Chiều 23-5-2019, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống và Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thanh Dũng đồng chủ trì cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) trên địa bàn TP Cần Thơ.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống chỉ đạo công tác phòng chống bệnh DTHCP.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống khẳng định khả năng xuất hiện bệnh DTHCP trên địa bàn thành phố là rất lớn. Bởi hiện nay các tỉnh trong khu vực giáp ranh TP Cần Thơ đã xuất hiện bệnh dịch, như: tỉnh Hậu Giang, An Giang và Vĩnh Long… Do đó, công tác phòng, chống, ngăn chặn bệnh dịch xâm nhập địa bàn không còn là nhiệm vụ của ngành thú y mà là của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cấp cơ sở. Thành ủy Cần Thơ cũng vừa ban hành Công văn chỉ đạo số 1302-CV/TU gửi đến các ban xây dựng đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc, quận ủy, huyện ủy và các sở, ngành chức năng về công tác phòng, chống bệnh DTHCP; UBND TP Cần Thơ ban hành Quyết định số 1208/QĐ-UBND ngày 21-5-2019 về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh DTHCP do Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thanh Dũng làm trưởng ban.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, trên cả nước bệnh DTHCP xảy ra tại 2.775 xã, 247 huyện của 38 tỉnh, thành phố. Tổng số heo bị mắc bệnh và tiêu hủy là 1.602.958 con, với tổng trọng lượng gần 100.000 tấn. Đồng thời, nguy cơ bệnh DTHCP có khả năng lây lan nhanh, ở phạm vi rộng và làm ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi, kinh tế, an sinh xã hội, môi trường xung quanh… của đất nước. Tại TP Cần Thơ, hiện nay có trên 124.300 con heo (phát triển đạt 91,4% kế hoạch năm, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái), với 5.216 hộ chăn nuôi và 10 trang trại nuôi tập trung. Tuy nhiên, tại ĐBSCL, bệnh DTHCP đã xuất hiện tại 4 tỉnh giáp ranh với TP Cần Thơ, là: Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp và An Giang nên TP Cần Thơ có khả năng xâm nhập bệnh DTHCP rất lớn nếu không có giải pháp ngăn chặn tích cực. Ở quận Cái Răng, vào sáng 23-5-2018 tại khu vực Thạnh Phú, phường Phú Thứ đã xảy ra vụ việc 79 con heo của 2 hộ chăn nuôi bị chết. Ngành thú y đã hỗ trợ người dân tiêu hủy, khoanh vùng, tiêu độc khử trùng, đồng thời lấy mẫu heo chết để xét nghiệm bệnh DTHCP. Dự báo, bệnh DTHCP có khả năng lây lan nhanh. Bởi, lượng heo thịt nhập khẩu vào ĐBSCL rất lớn, nhất là ở TP Cần Thơ. TP Cần Thơ là đầu mối phân phối sản phẩm động vật cho các tỉnh ĐBSCL, đây là nguy cơ xâm nhiễm dịch DTHCP rất cao…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thanh Dũng kiểm tra tình hình chăn nuôi heo trên địa bàn TP Cần Thơ.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống yêu cầu: Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh DTHCP tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức, ý thức phòng chống dịch trong tất cả lực lượng làm nhiệm vụ, người chăn nuôi; theo dõi diễn biến bệnh tại địa bàn lân cận để có biện pháp phòng tránh, xử lý kịp thời nếu bệnh dịch xảy ra; kiểm soát quá trình vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ heo, sản phẩm heo trên địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, hóa chất, vật tư để xử lý khi bệnh DTHCP xuất hiện, đồng thời hỗ trợ hộ chăn nuôi có heo bị tiêu hủy theo quy định… Đối với các quận, huyện tập trung thực hiện kế hoạch, hành động phòng, chống dịch đã được ban hành; quy hoạch sẵn điểm tiêu hủy heo khi xuất hiện bệnh; lập các đoàn kiểm tra liên ngành tại các cơ sở giết mổ, điểm kinh doanh thịt heo, sản phẩm heo nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, kịp thời xử lý sản phẩm không rõ nguồn gốc; công khai, phổ biến số điện thoại ngành thú y để người dân thông tin, báo cáo kịp thời nếu bệnh dịch xảy ra…