâm linh nên vẫn thực hiện việc chôn cất. Hiện nay, tần suất thai nhi tử vong trong bụng mẹ hay dịch vụ phá thai trong các bệnh viện công không còn nhiều, mà đa số các sản phụ thực hiện theo kiểu chui bên ngoài. Nguyên nhân là do thủ tục nhập viện còn rườm rà nên đa số thực hiện bên ngoài, rất khó kiểm soát. Nếu tính bình quân mỗi tháng khoảng 5 ca thì cả năm cũng khoảng 60 ca.

"Theo tôi nghĩ thì việc một số nơi chôn cất thai nhi bên cạnh các bãi rác như thế thì rất phản cảm vì đối xử không tốt với sinh linh không may mắn và cũng không hợp vệ sinh. Ở đây chúng tôi không đem những thai nhi đặt chung với rác để tiêu hủy mà cho 1 nhân viên đem đi chôn cất đàng hoàng ở một số nghĩa địa trong dân. Tính bình quân mỗi năm nhân viên này thực hiện việc chôn cất cho khoảng 60 ca như thế"- một lãnh đạo Bệnh viện Sản nhi An Giang cung cấp thêm.

Song Anh - Thốt Nốt - Vân Du - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội