Sáng 14-5, văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang đã phát đi thông cáo báo chí thông tin về nguyên nhân và hướng giải quyết của ngành chức năng địa phương liên quan đến việc ô nhiễm nguồn nước khiến dư luận xôn xao những ngày gần đây.
Theo đó, từ phản ánh của người dân và theo dõi, khảo sát của các cơ quan bảo vệ môi trường tỉnh, từ ngày 22-3 đến 2-5, trên sông Cái Lớn và các kênh nhánh đã xảy ra 4 đợt ô nhiễm môi trường nước mặt (ô nhiễm hữu cơ làm nước có màu đen và phát sinh mùi hôi). UBND tỉnh đã chủ động báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường để xin ý kiến chỉ đạo các vấn đề thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo các ngành liên quan và chính quyền địa phương rà soát các các nguồn thải, thu thập xác minh dữ liệu chuyên ngành về môi trường. Kết quả xác minh bước đầu cho thấy, nguồn nước sông Cái Lớn và các kênh nhánh bị ô nhiễm hữu cơ bởi các nguồn thải dọc sông Cái Lớn. Trong đó, nguyên nhân chính là từ hoạt động xả thải của nhà máy thuộc Công ty TNHH Mía đường, cồn Long Mỹ Phát.
Nước trên sông cái Nước Đục có màu đen hồi cuối tháng 4-2019
Sau đó, dòng nước đen này lan ra tận trung tâm thị xã Long Mỹ
Từ đó, đối với các vi phạm của nhà máy trong công tác bảo vệ môi trường, UBND tỉnh đã chỉ đạo công an tỉnh xem xét các hành vi vi phạm của đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định. Đồng thời chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với đoàn thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường để thanh tra toàn diện công tác bảo vệ môi trường tại nhà máy.
Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đoàn công tác đến kiểm tra trực tiếp
Đối với thiệt hại do ô nhiễm nguồn nước mặt, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND thị xã Long Mỹ và huyện Long Mỹ thống kê toàn diện thiệt hại. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh sẽ thành lập hội đồng chuyên môn xác định thiệt hại và có phương án giải quyết phù hợp, đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, như đã thông tin, những ngày cuối tháng 4-2019, nhiều hộ dân sống cặp theo sông cái Nước Đục thuộc huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ vô cùng hoang mang khi nguồn nước bị ô nhiễm nặng khiến thủy sản của bà con chết hàng loạt. Cũng theo người dân địa phương, vấn đề ô nhiễm trên dòng sông này đã nhiều lần được bà con địa phương báo cáo với ngành chức năng, tuy nhiên hiện tượng này vẫn tái diễn.