Xây dựng khu dân cư nhưng dân không được an cư
Đó là tình cảnh của nhiều hộ dân tại Thị Trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp bị chính quyền thu hồi đất để DN thực hiện dự án Khu dân cư và Trung tâm thương mại (KDC-TTTM) Hồng Phát.
Nhiều Người dân bức xúc việc bồi thường, giải tỏa và hỗ trợ tái định cư nên khiếu nại nên chưa chịu giao mặt bằng.
Dự án có diện tích 5,4 ha tại trung tâm Thị trấn Kinh Cùng do công ty Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Hồng Phát (gọi tắt Cty Hồng Phát) làm chủ đầu. Tổng cộng 77 hộ bị ảnh hưởng, có đất bị thu hồi làm dự án.
Tháng 12/2017, UBND huyện Phụng Hiệp có Quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với từng hộ. Tuy nhiên phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của huyện đã vấp phải sự phản ứng của nhiều hộ dân tại đây, bởi nhiều người có đất bị thu hồi hoàn toàn (có cả đất ở), không còn nơi ở khác ở địa phương, phải ăn nhờ ở đậu người thân nhưng vẫn không nhận được nền tái định cư.
Anh Nguyễn Tuấn Anh (ngụ ấp Hòa Phụng B, thị trấn Kinh Cùng) cho biết, anh có 292,8 m2 đất bị thu hồi để làm dự án, trong đó có 200 m2 đất ở. Không hiểu vì sao anh không được bố trí nền tái định cư theo luật định mặc dù được UBND Thị trấn Kinh Cùng xác nhận không còn nơi ở nào khác trên địa phương.
“Dự án giúp phát triển địa phương thì tôi vô cùng ủng hộ nhưng phải đảm bảo lợi ích của người dân. Tôi có nhu cầu nhận nền tái định cư và đầy đủ điều kiện theo quy định pháp luật nhưng họ lại không cho mà chỉ bồi thường bằng tiền. Giá bồi thường thì rẻ bèo cao nhất chỉ 298.000 đồng/m2 đất ở tiếp giáp mặt tiền, còn đất cây lâu năm chỉ 59.000 đồng/m2. Với số tiền như thế thì làm được gì?”, anh Tuấn Anh bức xúc nói. Theo Anh Tuấn Anh, do không được bố trí tái định cư nên hiện vợ chồng anh và đứa con vẫn phải ăn nhờ ở đậu nhà cha mẹ.
Tương tự, trường hợp của bà Nguyễn Thị Mộng Trinh có 117m2 đất bị thu hồi, trong đó có 73 m2 đất ở, được chính quyền xác nhận không còn chổ ở nào khác cũng không được TĐC. “Nếu nhận tiền bồi thường về đất và tiền hỗ trợ thì gia đình tôi cũng không thể nào mua được một nền nhà ở đây để ổn định cuộc sống. Tôi tha thiết mong nhà nước xem xét tái định cư cho gia đình tôi”, bà Trinh nói.
Cầm trên tay giấy xác nhận của UBND thị trấn Kinh Cùng, bà Trinh bức xúc nói: “Chính quyền địa phương xác nhận tôi không có nhà, đất nào khác trên cùng địa bàn, chúng tôi cũng có nguyện vọng nhận nền tái định cư, đất đổi đất để có ổn định cuộc sống vậy mà chính quyền cũng cố ém lại suất tái định cư cho tôi. Đây là dự án khu dân cư nói là không có nền thì quá vô lý. Tôi không biết mấy ông căn cứ vào đâu mà làm vậy, hay là mấy ông muốn đuổi chúng tôi đi để sau này bán nền sẽ được lợi nhiều hơn. Từ trước đến nay vợ chồng con cái chúng tôi 4 người đều ở đậu ở nhà dì, không có tái định cư thì sau này gia đình tôi ở đâu, đâu thể ở nhà người ta mãi”.
Cũng theo người dân, trước đó các đơn vị liên quan không lấy ý kiến người dân, phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư trái với quy định pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân
Tỉnh ra công văn trái luật?
