Hướng TP HCM trở thành siêu đô thị

Thứ hai, 29 Tháng 4 2019 11:16 (GMT+7)
Nếu TP HCM xác định hướng đi đúng và cách làm phù hợp thì 10 năm đủ để tạo ra những thay đổi hay nền tảng căn bản của một đô thị hiện đại và 30 năm đủ để chuyển từ một đô thị ở thế giới thứ ba sang thế giới thứ nhất

Nếu so sánh với các siêu đô thị trong khu vực như Bangkok, Singapore, Seoul, Thượng Hải…, khả năng rút ngắn khoảng cách hiện nay của TP HCM là không cao, trong khi TP vốn có tiềm lực về quy mô dân số, thị trường, vị trí.

Chưa bứt phá được, vì sao?

Đơn cử, trước đây, khi Bangkok chưa được biết nhiều, Sài Gòn - TP HCM đã là "Hòn ngọc Viễn Đông"; nhưng đến đầu thập niên 1990 đã tụt hậu khoảng 20 năm. Đến giờ, TP vẫn tụt xa so với Bangkok. Hay so với Thượng Hải (Trung Quốc), chỉ trong hơn 2 thập kỷ, TP này đã xây dựng được hơn 600 km tàu điện ngầm; trong khi đến năm 2021, TP HCM mới có thể có 20 km đầu tiên. TP HCM và khu vực lân cận có nhu cầu về cơ sở hạ tầng rất lớn, nhất là giao thông nhưng cả vùng được đầu tư rất khiêm tốn. Ví dụ, trong khoảng 800 km đường cao tốc đã được xây thì cả vùng chỉ được khoảng 100 km. Điều này cũng cho thấy cái khó trong liên kết vùng vì mỗi địa phương chưa lo nổi các nhu cầu thiết yếu cho mình.

Hướng TP HCM trở thành siêu đô thị - Ảnh 1.

Robot khoan hầm metro tuyến Bến Thành - Suối Tiên tại ga Ba Son. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Trong 10 năm trước Đổi Mới, khi cả nước không biết phải làm thế nào và sự trục trặc của mô hình kinh tế kế hoạch ngày một trầm trọng hơn, TP HCM đã tiên phong trong rất nhiều sáng kiến "xé rào", tháo gỡ các khó khăn và dẫn đến Đổi Mới. Khi Đổi Mới, TP là nền tảng cho kinh tế thị trường ở Việt Nam, thời kỳ bung ra cũng là lúc các ý tưởng hay, táo bạo đã nở rộ. TP trở thành tâm điểm của Đổi Mới với rất nhiều ý tưởng đột phá đã được triển khai từ phát triển khu công nghiệp, đô thị mới, huy động vốn và đầu tư theo mô hình đối tác công - tư, phát triển kinh tế tư nhân, hình thành thị trường chứng khoán. Còn những trục trặc hiện nay là gì? Có phần do nguồn lực dành cho TP không đủ để bứt phá lên; và tình trạng quá tải mọi thứ; phần do "vòng kim cô" của cơ chế ngân sách quá chặt.

Đầu những năm 1980, TP được giữ lại hơn 40% nguồn thu ngân sách, đến đầu thập niên 1990 dao động quanh 30% và đến nay chỉ có hơn 20% (tỉ lệ các khoản phân chia chỉ còn 18% và chỉ cần được 35% như Hà Nội thì mọi chuyện có lẽ đã rất khác). Chi ngân sách trong những năm gần đây của TP chỉ khoảng 7%-8% GRDP, tương đương 1/3 Thượng Hải, Bắc Kinh hay Hồng Kông và 1/2 Hà Nội hay Singapore. Chiếm khoảng 9,5% dân số toàn quốc và đóng góp gần 30% tổng thu ngân sách nhưng TP chỉ được sử dụng khoảng 5% chi ngân sách cả nước cho duy trì hoạt động và phát triển. Bình quân mỗi người dân TP đóng góp vào ngân sách cả nước cao gần gấp 3 lần bình quân của cả nước (27,5 %/9,5% = 2,9), chi ngân sách chỉ bằng 53% bình quân của cả nước. Nếu tính dân số trên thực tế khoảng 14%, con số còn thấp hơn rất nhiều. Khi tính toán theo số chi tại các địa phương và dân số thực tế thì TP bằng chưa đến 80% bình quân của cả nước.

Xác định đối thủ cạnh tranh

Muốn TP HCM bứt lên, việc đầu tiên là phải xác định đối thủ cạnh tranh là các siêu đô thị trong khu vực và các địa phương trong vùng lân cận như Bình Dương, Đồng Nai phải cùng xoay lưng lại một hướng với TP để phát triển. Việc xác định ở tầm tư duy chiến lược quốc gia là cuộc cạnh tranh của các siêu đô thị lớn để đầu tư nguồn lực.

Nếu nhìn ở góc độ chính sách nguồn lực, theo đó cần tập trung vào những đô thị tạo ra công ăn việc làm, giá trị kinh tế, thu nhập ngày càng tăng thì phải đầu tư mạnh vào những nơi có cơ hội phát triển mạnh mẽ, bứt phá và trong thực tế này, TP đóng vai trò quan trọng. Nếu ở nông thôn cần đầu tư vào an sinh xã hội, giáo dục, còn các cơ sở kinh tế thì phải tập trung vào siêu đô thị, trong đó đứng đầu là TP, từ đó có cơ chế phân bổ ngân sách hợp lý, xây dựng cơ sở hạ tầng cho TP và kết nối với khu vực lân cận từ miền Tây, Đông Nam Bộ nhằm tạo ra tính liên kết vùng.

TP cần xác định trở thành trung tâm dịch vụ có sức cạnh tranh toàn cầu như nơi đặt các trụ sở quốc tế và phối hợp hoạt động của các công ty toàn cầu; trung tâm dịch vụ tài chính; trung tâm nghiên cứu và phát triển phần mềm; trung tâm nghiên cứu về khoa học đời sống kết hợp với nghiên cứu thử nghiệm; trung tâm dịch vụ chia sẻ cung cấp dịch vụ cho các công ty toàn cầu như tài chính hỗ trợ khách hàng nguồn nhân lực và công nghệ thông tin… Các nhóm dịch vụ cơ bản này được dựa vào 9 ngành dịch vụ mà TP đã xác định.

Cùng lúc đó, bản thân TP cũng phải tự năng động lên, những cái gì làm được phải làm như khu đô thị mới Thủ Thiêm, hệ thống tàu điện ngầm, phải sử dụng nguồn lực hiệu quả, năng động hơn nữa. Môi trường TP cũng phải thật tốt để có những doanh nghiệp mang tầm toàn cầu theo nguyên tắc "người thổi sáo hay nhất từ cây sáo tốt nhất".

Khơi lại tinh thần tiên phong và đầu tư đúng hướng

Một trong những việc cần làm ngay của TP HCM là khơi lại tính tiên phong và khả năng dẫn dắt. Tài sản quý giá của TP chính là khả năng đi tiên phong để tạo ra những cái mới. Là cái nôi của kinh tế thị trường ở Việt Nam nên những chính sách thuận theo thị trường thường được hưởng ứng mạnh mẽ. Trong hơn 10 điển hình được cố giáo sư Đặng Phong nêu trong "Phá rào trong kinh tế vào đêm trước Đổi Mới" thì có đến 7 là của TP HCM. Gần như tất cả những "xé rào" trong phân phối lưu thông, thương mại, công nghiệp đều diễn ra ở TP. Dù bị "ngăn sông cấm chợ" nhưng những chuyển động ở TP đã tạo ra sự gắn kết hay cách làm mới cho cả vùng. TP cũng như những người đứng đầu TP là điểm hướng đến hay nơi đặt niềm tin cho ít nhất cả miền Đông và Tây Nam Bộ. Vai trò "anh cả" của TP trong giai đoạn này rất đậm nét.

Sau Đổi Mới, kinh tế Việt Nam đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Vùng TP HCM trở thành tâm điểm thu hút vốn đầu tư nước ngoài và thúc đẩy ngoại thương. Sự thành công của mô hình KCX-KCN ở TP cùng với sự thành công của một số địa phương trong vùng đã truyền cảm hứng cho nhiều nơi khác, nhất là vùng Hà Nội. Trong khi mô hình khu kinh tế chính thức đang gặp trục trặc thì Bình Dương và khu Nam Sài Gòn của TP - những nơi chưa bao giờ được gọi là khu kinh tế - lại có những đặc trưng cơ bản của các khu kinh tế thành công.

Cơ chế đặc thù là điều mong mỏi của TP HCM từ rất nhiều năm. Điều này đã được xúc tiến sau Đại hội X và đặc biệt đẩy mạnh vào năm 2018 với cách làm gõ cửa trực tiếp rất nhiều cơ quan trung ương và lãnh đạo quốc gia. Việc trung ương cho cơ chế theo Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội để TP thí điểm một số cơ chế đặc thù cũng như quyết định nguồn vốn cho hai tuyến metro gần đây là những tín hiệu tích cực về một cách tiếp cận mang tính chiến lược hơn đối với TP.

Nhìn một cách khách quan, TP HCM có đủ nguồn lực, quy mô thị trường, vị trí và các vấn đề liên quan không thua kém siêu đô thị lớn nào, nếu được đầu tư đúng hướng, đúng tầm sẽ có cơ hội theo kịp những TP khác trên thế giới. Đến lúc lãnh đạo quốc gia cần có những quyết sách quan trọng để những nơi có tiềm năng có thể phát huy một cách tốt nhất nhằm đưa Việt Nam sớm đạt được mục tiêu dân giàu nước mạnh, mà việc cần làm ngay là một cơ chế tự chủ gắn với việc tập trung nguồn lực cần thiết để TP HCM phát triển nhanh, mạnh hơn nữa.

Kinh tế tư nhân mới là nền tảng

TP HCM cũng cần xác định rõ mục tiêu ưu tiên trong các hoạt động kinh tế. Bởi kinh nghiệm từ tất cả các nước phát triển cho thấy kinh tế tư nhân trong nước là nền tảng của nền kinh tế. Doanh nghiệp nhà nước chỉ thực hiện một số hoạt động hay các lĩnh vực mà tư nhân không có động cơ làm; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là quan trọng nhưng khó có thể là trụ cột cho nền kinh tế. Do đó, với tinh thần khởi nghiệp và chấp nhận rủi ro của TP rất cao, nếu cơ chế khuyến khích dựa trên giá trị được phát huy sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh năng động hơn nhiều. Không đâu khác, TP có lẽ là mảnh đất phù hợp nhất để ươm mầm và tạo ra những nhà công nghiệp, những doanh nghiệp lớn tạo giá trị của Việt Nam…

Huỳnh Thế Du - Thái Phương - (nld.com.vn)

T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội