Ngày 25/5, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) xác nhận, Tổng cục vừa yêu cầu Công ty cổ phần đầu tư Quốc lộ 91 tạm dừng thu phí tại trạm T2 (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ).
“Trạm tạm dừng trong một thời gian ngắn thôi để tính toán phương án giảm giá rồi sẽ thu lại. Hiện nay, đơn vị đang kiểm đếm số xe đi qua trạm để xem lại phương án tài chính xem có thể giảm được đến mức nào”, ông Huyện cho biết.
Sau khi thực hiện dừng thu phí,giao thông qua trạm T2 BOT Quốc lộ 91 đã trở nên thông thoáng hơn.
Ông Nguyễn Văn Kiệm - Trạm trưởng trạm T2 (Công ty cổ phần đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang) cho biết: “Sáng giờ, tình hình an ninh không được ổn nên mới xả trạm. Bao giờ có chỉ đạo của công ty thì thu lại".
Trước đó, sau khi cầu Vàm Cống được thông xe, trạm T2 BOT Quốc lộ 91 liên tục bị các tài xế phản ứng. Các tài xế cho rằng trạm T2 đặt sai vị trí, các phương tiện di chuyển từ tỉnh An Giang về hướng Rạch Giá (Kiên Giang) hoặc qua cầu Vàm Cống về TP.HCM (và ngược lại) chỉ sử dụng khoảng 300m Quốc lộ 91 nhưng phải đóng phí cho toàn tuyến khi qua trạm T2.
Trong hai ngày 23-24/5, trạm T2 BOT Quốc lộ 91 liên tục phải xả trạm do các tài xế cho đậu xe ở các làn thu phí để phản đối.
Theo Tiền Phong, chiều 24/5, Tổng cục Đường bộ đã có văn bản gửi các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ và chủ đầu tư với yêu cầu giảm phí cho xe qua trạm này. Theo đó, Tổng cục Đường bộ đề nghị Công ty CP Đầu tư Quốc lộ 91 (đơn vị quản lý trạm BOT T2) nghiên cứu, đề xuất phương án giảm giá cho các xe qua trạm T2 đối với các khu vực lân cận mới trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Đồng thời, tiếp tục cập nhật, xem xét giảm giá cho các xe thuộc diện được giảm đối với các khu vực lân cận trên địa bàn tỉnh An Giang và thành phố Cần Thơ như phương án đã được duyệt trước đó.
Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ giao Cục Quản lý đường bộ IV kiểm tra, xác định cụ thể chủng loại xe, lưu lượng xe qua nút giao hướng về Kiên Giang và nút giao lên cầu Vàm Cống. Thời gian kiểm tra trong 3 ngày (25–27/5), mỗi ngày tổ chức kiểm tra, đếm xe 24/24 giờ và báo cáo kết quả về Tổng cục Đường bộ trong ngày 28/5.
‘Đi bao nhiêu, tính tiền bấy nhiêu’
Liên quan tới vấn đề này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) trao đổi với báo Tin tức bên lề hành lang Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, cho rằng phương án dành cho các xe đi đoạn đường ngắn là phát vé để chứng nhận xe đó chỉ đi đoạn đường ngắn, thu 2.000 đồng/lượt là vừa. Đây là phương án tốt nhất. Điều này đáp ứng nguyện vọng chung của người dân.
“Đây là vấn đề đơn giản nên Bộ Giao thông – Vận tải phải sớm xử lý. Nên có buổi ngồi lại làm việc với nhau giữa các Sở Giao thông – Vận tải, các tỉnh, TP khu vực đó như Cần Thơ, An Giang, cùng với Bộ Giao thông – Vận tải để sớm có phương án tốt nhất”, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị.
Liên quan đến đề xuất di dời trạm BOT, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng phải cần thời gian nghiên cứu, còn phát vé sẽ giải quyết ngay việc xe đi đoạn đường ngắn phải đóng phí rất cao.
Bá Di - (Tổng hợp) - (nguoiduatin.vn)
T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)