Có ít nhất 9 hộ dân rơi vào trường hợp như trên có đơn cầu cứu gửi đến các cơ quan ngôn luận. Không đồng ý với chính sách hỗ trợ tái định cư này nên người dân đã có đơn khiếu nại đến UBND huyện Phụng Hiệp yêu cầu được nhận nền tái định cư theo quy định pháp luật. Sau hơn 1 năm ròng thì UBND huyện mới có quyết định giải quyết với nội dung bác yêu cầu chính đáng của người dân. UBND huyện cho rằng anh Tuấn Anh, bà Mộng Trinh và các trường hợp khác mặc dù có đất ở bị thu nhưng không bị ảnh hưởng nhà ở, không phải di chuyển chỗ ở nên áp dụng phương thức bồi thường về đất bằng tiền.
Theo đó, UBND huyện căn cứ vào công văn số 5135 ngày 7/11/2018 của Văn phòng UBND tỉnh về việc thực hiện phương thức bồi thường tại dự KDC-TTTM Hồng Phát quy định “Thống nhất việc áp dụng phương thức bồi thường về đất bằng tiền đối với trường hợp thu hồi đất ở mà không di chuyển chỗ ở (không có nhà ở)”.
Riêng trường hợp của bà Tím, UBND huyện đã quyết định bố trí nền tái định cư cho bà nhưng cũng không cụ thể về vị trí, diện tích như thế nào, do đó bà Tím vẫn chưa nhận quyết định này. Nhưng bất ngờ sau đó, UBND huyện Phụng Hiệp lại có quyết định trả lời khiếu nại với nội dung giữ nguyên Quyết định số 5517 ngày 27/1/2017 của UBND huyện về phê duyệt phương án bồi thường... TĐC. Theo quyết định 5517 thì bà Tím không được TĐC.
Người dân cho rằng, công văn của Văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang là vô lý, không có căn cứ và trái quy định pháp luật. “Luật đất đai và Nghị định của Chính phủ đều nêu rõ là trường hợp không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở. Pháp luật nói rõ như thế rồi nhưng vì sao tỉnh Hậu Giang đang cố tình làm trái pháp luật, ép dân lấy đất để giao cho doanh nghiệp. Phải chăng có lợi ích nhóm ở đây?”, anh Tuấn Anh nghi vấn.
Bản vẽ dự án.
Cho doanh nghiệp phân lô bán nền nhưng lại không có quỹ đất để TĐC
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đạt, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất, chi nhanh huyện Phụng Hiệp cho biết, trước nguyện vọng của người dân huyện cũng đã xin chủ trương của tỉnh. Tuy nhiên phía trung tâm lực bất tòng tâm vì văn phòng UBND tỉnh có công văn chỉ đạo như nói trên thì cấp huyện phải tuân theo.
Cũng theo ông Đạt, dự án có tổng cộng 37 nền TĐC, đã có 59 hộ nhận tiền, còn 18 hộ chưa đồng ý nhận tiền trong đó có 14 hộ có đất ở, 4 hộ có đất nông nghiệp không được xét nền TĐC.
Liên quan đến vụ việc, trả lời báo chí, UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng, việc không bố trí nền TĐC là do không có quỹ đất. Theo đó tỉnh căn cứ vào tờ trình số 2739/TTr-UBND huyện Phụng Hiệp về việc không có quỹ đất để giao đất ở cho các hộ bị thu hồi đất ở, không di chuyển chỗ ở (không có nhà ở). Đồng thời, căn cứ vào Điều 11 của Quyết định 39/2014 của UBND tỉnh Hậu Giang, được sửa đổi bổ sung có nội dung “Tùy tình hình thực tế của từng dự án mà UBND cấp huyện đề xuất UBND tỉnh quyết định phương thức bồi thường về đất bằng tiền hay bằng việc giao đất ở tại khu TĐC cho phù hợp”.
Do đó Thường trực UBND tỉnh thống nhất việc áp dụng phương thức bồi thường về đất bằng tiền đối với trường hợp thu hồi đất ở mà không di chuyển chỗ ở (không có nhà ở) đối với dự án KDC-TTTM Hồng Phát tại công văn số 5135.
Còn việc bồi thường về đất bằng tiền thực hiện theo khoản 2 Điều 74 của Luật đất đai năm 2013 nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể (theo giá thị trường) của loại đất thu hồi do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi.
Đây là dự án KDC và trung tâm thương mại nhưng UBND tỉnh cho rằng không có quỹ đất là không thuyết phục và vô lý. Tại Quyết định số 141 ngày 23/1/2015 của UBND tỉnh Hậu Giang về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết KDC-TTTM Hồng Phát phê duyệt thiết kế đô thị có đến 232 lô Nhà ở liên kế kinh doanh và 25 lô Nhà ở liên kế TĐC. Một dự án KDC, doanh nghiệp kinh doanh nền thương mại nhưng lại nói không có quỹ đất để TĐC là việc không chấp nhận được và trái quy định.
Đáng lý ra, muốn thực hiện dự án doanh nghiệp phải thương lượng với người dân trong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng không hiểu vì sao chính quyền lại can thiệp vào, áp đặt cho người dân bị giải tỏa đất, không có đất ở nào khác phải nhận TĐC bằng tiền, trong khi đất của dân thì DN phân lô với hàng trăm nền nhà thương mại để kinh doanh với giá cao chót vót?
Không còn đất, không có tái định cư người dân sẽ làm gì, đi về đâu, cuộc sống người dân sẽ ra sao, chính quyền sở tại có nghĩ đến chuyện này hay không?
Ngày 21/5/2019, các hộ dân chưa chịu giao đất cho biết, họ vừa nhận được thông báo là tỉnh Hậu Giang có công văn chỉ đạo huyện Phụng Hiệp tiến hành cưỡng chế thu hồ đất trong tháng 5 để sớm giao đất cho DN. Một số hộ dân cũng đã nộp đơn khởi kiện hành chính vì không được bố trí tái định cư.
Chuyên gia Luật đất đai Nguyễn Văn Điều (TP Cần Thơ) Căn cứ Điều 6 Nghị định 47/2014 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ, TĐC khi Nhà nước thu hồi và Điều 19 luật đất đai năm 2013 thì hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở bị thu hồi đất ở không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã nếu “không có nhu cầu bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở” thì Nhà nước bồi thường bằng tiền. Tuy nhiên trên thực tế, hầu hết các hộ dân khi bị thu hồi đất đều có nhu cầu cấp thiết về đất ở, nhà ở. Có trường hợp cụ thể được Chính quyền địa phương xác nhận “không còn nơi ở nào khác” thì khi bị thu hồi đất phải di dời chỗ ở hoặc ở nhờ nhà cha mẹ như trường hợp ông Nguyễn Tuấn Anh. Như vậy, trường hợp không còn nơi ở nào khác phù hợp với thuật ngữ “di chuyển chỗ ở” và căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 86 Luật Đất đai 2013: “Người có đất thu hồi được bố trí TĐC tại chỗ nếu tại khu vực thu hồi đất có dự án TĐC hoặc có điều kiện bố trí TĐC”. Như vậy, việc UBND huyện Phụng Hiệp cho rằng không có quỹ đất để giao cho các hộ bị thu hồi đất ở, không di chuyển chỗ ở là không đúng theo quy định của Luật đất đai cũng như Nghị định 47. Bởi lẽ, theo luật luật đất đai, quy định lập và thực hiện dự án TĐC: “UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án TĐC trước khi thu hồi đất” và “Việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc cơ sở hạ tầng của khu TĐC”. Từ những căn cứ trên, UBND huyện Phụng Hiệp không bố trí nền TĐC cho những hộ dân còn lại là không đúng với quy định, đẩy người dân vào hoàn cảnh khốn khổ, không nhà ở, không đất canh tác cũng như mất đi “quyền đảm bảo an sinh xã hội” theo Điều 34 Hiến pháp 2013. |