Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị cho thu phí trở lại BOT Cai Lậy - Ảnh: Lê Phong
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, đề nghị cho phép triển khai thu phí sử dụng đường bộ tại trạm BOT Cai Lậy theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ có ý kiến tại Văn bản 100 ngày 20-12-2018.
Theo Bộ GTVT, đến thời điểm hiện tại, BOT Cai Lậy đã phải dừng thu gần 2 năm, nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn và ngân hàng cho vay vốn lo ngại về khả năng thu hồi vốn.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Văn bản 2566 ngày 9-4-2019 về khả năng phải cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ, phát sinh nợ xấu và đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ tập trung xử lý dứt điểm các vướng mắc liên quan đến thu phí.
Do đó, để sớm giải quyết các khó khăn của dự án, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư các dự án theo hình thức hợp đồng BOT, đặc biệt là dự án đầu tư đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông, Bộ GTVT kiến nghị cần sớm cho phép và bảo đảm nhà đầu tư được thu phí trở lại.
Trong báo cáo vừa gửi đến Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Bộ GTVT cho biết Bộ đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu các phương án và phối hợp với địa phương, các bộ, ngành để báo cáo thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phương án xử lý bất cập tại trạm Cai Lậy.
Đồng thời, bộ đã quyết liệt triển khai các công việc tiếp theo sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án và Phó Thủ tướng Thường trực chỉ đạo về việc bảo đảm an ninh trật tự tại trạm BOT Cai Lậy. "Đến nay, các cơ quan, đơn vị đã triển khai cơ bản đầy đủ các công việc cần thiết để triển khai thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ trở lại tại trạm BOT Cai Lậy"- văn bản nêu.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, lãnh đạo Bộ GTVT trực tiếp làm việc với tỉnh Tiền Giang, sau khi họp bàn, chính quyền địa phương đã thống nhất bằng văn bản với Bộ GTVT phương án thu phí trở lại BOT Cai Lậy. Đồng thời, Bộ GTVT đã yêu cầu nhà đầu tư dự án tiến hành sửa chữa, bảo trì công trình, đến nay, công tác bảo trì đã hoàn thành, đảm bảo an toàn khai thác.
"Về việc miễn giảm giá vé theo chỉ đạo của Thủ tướng, trên cơ sở thống nhất của địa phương và nhà đầu tư, Bộ GTVT đã có văn bản chấp thuận giảm giá chung cho các phương tiện và mở rộng vùng miễn giảm giá dịch vụ cho các phương tiện lân cận. Cụ thể, mức giá tại dự án được giảm tối đa cho tất cả phương tiện qua trạm (xe nhóm 1 từ 35.000 đồng/lượt xuống 15.000 đồng/lượt, tương ứng giảm 57%..."- văn bản của Bộ GTVT nêu.
Sau khi giảm giá, mức thu tại trạm BOT Cai Lậy thấp nhất trên toàn tuyến Quốc lộ 1. Đặc biệt, phạm vi miễn giảm giá cho các phương tiện lân cận trạm thu phí Cai Lậy cũng lớn nhất so với các trạm thu phí khác trên cả nước hiện nay với 41 xã, phường, thị trấn được miễn, giảm giá.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng yêu cầu nhà đầu tư hoàn thành lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng ở 6/8 làn xe, đảm bảo cho các phương tiện giao thông đã dán thẻ lưu hành thuận tiện, còn lại 2 làn xe hỗn hợp dành cho các phương tiện giao thông chưa dán thẻ.
Dự án đầu tư xây dựng Quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy dài 38,5 km, tổng mức đầu tư ban đầu hơn 1.398 tỉ đồng, gồm 2 hợp phần: Hợp phần 1-cải tạo, tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 dài 26,4 km, sửa chữa 14 cầu và lắp đặt hệ thống thoát nước trên tuyến; Hợp phần 2-xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài 12,1 km và xây dựng 7 cầu trên tuyến. Vị trí trạm thu phí dịch vụ để hoàn vốn đặt tại khoảng Km 1999+900, Quốc lộ 1 nằm trong phạm vi dự án.
Dự án được triển khai xây dựng từ năm 2014, sau khi dự án hoàn thành, nhà đầu tư đã tổ chức thu phí để hoàn vốn từ ngày 1-8-2017. Tuy nhiên, do có những diễn biến phức tạp, mất an toàn trật tự, an toàn giao thông, đến ngày 14-8-2017, dự án đã tạm dừng thu phí.
Ngày 30-11-2017, trạm thu phí Cai Lậy hoạt động trở lại, tuy nhiên, tình hình tiếp tục diễn biến rất phức tạp, mất an ninh trật tự.
Tới ngày 20-12-2018, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ GTVT triển khai theo phương án giữ nguyên trạm thu phí Cai Lậy như hiện nay.