Hiện trạng sạt lở tại công trình kè khắc phục sạt lở đê sông Gành Hào.
Cụ thể, đang trong quá trình đào đắp đất vào trong thân của bờ kè thì ngày 16/5/2019 xảy ra sự cố sạt lở ở đoạn 1 với chiều dài 35,5 m trong tổng số 119 m. Sau đó, đến ngày 24/5/2019, tuyến kè này tiếp tục sạt lở nghiêm trọng, nâng tổng chiều dài sạt lở đến nay lên 74 m.
“Hiện khu vực này vẫn đang tiếp tục sạt lở”, ông Nguyễn Thành Phương, Trưởng phòng Kinh tế TP. Cà Mau (chủ đầu tư) cho biết.
Tuyến kè này đã thi công hoàn thành phần kè bằng bê tông cốt thép, nay đã bị sạt lở gần như hoàn toàn. Toàn bộ kết cấu gồm: cọc giữ, cọc neo, đà giằng, đà neo, đà chắn đất phần lớn (74/119 m) bị sạt mất hẳn xuống lòng sông Gành Hào. Đặt biệt, tuyến lộ nhựa hiện hữu đã bị lở mất gần như hoàn toàn, không đảm bảo an toàn giao thông. Tình trạng sạt lở này đã chia cắt lưu thông của người dân trong vực.
Theo ông Nguyễn Thành Phương, do có dấu hiệu bất ổn hệ thống cọc neo trong lúc thi công nên chủ đầu tư đã kiến nghị một số đơn vị chuyên môn tỉnh xem xét hỗ trợ về mặt chuyên môn kỹ thuật. Qua đó, công trình được tạm dừng từ ngày 20/2/2019 đến ngày 2/5/2019 để chờ ý kiến chỉ đạo, hỗ trợ thêm về mặt chuyên môn kỹ thuật cũng như chờ chủ trương xin thêm kinh phí từ quỹ phòng chống thiên tai của tỉnh để gia cố thêm phần rọ đá phía ngoài chân kè. Tuy nhiên, khi chưa kịp chưa triển khai thì kè đã sạt lở gần hết.
Công trình khắc phục sạt lở tuyến đê sông Gành Hào do Trưởng phòng Kinh tế TP. Cà Mau làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn từ Quỹ phòng chống thiên tai để thực hiện với quy mô công trình dài 174 m. Công trình gồm 2 đoạn: đoạn 1 dài 119 m và đoạn 2 dài 55 m.
Theo ông Nguyễn Thành Phương, nguyên nhân sạt lở ban đầu được xác định là do điều kiện kinh phí hạn chế nên khâu khảo sát thiết kế chủ yếu bằng trực quan (không khoan địa chất). Do đó các kết cấu thiết kế về cọc giữ, cọc neo còn ngắn so với cung trượt sâu và rộng dẫn đến kè không có khả năng chịu lực khi mưa lớn, biên độ chênh lệch thủy triều lớn.
Đoạn 2 của công trình có chiều dài 55 m hiện cũng đã có xuất hiện vết nứt trên mặt lộ nhựa hiện hữu, chiều dài khoảng 10 m. Theo nhận định, trong thời gian tới có thể xảy ra sạt lở thêm tại đoạn này, vì hiện tại chưa đắp đất đến đủ cao trình thiết kế.
Nói về giải pháp khắc phục, ông Nguyễn Thành Phương cho rằng là ngoài khả năng của thành phố. Hiện cần thành lập hội đồng để xác định rõ nguyên nhân từ đó mới có giải pháp hữu hiệu hơn. Trước mắt, thành phố đã chỉ đạo xã tiến hành họp dân để xin ý kiến làm con lộ tạm thời dịch chuyển vào đất liền để phục vụ đi lại cho người dân.