"Cú đấm" tăng giá xăng

Thứ bảy, 04 Tháng 5 2019 08:33 (GMT+7)
Các chuyên gia khuyến cáo nếu không giảm thuế bảo vệ môi trường, phí, chi phí đối với tất cả mặt hàng xăng dầu thì cả nền kinh tế sẽ bị "ngấm đòn", người tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng nề

Tính từ ngày 1-1-2019 đến 2-5-2019, giá xăng đã trải qua 4 lần tăng với tổng mức tăng của xăng RON 95 là 4.591 đồng/lít và xăng E5 là 4.418 đồng/lít. Việc giá xăng dầu liên tục tăng đã và đang khiến hàng hóa, dịch vụ bị tác động tăng giá theo.

"Nhảy múa" theo giá xăng

Đại diện một số chợ đầu mối nông sản thực phẩm tại TP HCM cho biết giá xăng dầu tăng cao tất yếu dẫn đến chi phí vận chuyển rau củ quả từ các địa phương về TP HCM tăng theo. Thông thường, chỉ một lần tăng giá nhiên liệu ở mức cao cũng đủ cho hàng hóa tăng giá theo, trong khi đã 3 lần liên tiếp giá xăng được điều chỉnh tăng nên áp lực tới hoạt động buôn bán là khá lớn. Ông Nguyễn Thành Châu, Trưởng Ban Quản lý chợ Thái Bình (quận 1, TP HCM), xác nhận chi phí điện, xăng dầu tăng đã khiến rau củ quả tăng từ một vài ngàn đồng/kg trong những ngày qua.

Nhiều tiểu thương ở chợ Bình Tây (quận 6, TP HCM) phản ánh chi phí vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh, thành vào chợ này đều bị đội giá lên khá cao, từ vài chục ngàn đến cả trăm ngàn đồng cho mỗi kiện hàng. Nguyên nhân được các nhà xe giải thích là do giá xăng dầu tăng nên phải tăng cước vận chuyển. Ngoài ra, chi phí vận chuyển hàng hóa từ chợ ra bến xe cũng tăng, buộc thương lái phải cân đối điều chỉnh giá hàng hóa lên.

Cú đấm tăng giá xăng - Ảnh 1.

Các mặt hàng xăng dầu liên tục tăng giá, ảnh hưởng nặng nề đến người tiêu dùng Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Theo ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, giới kinh doanh vận tải hàng hóa đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó có việc vay vốn ngân hàng đầu tư mua sắm xe tải, áp lực trả lãi cũng như cạnh tranh bởi quá nhiều người đầu tư vào lĩnh vực này đã dẫn đến tình trạng phá giá, khiến nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải rơi vào tình cảnh thua lỗ. Giá xăng dầu tăng liên tục gây thêm áp lực lớn, DN càng khó khăn chồng chất. "Trước áp lực giá xăng dầu tăng liên tục gần đây, DN vận tải buộc phải đàm phán, thương lượng với khách hàng để điều chỉnh lại giá cước vận chuyển" - ông Quản tâm tư.

Ông Đào Đức Toàn, Giám đốc Công ty CP Thương mại dịch vụ Đức Toàn, cho rằng việc vận chuyển mặt hàng xi-măng lâu nay không còn có lãi vì đặc thù của ngành này là cố định giá vận chuyển. Do đó, khi giá xăng dầu tăng cũng đồng nghĩa DN bị lỗ và chỉ có hết lỗ khi giá xăng dầu xuống thấp.

Tại các cửa hàng kinh doanh sắt thép tại TP HCM, trước nay, người bán bao luôn chi phí vận chuyển cho khách hàng. Song, do giá xăng tăng, chi phí này bị đẩy sang phía người mua thông qua việc đẩy giá sản phẩm lên cao hơn, từ 200.000-250.000 đồng/tấn trước Tết, nay tăng lên 300.000-350.000 đồng/tấn.

Bất hợp lý xăng E5

Giá xăng tăng diễn ra trong bối cảnh quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) ngày một cạn kiệt, thậm chí âm. Đáng nói là mức chi quỹ cho mặt hàng xăng E5 cao gấp nhiều lần các mặt hàng khác, khiến DN càng bán nhiều mặt hàng này càng âm quỹ và họ muốn giảm bán.

