Thông tin từ Phòng NNPTNT huyện Tân Hiệp, ngày 22/5, hộ bà Nguyễn Sol Pha (ngụ ấp Tân Hòa, xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp) báo với ngành chức năng gia đình có lợn bị bệnh bỏ ăn. Nhận được tin, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã trực tiếp đến hộ ông Pha để xác minh.
Theo đó, xác định ông Pha có tổng đàn lợn 33 con, trong đó có 1 con lợn nái đã bị bệnh từ 18/5, hai ngày sau lây sang 3 con nữa. Trong số những con lợn bị bệnh, 1 con có dấu hiệu sốt, đỏ da, phân hơi khô, 3 con còn lại không bị sốt nhưng bỏ ăn. Chủ hộ đã dùng kháng sinh và thuốc cho các con lợn bị bệnh, nhưng không khỏi.
Sau đó, Trạm đã tiến hành lập biên bản xác minh bệnh và cấp thuốc xác trùng cho chủ hộ; đồng thời yêu cầu không bán chạy gia súc và tiếp tục theo dõi chờ ngành chuyên môn lấy mẫu gửi xét nghiệm để có kết luận về bệnh và có biện pháp khống chế kịp thời.
Ngành chức năng tiến hành tiêu hủy đàn lợn bị nhiễm bệnh tả lợn Châu Phi vào sáng nay. Ảnh: CTV.
Bà Phan Kim Loan - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Tân Hiệp, thông tin: “Đến hôm nay (24/5) đã có kết quả xét nghiệm xác định lợn bị nhiễm bệnh và tiến hành tiêu hủy đàn lợn ngay trong sáng nay. Ngành chức năng sẽ tiếp tục lập chốt chặn và kiểm tra các xã, thị trấn trong địa bàn để kịp thời kiểm soát dịch bệnh”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Đức - Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú ý tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Hiện nay ngành chức năng sẽ triển khai phương án 2 là phòng chống dịch. Theo đó sẽ khoanh vùng dịch, kiểm tra về tình hình kiểm dịch, kiếm soát giết mổ, tổ chức các biện pháp phòng chống dịch. Bên cạnh đó, tổ chức tiêu độc khử trùng, áp dụng các biện pháp chống dịch theo quy định”.
Ngoài Kiên Giang, trước đó trong khu vực ĐBSCL đã có các tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang và An Giang cũng phát hiện nhiều ổ dịch tả lợn châu Phi tại các đàn lợn nuôi theo quy mô hộ gia đình.