Những ngày qua, thông tin cầu Vàm Cống chuẩn bị khánh thành làm người dân khắp các tỉnh ĐBSCL háo hức. Vui nhất có lẽ là những người dân sống đôi bờ sông Hậu.
Mừng phát khóc!
Bà Lê Kim Lộc (ngụ ấp An Hòa, xã Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) cho biết những năm trước, xung quanh khu vực này rất hoang sơ. Khi đó, người dân muốn đi An Giang hay Cần Thơ phải qua phà, đò rất mất thời gian. "Dân chúng tôi rất mừng khi có cây cầu lớn như thế này. Đây là niềm vui lớn" - bà Lộc bày tỏ.
Người dân sống gần cầu Vàm Cống háo hức chờ ngày khánh thành Ảnh: DUY THANH
Có nhà gần khu vực đường dẫn vào cầu Vàm Cống, bà Trần Thị Bông kể cả tháng nay, chiều nào cũng có hàng trăm người già, trẻ em ra ngắm cây cầu, hóng gió. "Ai cũng mong tới ngày khánh thành để bước lên cầu cho sướng cái chân. Từ đây, việc vận chuyển hàng hóa của bà con sẽ thuận tiện hơn" - bà Bông nói.
Bà Lê Thị Tuyết Hồng (62 tuổi, ngụ TP Long Xuyên, tỉnh An Giang), cho biết dịp lễ, Tết, chứng kiến cảnh kẹt xe hàng mấy cây số ở phà Vàm Cống, hơn ai hết bà mong cầu sớm khánh thành để bà con đi lại thuận tiện. Cũng cùng nỗi ám ảnh kẹt xe, anh Huỳnh Thanh Hiệu (30 tuổi; tài xế xe dịch vụ ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ), mừng đến phát khóc khi hay tin cầu Vàm Cống chuẩn bị khánh thành.
Cơ hội lớn cho Tứ giác Long Xuyên
Ngày 14-5, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cùng đoàn công tác đã có buổi khảo sát địa điểm tổ chức khánh thành cầu Vàm Cống ở phía bờ Cần Thơ, dự kiến diễn ra vào ngày 19-5. Ông Trần Văn Thi, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM, chủ đầu tư), cho rằng: "Tại lễ khánh thành, cầu Vàm Cống chưa cho xe qua nên phương tiện đi từ TP HCM, Cao Lãnh xuống hướng này vẫn phải qua phà Vàm Cống. Sau khi làm lễ xong, mất vài giờ tháo dỡ các thứ, lúc đó chúng tôi sẽ đưa ra thông báo chính thức thông xe".
Cũng theo ông Thi, để bảo đảm chất lượng công trình, ngoài kiểm tra của tư vấn và nhà thầu thực hiện dự án, CIPM đã thuê tư vấn độc lập trong nước là Viện Khoa học công nghệ Giao thông vận tải Việt Nam cùng tư vấn quốc tế kiểm định đánh giá độc lập, thử tải để khẳng định cầu đủ điều kiện khai thác, báo cáo hội đồng nghiệm thu nhà nước.
"Cầu Vàm Cống hoàn thành, cùng cầu Cao Lãnh (khánh thành vào tháng 5-2018) đã kết nối với tuyến N2 từ Củ Chi, Đức Hòa xuống, cùng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đang thi công sẽ hình thành trục dọc thứ 2 từ TP HCM đến Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang). Tuyến này sẽ giảm tải cho trục hiện hữu từ TP HCM về Tây Nam Bộ là Quốc lộ 1 đang thường bị ách tắc. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế, hoàn thiện hạ tầng giao thông ĐBSCL" - ông Thi khẳng định.
Ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nhận xét sự kiện thông xe cầu Vàm Cống là mơ ước bao đời nay không chỉ của người dân địa phương mà của cả vùng Tứ giác Long Xuyên.
Trong lần về dự hội nghị xúc tiến đầu tư mới đây tại An Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá rất cao về triển vọng thu hút đầu tư cho toàn vùng khi cầu Vàm Cống thông xe. Do đó, An Giang đang gấp rút thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để thi công tuyến tránh TP Long Xuyên dài khoảng 15 km với tổng nguồn vốn đầu tư gần 2.000 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay.
105 nhân viên phà Vàm Cống muốn theo nghề
Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV, cho biết Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có phương án giải quyết việc làm cho cán bộ, công nhân viên lao động (CBCNV-LĐ) của bến phà Vàm Cống sau khi bến phà này giải thể. Lao động thuộc bến phà Vàm Cống sẽ được Cụm phà Vàm Cống sắp xếp, bố trí về làm việc tại các bến khác thuộc cụm phà. Những người không tiếp tục làm việc, cụm phà giải quyết thôi việc và chi trả chế độ theo quy định. Cục Quản lý Đường bộ IV sẽ chủ động làm việc với địa phương để giới thiệu những lao động có nhu cầu làm việc tại Công ty TNHH một thành viên Phà An Giang.
Hiện bến phà Vàm Cống có 161 nhân sự. Qua khảo sát nguyện vọng, 42 người muốn thôi việc, nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí. 105 người có nguyện vọng được tiếp tục làm việc tại các phòng nghiệp vụ và đơn vị trực thuộc cụm phà Vàm Cống như Đình Khao, Đại Ngãi, Kênh Tắt và Láng Sắt. "Dự kiến, nguồn kinh phí trả trợ cấp đối với người lao động có nguyện vọng được thôi việc gần 1,2 tỉ đồng" - ông Thành thông tin.