Có nhiều lý do dẫn đến mặt hàng nhiên liệu thân thiện với môi trường là xăng E5 không chỉ bị người tiêu dùng mà cả DN quay lưng. Với người tiêu dùng, mức chênh lệch giá xăng sinh học thấp hơn xăng khoáng chỉ khoảng hơn 1.000 đồng/lít là chưa đủ hấp dẫn để thử nghiệm và gắn bó lâu dài. Còn với DN, chi quỹ BOG cho xăng sinh học ở mức cao gấp 2-3 lần so với xăng RON 95 khiến nguồn quỹ thâm hụt nhanh chóng.

Theo quy định, đầu mối xăng dầu phải mở tài khoản riêng cho quỹ BOG ở ngân hàng, báo cáo số tài khoản cho Bộ Tài chính. Phía ngân hàng chịu trách nhiệm hằng quý báo về Bộ Tài chính số tiền trích lập và chi quỹ theo quyết định của liên bộ Tài chính - Công Thương. Quỹ này khi gửi tại ngân hàng sẽ tính theo lãi suất không kỳ hạn, lãi cộng gộp vào số dư gốc của quỹ. Nếu thực hiện đúng quy định, trong trường hợp quỹ dương thì DN không được hưởng lợi, còn khi quỹ âm thì DN tự bỏ tiền ra tạm ứng hoặc vay ngân hàng để bù vào. Như thế, càng xả quỹ, nhất là xả quỹ với mặt hàng xăng sinh học quá cao, DN càng bị thiệt.

Vướng mắc cần giải quyết là nếu không xả mạnh quỹ BOG để kìm giá xăng E5 xuống thấp hơn RON 95 thì xăng sinh học sẽ hoàn toàn mất lợi thế cạnh tranh. Song, theo các DN xăng dầu, quỹ BOG không phải công cụ duy nhất giúp hạ giá và dù có xả quỹ lớn thì lượng tiêu thụ mặt hàng này vẫn nhỏ. Trong khi đó, một công cụ bị bỏ quên là giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với mặt hàng có ý nghĩa bảo vệ môi trường như xăng sinh học.

Đại diện Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (Saigon Petro) cho biết mức tiêu thụ xăng E5 của DN này giảm dần qua 3 tháng đầu năm nay. Nếu như tháng 1-2019, tiêu thụ xăng sinh học bằng 20% tổng lượng tiêu thụ thì đến tháng 2 chỉ còn 18%-19% và tháng 3-2019 là 17%. "Sản xuất và đưa xăng sinh học ra thị trường là chủ trương lớn của nhà nước nhưng chúng tôi bán ế quá. Giải pháp tốt nhất mà DN đã kiến nghị rất nhiều lần là giảm thuế BVMT xăng E5 từ 500-1.000 đồng/lít; không tính thuế BVMT mặt hàng này theo tỉ lệ ethanol ít ỏi như hiện nay, nhằm tạo chênh lệch giá với RON 95 khoảng 2.000-2.500 đồng/lít, thay vì khoảng 1.500 đồng/lít" - lãnh đạo Saigon Petro chỉ rõ.

Đây cũng là lý do mà các chuyên gia cho rằng việc giảm thuế BVMT, phí, chi phí là yêu cầu cấp thiết đối với tất cả mặt hàng xăng dầu, không riêng xăng E5. Nếu không, nền kinh tế, người tiêu dùng đều bị "ngấm đòn", ảnh hưởng nặng nề trước áp lực tăng giá nhiên liệu. 

Ảnh hưởng trực tiếp đến CPI

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4-2019 tăng 0,31% so với tháng trước; CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2019 tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, việc tăng giá xăng dầu, giá điện có ảnh hưởng trực tiếp đến tăng CPI trong tháng, dù cho Chính phủ kiên định chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong mức tăng 0,31% của CPI tháng 4-2019 so với tháng trước, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 4,29%, chủ yếu do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm ngày 2-4 và 17-4. Ngoài ra, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,6%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%... Dự báo tháng 5-2019, miền Bắc bước vào cao điểm nắng nóng dẫn đến tiêu thụ điện cao, cùng hiệu ứng kéo dài của giá xăng dầu tăng, CPI sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.

Hoài Dương - Nguyễn Hải - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội